Đảng ra đời vào mùa Xuân nên cứ mỗi độ Xuân về, nghĩ về Đảng ta là đúng lý, hợp tình. Về lý, Đảng là người lãnh đạo nhân dân ta đi đến những thành quả cách mạng như hôm nay. Về tình, Đảng là của giai cấp, đồng thời là của dân tộc Việt Nam. Đảng lãnh đạo toàn dân và đồng hành cùng dân tộc đã và sẽ viết tiếp những trang sử mới.
Đà Nẵng - thành phố biển. Ảnh: NGỌC HỢI |
Không ai có quyền phủ nhận những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam 82 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cần phải khẳng định dứt khoát rằng sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng là người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Bảy mươi hai năm từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam đến trước khi Đảng ta ra đời (1858-1930), hàng trăm cuộc khởi nghĩa theo nhiều ngả đường khác nhau, với nhiều gương mặt tiêu biểu như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám, nhưng tất cả đều thất bại. Phong trào giải phóng dân tộc tưởng chừng bế tắc, đi vào ngõ cụt. Nhiều văn thân, sĩ phu đã phải than thở: “Đêm sao đêm mãi tối mò mò/ Đêm đến bao giờ mới sáng cho?”. Phan Bội Châu – con người mà Nguyễn Ái Quốc tôn sùng là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng” - cũng phải thốt lên: “Ôi! Đời tôi trăm thất bại mà không một thành công!”.
Thế mà, chỉ mười lăm năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Tiếp đó, những đế quốc hung bạo, giàu về kinh tế, mạnh về quân sự muốn thôn tính nước ta, biến Việt Nam thành thuộc địa, nhưng cuối cùng đều phải cuốn cờ về nước.
Chỉ có một Đảng trí tuệ và bản lĩnh, cách mạng, khoa học và nhân văn, biết đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại mới có thể lãnh đạo được toàn dân viết nên kỳ tích huyền thoại trong thế kỷ XX. Một phần tư thế kỷ trước, khi đất nước trong tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng, Đảng ta - xuất phát từ thực tiễn và nguyện vọng của lòng dân, nắm bắt xu thế của thời đại, đã khởi xướng công cuộc đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước bước đầu thực hiện thành công công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển, bộ mặt của đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi; sức mạnh về mọi mặt được tăng cường, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.
Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu, giúp đỡ. Nhân dân không ủng hộ, Đảng không thể giữ vai trò lãnh đạo. Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính nhân dân – bằng trí tuệ, lực lượng, quyền hành và niềm tin - là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Mất chỗ dựa của nhân dân, đặc biệt là mất lòng tin của nhân dân là mất tất cả.
Nghĩ về Đảng ta là nghĩ về một đảng chân chính cách mạng, mang bản chất giai cấp công nhân, khoa học, nhân văn, thể hiện tính quần chúng, tiên phong và chiến đấu cao. Đó là một Đảng mà đội ngũ cán bộ, đảng viên “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”.
Nghĩ về Đảng ta không phải chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp. Bởi vì như Bác Hồ đã nói, “Đảng cũng từ trong xã hội mà ra, do nhiều người tổ chức lại mà thành. Mà người thì ai cũng có ít nhiều khuyết điểm”. Một Đảng chân chính cách mạng thì không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Đáng phê phán nhất là giấu giếm khuyết điểm. Bởi vì: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.261).
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã chỉ ra công tác xây dựng Đảng, bên cạnh kết quả đạt được “vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục”. Vấn đề cấp bách hàng đầu là “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.
Cần một sự trăn trở, suy nghĩ nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm cao và tính cách mạng triệt để về nhận định này. Nghĩ về Đảng với tinh thần, thái độ của một người yêu nước, cách mạng, người cộng sản thì phải làm sao cho Đảng mạnh lên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Muốn vậy thì không phải chỉ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật mà còn phải làm thật theo tinh thần Hồ Chí Minh: Nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, lấy hiệu quả làm thước đo.
Hội nghị Trung ương 4 đã tạo được một dấu ấn đầu xuân Nhâm Thìn khi đất nước bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Đảng thấy phải gấp rút giải quyết ngay những yếu kém, khuyết điểm trong Đảng. Bởi vì những sự xuống cấp đó “làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Chỉ có một Đảng chân chính cách mạng, ngoài lợi ích của dân tộc và Tổ quốc, không có lợi ích nào khác thì mới thẳng thắn thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch ra nguyên nhân vì đâu có khuyết điểm đó, rồi tìm biện pháp khắc phục, sửa chữa. Hội nghị Trung ương 4 đã thổi một luồng gió mát vào toàn Đảng, toàn dân, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân, tạo ra khí thế mới động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Lần này Đảng ta đã nói tới “sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm trước, tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại”. Trung ương cũng nhấn mạnh việc xử lý nghiêm hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng và cấp bách. Bởi vì một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống..., tức là đã rơi vào vũng bùn tệ hại của chủ nghĩa cá nhân, thì phải xử lý nghiêm.
Còn bộ phận nào chưa rơi (trừ “các đồng chí chưa bị lộ” theo cách nói dân gian), thì mới tự phê bình và phê bình để tránh rơi vào vũng bùn tệ hại đó. Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển Đảng. Việc làm này cần sự giám sát của nhân dân và đảng viên. Giáo dục là biện pháp chủ yếu và lâu dài, nhưng nếu không xử lý nghiêm những người vi phạm thì không còn kỷ luật Đảng, không còn là một đảng cách mạng chân chính.
Đảng ta hiện thân cho trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc. Mùa Xuân nghĩ về Đảng ta, nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai là một nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc. Hạn chế, khuyết điểm là cái phản văn hóa, là cản lực trên con đường phát triển. Nhưng có gan thừa nhận khuyết điểm, khắc phục, sửa chữa để xứng đáng với sự tin cậy và kỳ vọng của nhân dân lại là một động lực của phát triển, một giá trị văn hóa đích thực. Chúng ta có cơ sở để đắp bồi niềm tin “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như lời Bác Hồ đã dạy.
BÙI ĐÌNH PHONG