.

Hồn sen đất Việt

.

Tối mồng 4 Tết vừa qua, một hoạt động văn hóa - văn nghệ đầy ý nghĩa nhằm tôn vinh quốc hoa đã diễn ra ở khu Tết xưa của Hội Hoa xuân Đà Nẵng Nhâm Thìn 2012.

Trung tuần tháng 6 năm ngoái, Sen hồng đã chính thức được vinh danh tại lễ tổng kết cuộc bình chọn quốc hoa Việt Nam, do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Ở Đà Nẵng, trong khuôn khổ những hoạt động tôn vinh quốc hoa, tối mồng 4 Tết vừa qua, CLB Thơ lục bát Việt Nam, Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, NXB Văn học - Cơ quan đại diện tại Đà Nẵng và miền Trung-Tây Nguyên, CLB Thơ lục bát Việt Nam tại Đà Nẵng đã tổ chức chương trình văn nghệ “Hồn sen đất Việt” tại sân khấu trước đình xưa ở Hội Hoa xuân Đà Nẵng.

Tại đêm văn nghệ “Hồn sen đất Việt”, ngoài thơ lục bát, sen còn được tôn vinh qua hát múa “Người về thăm quê”.
Tại đêm văn nghệ “Hồn sen đất Việt”, ngoài thơ lục bát, sen còn được tôn vinh qua hát múa “Người về thăm quê”.

Trên khắp lối đi ở khu Tết xưa, hoa sen được cách điệu thành chiếc đèn lồng, bên cạnh chiếc đèn bánh ú truyền thống. Hoa đăng hình hoa sen cũng được đặt viền quanh sân khấu và lung linh tỏa ánh sáng dưới hồ nước bên sân đình. Sau hồi chiêng trống khai mạc, tiếng hát Minh Ánh mở đầu chương trình bằng ca khúc “Người về thăm quê” với sự minh họa hình tượng hoa sen của đội múa trên nền lời hát đầy cảm xúc về chuyến thăm làng Trù quê mẹ, làng Sen quê cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đi giữa ân tình giữa bát ngát hương sen một ngày đi xa là ngàn ngày mong đợi và ngàn năm không quên. Xúc động bồi hồi người rơi giọt lệ thương cánh võng xưa thương tiếng ru hời.

Hoa sen, cụ thể là Sen hồng, đã trở thành “nhân vật chính” của đêm hội. Nhà nhiếp ảnh Trần Bích từ TP. Hồ Chí Minh mang đến 25 bức ảnh nghệ thuật về hoa sen. Các em thiếu nhi Đà Nẵng tham gia gần 20 bức tranh sen. Nhà thư pháp Hồ Công Khanh viết thư pháp tặng khách du xuân, trong đó có câu “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Miền Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.

Các tiết mục văn nghệ cũng hướng về sen, như múa Hoa sen của tốp múa Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, kể chuyện Truyền thuyết hoa sen của Nguyễn Lê Oanh Vũ, học sinh lớp 6, giải nhất thi viết về truyền thuyết các loài hoa tại Hội Hoa xuân Đà Nẵng năm nay. Giữa không gian đầy thi vị của đêm xuân, một chị ở Đà Nẵng không nén được những mỹ cảm về hoa sen đã từ hàng ghế khán giả bước lên sân khấu xin hát bài ca vọng cổ Hoa sen Tháp Mười với chất giọng luyến láy của Nam Bộ.

Thú vị, ý nghĩa nhất là phần thi sáng tác thơ lục bát tại chỗ về hoa sen. Trong gần 50 bài thơ tham gia tối đó, Ban tổ chức đã chọn ra 10 bài xuất sắc nhất để trao giải. Đại đức Thích Huệ Vinh trụ trì chùa Quán Thế Âm (Ngũ Hành Sơn), sau khi cho rằng hoa sen tượng trưng cho sự xả thân, cống hiến, bởi toàn thân sen từ thân cành đến hoa quả đều làm lợi cho con người, đã hưởng ứng bằng bài thơ có hai câu: Hồn sen đất Việt quê mình/ Là hồn dân tộc chân tình yêu thương.

Hoa sen hiện là quốc hoa của một số nước như: Ấn Độ (sen trắng), Ai Cập, Sri Lanka... Ở Việt Nam, qua các hệ thống bình chọn từ năm 2010 đến tháng 6-2011, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã thông báo kết quả hoa sen luôn chiếm tỷ lệ bầu chọn cao nhất. Bộ sẽ có văn bản trình Chính phủ và Quốc hội báo cáo kết quả các cuộc bình chọn để từ đó tiến đến việc công nhận và công bố sen hồng là quốc hoa của Việt Nam.

Nhà thơ Phụng Lam “Vẽ” bức tranh sen bằng 4 câu: “Vẽ hoa sen, vẽ chút lòng. Chiết hương thơm giữ sắc trong thanh bình. Hồn hoa hồn nước non mình. Tháp Mười tỏa ngát nếp trinh trắng ngời”. Nhà thơ Nguyễn Miên Thượng đến từ CLB Thơ Hương Sen, Hội An, thì đưa cặp đôi “Sen và thiếu nữ” vào thơ với đoạn kết: “Lung linh cánh mỏng qua cầu. Làn hương tinh khiết nghìn sau mãi còn”. Nhà thơ Duy Hải, CLB Thơ Liên Chiểu, bâng khuâng nỗi nhớ, không biết giữa người và sen nỗi nhớ nào sâu nặng hơn: Hình như trong ánh chiều vàng. Có đôi mắt biếc khẽ khàng đánh rơi. Hình như một thoáng trong đời. Bên bờ sen ngát tim tôi rã rời. Bây giờ em chẳng về tôi. Mà sao tôi cứ bồi hồi nhớ sen...

Tiếng sáo dìu dặt, tiếng thập lục réo rắt. Sắc màu và âm thanh của đêm xuân cộng hưởng trong thời khắc giao mùa đã kéo tâm hồn con người gần lại với đất trời. Đêm chùng xuống với những giọng ngâm nhẹ như làn gió thoảng, những câu thơ lục bát nóng hổi vừa được ứng tác ngay tại chỗ. Năm nay, khách du xuân yêu thơ, mê nhạc đã có một nơi chốn để trải lòng mình qua nhiều cung bậc. Sen hồng đã nở nụ quốc hoa, 10 bài thơ xuất sắc nhất trong đêm “Hồn sen đất Việt” thì còn nấn ná trong giây lát để rồi, theo tiết lộ của nhà thơ Lê Anh Dũng, sẽ hòa giọng tung hô quốc hoa trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 diễn ra tại Văn Miếu, Hà Nội, vào đêm Nguyên tiêu 14 tháng Giêng này.

VIÊN PHÚC QUÂN

 

;
.
.
.
.
.