.

Tết bắt đầu từ mẹ

.

Có đôi lần, tôi hỏi Ngô Thị Hoài Thương rằng, khi Tết đến, em thích điều gì nhất? Em bảo, kể từ khi có bố, có mẹ, có tình cảm của gia đình thì với em, ngày nào cũng là Tết.

Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của mẹ Xuân khi thu hoạch nấm để cải thiện bữa ăn cho các con.
Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của mẹ Xuân khi thu hoạch nấm để cải thiện bữa ăn cho các con.

Niềm vui giản dị

Cách đây gần 10 năm, mẹ mất, bố Thương phải bươn chải nhiều nghề nhưng vẫn không thể lo nổi cho đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn. Trước tình cảnh này, bố Thương đã đưa con đến Trung tâm (TT) Bảo trợ trẻ mồ côi Hoa Mai ở phường Hòa Hải nhờ nuôi dưỡng. Ngày mới rời nhà đến đây, đêm nào em cũng khóc vì nhớ anh, nhớ chị, nhớ người cha quanh năm tần tảo nơi quê hương Hòa Tiến. Nhưng rồi, em tự nhủ, nếu mình không cố gắng, mình sẽ phụ tấm lòng của ba, của các mẹ các chị tại đây. Suy nghĩ ấy đã giúp Thương nỗ lực trong việc học, liên tiếp đạt danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm liền. Mới đây nhất, Thương còn đoạt giải nhì (không có giải nhất) môn Văn trong cuộc thi học sinh giỏi thành phố năm học 2010-2011. Bây giờ, ngoài giờ học, Thương còn phụ các mẹ trông em, dạy em học hoặc trồng nấm, trồng rau trong vườn để cải thiện bữa ăn cho mọi người.

Cũng tại TT này, từ Quảng Nam, hai anh em sinh đôi Nguyễn Tấn Hùng, Nguyễn Tấn Dũng (hiện cùng học lớp 7 Trường THCS Huỳnh Bá Chánh) đã về đây sinh sống từ năm 2008. Mẹ Nguyễn Thị Xuân (61 tuổi), Giám đốc TT kể lại, sau khi cơn bão Xangsane tàn phá vùng biển các tỉnh miền Trung, chị đã tìm vào tận quê hương Thăng Bình để đón hai em, bởi ba các em đã vĩnh viễn ra đi sau cơn bão tàn khốc. Những ngày đầu, hai em rụt rè, ai hỏi về ba cũng ngân ngấn nước mắt, dần dà, tình thương yêu của các bố, các mẹ tại TT đã giúp hai em hòa nhập, tìm lại nét hồn nhiên trong lứa tuổi của mình.

TT hiện nuôi dưỡng 50 trẻ mồ côi thuộc TP. Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi… Trong các dịp lễ, Tết các em được các mẹ tạo điều kiện về nhà thăm người thân, gia đình. Mẹ Xuân nói rằng, chúng tôi chỉ mong được chia sẻ khó khăn, bù đắp những mất mát, thiệt thòi mà những đứa trẻ hồn nhiên đang phải chịu đựng. Vào những dịp lễ, Tết, chị và nhiều người khác sẵn sàng chia sẻ khoảng thời gian hiếm hoi bên gia đình để các em thấy mình được quan tâm, lo lắng.

Khi tình thương lên tiếng

Nếu ai đã từng biết đến những khó khăn trong nghề dạy học thì mới khâm phục những cô giáo, thầy giáo của trẻ em da cam. Bởi ở đó, họ không chỉ có lòng yêu nghề, yêu trẻ, mà còn có cả tấm lòng dịu dàng, kiên nhẫn chịu đựng những hành động vô thức từ các em.

Nằm ẩn trong con hẻm nhỏ đường Quang Trung là cơ sở 2 thuộc TT Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam TP. Đà Nẵng. Học trò ở đây phần lớn bị thiểu năng trí tuệ, chậm tiếp thu, chưa kể các dị tật bẩm sinh khác do ảnh hưởng của dioxin. Vì lý do đó, khả năng tiếp thu bài của các em cũng khác nhau. Ví dụ, cùng vào TT một lần, nhưng sau vài tháng, có em biết đọc, biết viết nhưng cũng có em loay hoay mãi cũng không viết nổi tên mình. Chị Võ Thị Thu, Phó Giám đốc TT cho biết, phần lớn các em chỉ nhớ những gương mặt, còn con chữ thì học đâu quên đó. Một đường thêu đôi khi phải dạy 2, 3 ngày mới xong nhưng chỉ vài ngày sau các em lại quên mất, đành phải dạy lại từ đầu. Để hoàn thành một mẫu thêu đơn giản, thời gian đôi khi kéo dài hết tháng này qua tháng khác… Vất vả là thế nhưng thu nhập mỗi tháng của cán bộ tại đây chưa đến 1 triệu đồng. Chị Phan Thị Thanh, giáo viên dạy thêu tại cơ sở 1 nằm trên đường Nguyễn Như Hạnh bộc bạch: Nếu đi làm và chỉ nghĩ về đồng lương, chắc chúng tôi đã không thể kham nổi công việc này.

Cũng tại các lớp học này, có những thầy giáo, cô giáo là người khuyết tật hoặc cùng là nạn nhân chất độc da cam như thầy Trương Tấn Dũng hay Nguyễn Ngọc Phương… Bị liệt hai chân và phải ngồi xe lăn, nhưng bù lại, thầy giáo Trương Tấn Dũng lại vẽ rất đẹp. Về cơ sở 2 dạy vẽ từ năm 2008 với đồng lương chỉ 700.000 đồng/tháng, nhưng Dũng đã mang lại cho nhiều em nhỏ tình yêu và sự cảm thông, chia sẻ đặc biệt. Học trò xem anh như một người anh, sẵn sàng gần gũi, chia sẻ những điều chúng thắc mắc. Bằng tấm lòng dịu dàng, Dũng chẳng bao giờ la mắng hay đánh đòn học sinh, bởi anh nghĩ rằng: Với những đứa trẻ như thế này, không yêu chúng thì thôi, sao lại còn đánh.

 Tình yêu thương luôn là nơi xuất phát cho những hành động tốt đẹp của con người. Với những đứa trẻ mồ côi hay khuyết tật, chỉ khi nào cảm nhận được tình cảm gia đình, các em mới phần nào bớt đi những nỗi buồn, nỗi đau mà mình phải chịu đựng trong cuộc đời này.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.