.
Cửa sổ tri thức

Tết của người Cơtu

.

* Xin cho biết người Cơtu ăn Tết vào dịp nào và cách thức ăn Tết ra sao? (Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Hải Châu, Đà Nẵng).

Hội mừng Tết người Cơtu. (Ảnh: V.T.L)
Hội mừng Tết người Cơtu. (Ảnh: V.T.L)

- Ăn Tết, người Cơtu Nam Giang gọi là Cha Pôỉq hay Cha Pling, còn người Cơtu ở Đông Giang và Nam Giang thì gọi là Cha Pruôt. Thực ra “Pling” hay “Pruôt” đều có nghĩa là Tết (“Cha” trong tiếng Cơtu nghĩa là ăn), và cũng có nghĩa là tổng kết một năm bội thu hay thất bát, khỏe mạnh hay ốm đau.

Đà Nẵng có khoảng hơn một nghìn người Cơtu sống ở các thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), huyện Hòa Vang. Bà con đón Tết Nguyên đán như người Kinh, cũng kéo nhau đi chúc Tết đầu Xuân và cũng cữ xông đất vào sáng sớm mồng một Tết.

Sau rằm tháng Chạp âm lịch, bà con đã lo sửa lại cái nhà, dọn dẹp từ ngoài sân vô tới cái bếp. Thanh niên không quên mua tranh, lịch treo trên tường cho ngày Xuân thêm mát mắt. Nhà nào cũng chuẩn bị một con gà trống tơ để cúng Giàng, tiên tổ.

Để cúng Giàng ngày Tết, ngoài thịt heo, chim, cá, người Cơtu còn làm bánh acuốt - một loại bánh rất phổ biến hình tam giác, không có nhân, làm từ gạo, nếp. Có nơi gọi nó là bánh sừng trâu vì trông giống như sừng trâu, hoặc bánh đót vì được gói bằng lá đót – một loại cây mọc rất nhiều ở rừng. Ngày trước, người Cơtu chỉ nấu xôi đồ (avỉ đhooh) hoặc xôi nướng trong ống nứa tươi (avỉ hor). Ngày nay, cùng ăn Tết với người Kinh, bà con đã biết gói bánh tét, bánh chưng; tuy hình thức không đẹp bằng nhưng hương vị thì không thua kém.

Chuẩn bị đâu vào đấy, tối 30, mỗi nhà mang một chai rượu, một đĩa xôi, một đĩa thức ăn (thường là cá suối khô, gọi là asiu tapriêng) lên nhà Gươl để cúng giao thừa. Tết, nhà Gươl là nơi được trang trí, trưng bày đẹp nhất làng. Đêm giao thừa, các già làng tề tựu về nhà Gươl đông đủ, lễ cúng có khi chỉ là một con gà, không cần phải rình rang làm heo. Già làng đứng ra cùng với đại diện các gia đình cúng xin Giàng ban cho một năm mới mùa màng tốt tươi, dân làng khỏe mạnh. Già làng đốt nhang, khấn bằng tiếng mẹ đẻ, đại khái là “xin ông Trời cùng ông bà cô bác sơn lâm bổn xứ đừng làm hại; mưa gió thuận hòa để cây lúa đầy bông, sắn khoai đầy củ, bà con làm ăn khá giả, giàu có, bớt đau ốm”.

Xong lễ cúng Giàng, mọi người quây quần bên nhau, cùng nâng ly rượu chúc phúc đầu năm. Trong phần hát lý bằng tiếng phổ thông rồi tiếng dân tộc Cơtu diễn ra sau đó, mọi người ôn lại cái khổ, cái cực, cái nghèo hôm qua, ca ngợi cuộc sống mới hôm nay để giáo dục con cháu. Nếu có khách, già làng đem ra một chai rượu, một đĩa cau trầu, một gói thuốc rồi nỉ non hát lên bổng xuống trầm: “Tôi mời anh, dù chỉ một chút bé nhỏ như miếng cau, lá trầu, nhưng tình nghĩa thì như tiếng chiêng rộng dài vượt qua mấy ngọn núi”. Vừa hát, già làng vừa rót rượu mời khách.

Ngày Tết, người Cơtu có tục Dơdáo – đi thăm nhà chị em gái hoặc con gái đã lấy chồng mà lâu ngày chưa gặp, chứ không có tục con cái đã có vợ chồng về thăm nhà cha mẹ. Nhưng giờ theo lệ người Kinh, con gái Cơtu có chồng ngày Tết cũng về thăm nhà cha mẹ, mang theo thịt heo làm quà, không nhiều thì một miếng cũng được, gọi là lấy tình.

Hiện nay, Cha Pruôt của người Cơtu và Tết của người Kinh gần như đã hòa nhập làm một, nhất là ở vùng có nhiều người Kinh cùng sống.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.