Những giờ phút cuối cùng trước khi trở về cõi vĩnh hằng của các nhà chí sĩ khởi xướng cuộc khởi nghĩa tháng Năm năm Bính Thìn - 1916, suốt hơn 95 năm qua, đã từng được các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà báo... dựng lại, thuật lại và kể lại với nhiều sức tưởng tượng phong phú, với nhiều kịch bản khác nhau.
Di ngôn Thái Phiên. |
Ví như, nhà nghiên cứu - nhà văn xứ Quảng Nguyễn Văn Xuân đã dành cả một thiên truyện viết rất công phu “Rồi máu lên hương” để truyền lại cho đời những cảm xúc bi hùng của ông về cái chết lẫm liệt của những anh hùng bất tử ấy. Ai đã đọc thiên truyện ấy, đến đoạn cuối, đều quặn thắt con tim với tình tiết nàng Ngọc Băng, người vợ trẻ của nhà cách mạng Thái Phiên đã lăn xả đến ôm lấy cái đầu còn đẫm máu của người chồng yêu quý vừa bị đao phủ chém văng xuống pháp trường. Nhà văn Nguyễn Văn Xuân còn tưởng tượng thêm cảnh chính người đao phủ có vẻ rất can trường, hùng hổ lúc bước ra thi hành án, cũng đã bị ngã vật ra sau khi hành quyết nhà cách mạng Thái Phiên. Dường như có một sức mạnh kỳ bí nào đó của những cái chết bất khuất đã vật ngã kẻ sát nhân, làm chùn tay những kẻ đao phủ hùng hổ nhất.
Đó là sự tưởng tượng của một nhà văn giàu cảm xúc nhằm tôn vinh sự hy sinh của những anh hùng. Nhưng trên thực tế, ngay khi vụ hành quyết diễn ra, một nhà báo vô danh tận mắt chứng kiến, cũng đã thuật lại quang cảnh thực sự bi tráng lúc bấy giờ. Tờ Nông Cổ Mín Đàm số ra ngày 8 tháng 6 năm 1916 đã đăng một bài tường thuật dài, trong đó thuật lại cảnh thi hành án chém đối với các chí sĩ Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu ở bãi chém An Hòa, mà tác giả cho biết là diễn ra lúc 4 giờ rưỡi chiều ngày 16-5-1916, còn chí sĩ Trần Cao Vân thì tác giả gọi là một “thầy pháp”. Tác giả bài báo miêu tả: “Đến 4 giờ rưỡi chiều, 4 cái đầu đã rớt xuống, song le cái đầu thầy pháp phải chém 6 lần; mặt trời rọi xuống ngó ghê gớm, hễ gươm chém xuống rồi lại dội lại làm như vậy ai nấy đều day mặt chỗ khác không dám ngó. Ấy là lời thầy pháp đã tiên tri trước như vậy đó. Mấy đứa xử tử không có phiền trách than van chi hết. Chỉ có thầy pháp khi lâm chung có tụng kinh lớn... Trảm huyết như vậy thật là ghê gớm...”.
Tiếng tụng kinh lớn của “thầy pháp” Trần Cao Vân, mà bài báo nhắc đến hẳn không chỉ đơn giản là tiếng tụng kinh như người viết nào đó ngỡ là như vậy. Tác giả bài viết này được nghe chính con cháu cụ Trần Cao Vân kể rằng, trước lúc lâm chung, cụ Trần Cao Vân đã ung dung đọc bài thơ tuyệt mệnh, mà ngày nay con cháu đã khắc lên bia kỷ niệm ở làng Tư Phú quê nhà. Bài thơ đó như sau:
“Trung lập càn khôn bất ỷ thiên
Việt Nam văn vật cổ lai truyền
Quân dân cộng chủ tinh thần hội
Thần tử tôn châu nhật nguyệt huyền
Bách Việt sơn hà vô Bạch Xỉ
Nhất Xoang trung nghĩa hữu thanh thiên
Anh hùng để cuộc hưu thành bại
Công luận thiên thu phó sử biên”
Trung dung đứng giữa đất trời,
Việt Nam văn vật muôn đời sử xanh
Quân dân cộng chủ phân minh
Tôn Châu nghĩa cả đấu tranh không ngừng
Non sông quyết rửa bụi trần
Một bầu trung nghĩa ngút tầng mây xanh
Anh hùng chi sá bại thành
Nghìn năm công luận phẩm bình về sau
Còn tác giả Trần Trúc Tâm, trong cuốn sách Chí sĩ Trần Cao Vân, NXB Đà Nẵng, 1999, khi viết về giây phút cuối cùng của cụ cố của mình đã cho biết, đó chính là lúc cụ dõng dạc đọc bài thơ tuyệt mệnh ngay khi những nhát gươm chém xuống:
“Trời chung không đội với thù Tây
Quyết trả ơn vua, nợ nước này.
