.

Cây xanh đô thị: Bao giờ xã hội hóa?

.

Cách đây 4 năm, người dân Đà Nẵng từng biết đến Đề án xã hội hóa (XHH) phát triển cây xanh và hy vọng nếu đề án này sớm triển khai thực hiện, sẽ mang lại bộ mặt mới cho mảng xanh đô thị. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đề án này đã rơi vào ngõ cụt khi chưa tìm ra cách làm hiệu quả.

Đề án dở dang

Ngoài doanh nghiệp, một lượng cây lớn đã được trồng bởi đoàn viên thanh niên thành phố.
Ngoài doanh nghiệp, một lượng cây lớn đã được trồng bởi đoàn viên thanh niên thành phố.

Vì sao đề án rơi vào ngõ cụt? Theo ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Công ty Công viên-Cây xanh (CVCX) Đà Nẵng, nếu thực hiện XHH bằng cách bàn giao cây xanh cho từng hộ dân để họ chăm sóc, bảo quản thì không thể giải quyết triệt để bài toán này.

Trong báo cáo sơ kết công tác bàn giao thí điểm cây xanh đường phố cho hộ dân 2 phường Mỹ An (Ngũ Hành Sơn) và Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu) do Công ty CVCX (lúc này là Công ty Cây xanh) thực hiện năm 2009 đã chỉ ra hàng loạt những vấn đề phát sinh không thể giải quyết. Ví như cây xanh do dân tự trồng sao lại bàn giao cho dân? Trên cùng tuyến đường tại sao trồng nhiều loài cây mà không có biện pháp xử lý? Nếu cây xanh bị chặt phá ban đêm thì ai chịu trách nhiệm? Cấp nào quy định người dân phải ký cam kết? Nội dung bản cam kết đã được cấp nào phê duyệt? Người dân tích cực bảo vệ cây xanh nhưng nhân viên điện lực chặt hư tán lá thì ai xử lý?... Với những câu hỏi này, Công ty CVCX không thể có câu trả lời thỏa đáng vì không thuộc thẩm quyền giải quyết. Đây cũng là lý do khiến người dân không mặn mà với cây xanh được bàn giao, có hộ không chịu ký cam kết, gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu XHH phát triển cây xanh đường phố theo cách này.

Căn cứ pháp lý để thực hiện việc bàn giao cây xanh là Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20-12-2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị và Quyết định số 49/2005/QĐ-UB ngày 25-4-2005 của UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quy định quản lý hệ thống cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, 2 văn bản này không quy định rõ ràng việc phân cấp quản lý cây xanh cho các cấp chính quyền địa phương. Trong khi đó, nội dung quan trọng nhất của Đề án XHH phát triển cây xanh đường phố giai đoạn 2008-2010 là bàn giao cây xanh cho chính quyền địa phương nên khi bàn giao gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, khi Công ty CVCX tiến hành bàn giao tại UBND quận Sơn Trà, một đồng chí Phó Chủ tịch quận đã không chịu ký vào biên bản bàn giao sau khi đặt ra câu hỏi: Nếu đưa cho dân chăm sóc, bảo quản thì có trả tiền cho dân không? Với câu hỏi này, ông Thứ cho rằng, nếu trả tiền cho dân thì còn gì là XHH, chưa kể đến việc nguồn tiền này lấy từ đâu…

Những vướng mắc, hạn chế trên đã được Công ty CVCX tổng hợp bằng văn bản trình lên Sở Xây dựng xem xét, có ý kiến chỉ đạo. Tuy nhiên từ đó đến nay, câu chuyện XHH cây xanh đô thị rơi vào im lặng vì các cơ quan chủ quản chưa tìm được phương pháp thực hiện phù hợp với nhu cầu thực tế đề ra.

Tín hiệu từ phía doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hữu Kim, Phó Giám đốc Công ty CVCX Đà Nẵng khẳng định, muốn thực hiện tốt công tác XHH phát triển cây xanh thì cần phải hiểu rõ XHH là gì để có cách làm đúng, phù hợp. Bởi, XHH phát triển cây xanh không đơn thuần là bàn giao cây xanh cho từng hộ dân để họ chăm sóc, bảo quản mà nên kêu gọi họ giữ cây, nếu cây có vấn đề gì thì gọi điện báo cơ quan chức năng xử lý. Với vai trò và chức năng của mình, công ty chỉ có thể phối hợp trong việc tư vấn, tập huấn, hướng dẫn các đơn vị trồng và chăm sóc cây. XHH cần có sự hợp sức từ doanh nghiệp, đơn vị tư nhân.

Điều này, ông Thứ nói, nếu muốn doanh nghiệp tham gia công tác XHH phát triển cây xanh, đề án cần phải nói rõ quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp đó. Theo ông, nên khuyến khích doanh nghiệp đứng ra trồng cây trên tuyến đường đã đăng ký, rồi cho gắn bảng logo quảng cáo (kích thước đồng đều, vừa phải) trên thân cây để vừa giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, vừa giúp thành phố có thêm những tuyến đường điểm, xanh, sạch, đẹp.

Về XHH phát triển cây xanh đô thị, ý kiến từ phía doanh nghiệp cho thấy, doanh nghiệp và cơ quan chức năng chưa gặp nhau ở quan điểm, cách thức thực hiện cũng như phân công ai sẽ giải quyết những tình huống phát sinh khi trồng và chăm sóc cây xanh. Vì thế, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã tự liên hệ với địa phương để trao tặng cây xanh mà không thông qua Sở Xây dựng hay Công ty CVCX. Ví dụ, ngày 24-12-2011, Văn phòng Công ty Prudential tại Đà Nẵng phối hợp cùng Hội Cựu chiến binh xã Hòa Tiến (Hòa Vang) trồng 500 cây xanh trên các tuyến đường giao thông nông thôn từ thôn Cẩm Nê đến thôn Thạch Bồ, qua đó kêu gọi và phát huy trách nhiệm của người dân đối với hoạt động xã hội, chung tay góp sức gìn giữ môi trường. Hay ngày 31-1, Hội Cựu chiến binh phường Hòa Minh tổ chức trồng 2000 cây xanh quanh khuôn viên đình làng Hòa Mỹ, đình làng Hòa Phú, đình làng Trung Nghĩa và khu vực bờ kênh khu dân cư Hòa Phú 5…

Mới đây nhất, ông Lê Văn Duẩn, Giám đốc FPT Polytechnic tại Đà Nẵng đã tìm đến Công ty CVCX đưa ra đề nghị được trồng cây xanh trên một đoạn đường Nguyễn Tất Thành. Theo đó, đơn vị này sẽ giao cho sinh viên nhiệm vụ trồng và chăm sóc cây trên đoạn đường đã đăng ký. Dù cách thức thực hiện như thế nào đi nữa, thì câu chuyện này cùng những con số trên đã cho chúng ta thấy, có rất nhiều doanh nghiệp muốn chung tay trong việc xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố xanh. Có thể nói đây là những tín hiệu vui từ phía doanh nghiệp. Nhiệm vụ còn lại thuộc về các cơ quan chức năng, làm sao để các bên gặp nhau ở điểm chung, góp phần tạo nên bước khởi đầu mới cho câu chuyện cây xanh Đà Nẵng thời gian tới.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.