.

Niềm tin dân chủ

Cách đây tròn một năm, ngay trong cuộc họp báo sau khi bế mạc Đại hội lần thứ XI của Đảng, tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn khẳng định rằng, một trong những dấu ấn của Đại hội XI chính là tinh thần dân chủ. Tính dân chủ trong Đảng đã được phát huy thực sự tại Đại hội XI thông qua việc thẳng thắn tranh luận, thảo luận của các đại biểu, của việc bỏ phiếu bầu nhân sự Ban Chấp hành, Bộ Chính trị với tỷ lệ số dư cao nhất từ trước đến nay. Tính dân chủ ấy, được Tổng Bí thư khẳng định với báo chí là “dân chủ thật”.

Tinh thần dân chủ ấy, một năm sau, lại được phát huy một cách mạnh mẽ, thông qua việc thảo luận dân chủ, thẳng thắn và từ đó nhất trí ra Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), trong đó có nội dung quan trọng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Trong đó, nghị quyết đã chỉ ra một số vấn đề cấp bách nổi lên như: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Cùng với đó là công tác cán bộ, các nguyên tắc của Đảng... chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học và bài bản. Đây là những “yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng”.

Trên thực tế, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra và giải quyết trong từng hoàn cảnh, từng thời kỳ cách mạng bằng những giải pháp khác nhau trong suốt 82 năm qua. Ngay cả vấn đề một bộ phận cán bộ, đảng viên chạy theo danh lợi, tiền tài, tham nhũng, lãng phí... không chỉ được đặt ra trong thời kinh tế thị trường hiện nay, mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra từ cách đây 60 năm: “Có những người (...) đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu không tự giác, cho nên lại biến thành người có tội với cách mạng” (trích Bài nói năm 1952, nhân dịp có phong trào sản xuất và tiết kiệm).

Thế nên, tinh thần dân chủ được thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) không phải là việc nhìn nhận ra những “yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục” mà dân chủ nhất chính là với phương châm “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh”. Nghị quyết chỉ rõ: “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp Trung ương, người đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu để cho các cấp noi theo”.

“... Sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu làm trước; tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại” - Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh vấn đề này như vậy.

Chính vì vậy, bước vào mùa Xuân thứ 82 của Đảng, trước những khó khăn thách thức lớn, “trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì với tinh thần “dân chủ thật” của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), cán bộ, đảng viên cũng như các tầng lớp nhân dân có quyền tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trong niềm tin ấy, cán bộ, đảng viên và nhân dân đang chờ đợi sự gương mẫu, làm trước của cấp ủy, cán bộ chủ chốt, của người đứng đầu!

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.