Một mối ba giềng xin giữ chặt
Thân dù thác xuống rạng đài mây.”
Gần đây, chúng tôi có cơ duyên sưu tầm được tài liệu lưu trữ thuật lại về những khoảnh khắc cuối cùng của chí sĩ Thái Phiên khi rời nhà lao Hộ Thành để đi ra pháp trường.
Sau khi cuộc khởi nghĩa bất thành, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu là những thủ lĩnh khởi xướng và tổ chức cuộc khởi nghĩa ấy đều lần lượt sa lưới kẻ thù. Trần Cao Vân thì bị bắt cùng với Vua Duy Tân vào buổi trưa 6-5-1916 gần ngôi chùa Thuyền Tôn, dưới chân núi Ngũ Phong, phía tây nam thành phố Huế. Thái Phiên bị bắt vào chiều tối ngày 5-5-1916 ở Truồi, khi ông đang trên đường tìm theo nhà vua, vì ông ngỡ rằng nhà vua đã được Trần Cao Vân dẫn đường đi về phương Nam theo kế hoạch đã định. Ông bị bắt rồi giải trở về Huế. Tôn Thất Đề mãi đến ngày 14-5-1916 mới bị bắt khi ông đang lẩn trốn cũng ở vùng đất Phú Lộc.
Chỉ trong mười ngày từ sau khi bị bắt cho đến khi ra pháp trường, kẻ địch đã ba lần hỏi cung các ông, tách riêng từg người một, sau đó đưa các ông đối chất với nhau.
Tòa án Nam triều được thành lập ngay từ ngày 6-5-1916, hoạt động ráo riết dưới sự chỉ đạo của Khâm sứ, liên tục hỏi cung nhằm tìm và moi cho hết những bí mật của tổ chức và phong trào mà họ coi là cuộc phản loạn, trong đó chắc chắn họ phải truy cho ra những ai đã tham gia chỉ huy cuộc mưu loạn, và những ai còn chưa bị lộ. Những chiến sĩ, nhất là những vị thủ lĩnh như Thái Phiên, Trần Cao Vân, tất nhiên phải khai cung, không thể tránh khỏi. Nhưng, các ông phải tìm mọi cách khai như thế nào đây để lực lượng cách mạng tránh được càng nhiều càng tốt những tổn thất. Ai cũng có thể suy đoán là như vậy. Thực tế những bản khai cung của các thủ lĩnh cũng đã phản ánh như thế.
Lần đọc các bản khai của chí sĩ Thái Phiên, có thể thấy, ông đã có một sự nhất quán trong các bản khai, là càng giữ được bao nhiêu những điều bí mật cho lực lượng cách mạng thì càng tốt bấy nhiêu. Cho đến ngày trước khi ra pháp trường đón nhận bản án với hình phạt chém đầu, ông vẫn giữ được những điều bí mật sâu kín nhất của người thủ lĩnh của cả một phong trào. Nhưng, với niềm tâm niệm gửi gắm lại mai sau, với ý thức trách nhiệm trước sự tiếp nối cho phong trào hoạt động yêu nước sau khi ông phải ra đi, trước khi bước ra khỏi nhà lao Hộ Thành, ông đã trao gửi lại cho một người bạn chiến đấu thân tín nhất đang cùng bị giam cầm trong nhà lao, những di ngôn kèm theo một mẩu giấy ghi vắn tắt những bí mật sâu kín nhất ấy.
Để hiểu được những lời trong di ngôn, cần có một số phân tích cần thiết, chúng tôi sẽ nêu ra nội dung những di ngôn ấy trong một bài báo khác. Nay chỉ xin cung cấp cho quý độc giả những lời ghi chú của mật thám Pháp khi lưu giữ lại tài liệu về những di ngôn của ông, như sau: “Đây là bản dịch một mẩu giấy được ông Thái Phiên viết bằng đầu mẩu than cháy của một que diêm, ghi lại những lời di ngôn của ông, được trao lại cho một bạn tù, ngay trước khi ông ra pháp trường để nhận bản án chém đầu”. Những tài liệu ấy hiện đang được lưu giữ tại Văn khố Toàn quyền Đông Dương, trong tập Hồ sơ số 65530 thuộc Trung tâm Lưu trữ quốc gia Aix-en Provence, nước Cộng hòa Pháp.
Những suy tư và tình cảm nồng cháy của chí sĩ Thái Phiên đối với quê hương, đất nước, đối với sự nghiệp còn dang dở... trong những giây phút ông chuẩn bị bước ra pháp trường đã được soi rọi. Và chính với những suy tư, tình cảm như thế đã thôi thúc ông, phút cuối cùng gửi lại những di ngôn!
NGUYỄN TRƯƠNG ĐOÀN