36 năm trước, vào Tết Bính Thìn 1976 - mùa xuân đầu tiên đất nước thống nhất, nhạc sĩ Văn Cao hoàn thành ca khúc Mùa xuân đầu tiên, gửi đến công chúng yêu âm nhạc một tác phẩm thấm đậm chất nhân văn.
Văn Cao (1923-1995) tên thật là Nguyễn Văn Cao, quê gốc Nam Định nhưng sinh ra và trưởng thành ở Hải Phòng. Ông là người đa tài, không chỉ thuộc thế hệ tiên phong của nền Tân nhạc Việt Nam mà còn có những đóng góp lớn trong lĩnh vực thơ, văn, họa.
Thuở nhỏ, Văn Cao học ở Trường tiểu học Bonnal, sau lên học trung học tại Trường dòng Saint Josef, là nơi ông bắt đầu học âm nhạc. 15 tuổi, ông bỏ học vì gia đình sa sút, sau khi kết thúc năm thứ hai bậc Thành chung, làm điện thoại viên ở sở Bưu điện tại Hải Phòng, nhưng được một tháng thì bỏ việc.
Cuối những năm 1930, tân nhạc Việt Nam ra đời. Ở Hải Phòng khi đó tập trung nhiều nhạc sĩ tiên phong, Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng và sáng tác ca khúc đầu tay Buồn tàn thu khi mới 16 tuổi. Ông làm quen với Phạm Duy, chính Phạm Duy là người đã hát Buồn tàn thu và giúp ca khúc trở nên phổ biến.
Năm 1942, ông rời Hải Phòng lên Hà Nội, thuê căn gác nhỏ số 171 phố Mongrant (nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền) và theo học dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngoài hội họa, ông còn làm thơ, viết truyện đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy. Thời gian này, ông viết nhiều ca khúc trữ tình nổi tiếng như Cung đàn xưa, Bến xuân, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi...
Cuối năm 1944, ông tham gia cách mạng, nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một hành khúc. Ông viết Tiến quân ca tại căn gác trọ, bài hát được in trên trang văn nghệ của Báo Độc Lập tháng 11 năm đó. Ngày 13-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ đó, ông sáng tác nhiều ca khúc phục vụ cách mạng như: Chiến sĩ Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Bắc Sơn, Trường ca Sông Lô, Ngày mùa, Làng tôi, Tiến về Hà Nội, Ca ngợi Hồ Chí Minh… Trong đó, Trường ca Sông Lô là ca khúc ghi dấu ấn trong lịch sử Tân nhạc Việt Nam như nhận xét của nhạc sĩ Phạm Duy: “Đó là tác phẩm vĩ đại... chẳng thua bất cứ một tuyệt phẩm nào của nhạc cổ điển Tây phương... Bài này đánh dấu sự trưởng thành củaTân nhạc”.
Tết Bính Thìn 1976 - mùa xuân đầu tiên đất nước thống nhất, nhạc sĩ Văn Cao hoàn thành ca khúc Mùa xuân đầu tiên, gửi đến công chúng yêu âm nhạc một tác phẩm thấm đậm chất nhân văn: Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên. Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm. Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người…
Ông mất tại Hà Nội năm 1995, một năm sau được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cũng một năm sau ngày ông mất, thành phố Hải Phòng đã đặt tên ông cho một con phố rất đẹp ở quận Ngô Quyền. Năm 2005, mười năm sau ngày ông mất, thành phố Hà Nội đặt tên ông cho một tuyến phố thuộc hàng đẹp nhất thủ đô, nối từ Liễu Giai đến đường Hoàng Hoa Thám.
Ở Đà Nẵng, tên ông được đặt cho con đường dài 227m, rộng 5,5m, từ đường Quang Dũng đến đường Tản Đà dọc theo phía Bắc hồ Thạc Gián, thuộc quận Thanh Khê (ảnh), theo Nghị quyết số 06-2000/NQ-HĐ của Hội đồng Nhân dân thành phố, khóa VI, ngày 19-7-2000, về đặt tên một số đường của Đà Nẵng.
Nhà phê bình văn học Việt Nam Đặng Thai Mai nhận xét: “Văn Cao là một viên ngọc trên bức khảm văn hóa - nghệ thuật của dân tộc Việt Nam”. Nhạc sĩ Phạm Duy thì thẳng thắn: “Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều”.
Mùa xuân đầu tiên đã góp phần làm cho viên ngọc lóe sáng và tài hoa nở rộ.
LÊ GIA LỘC