.

Nguy cơ ô nhiễm vẫn cao

.

Đầu năm 2012, UBND thành phố phê duyệt Đề án“Điều tra, đánh giá nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, cạn kiệt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” và giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức thực hiện.

Đây là động thái tích cực trong lộ trình tiến tới thành phố môi trường vào năm 2020 của Đà Nẵng. Hiện tại, hệ thống cống ngầm, xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt, nước thải công nghiệp (NTCN) vẫn chưa thật sự bảo đảm, hệ thống kênh mương lộ thiên trong khu vực nội thị ô nhiễm nặng vẫn là thách thức lớn đối với thành phố.

Dù kênh Phú Lộc đã được kiên cố hóa, nhưng hằng ngày vẫn có một lượng lớn nước thải đen ngòm từ Trạm XLNT Phú Lộc chảy ra biển.
Dù kênh Phú Lộc đã được kiên cố hóa, nhưng hằng ngày vẫn có một lượng lớn nước thải đen ngòm từ Trạm XLNT Phú Lộc chảy ra biển.

Nhiều doanh nghiệp  xả thải chưa qua xử lý

Tháng 8-2010, người dân phường Mân Thái (quận Sơn Trà), do không chịu nổi mùi hôi thối bốc ra từ Trạm XLNT do Công ty Quốc Việt đầu tư đóng trên địa bàn, hơn 20 hộ dân ở đây đã đồng ký tên vào lá đơn kiến nghị khẩn cấp gửi tới Bộ trưởng TN&MT kêu cứu. Đến tháng 8-2011, sau khi tiến hành kiểm tra, 5 doanh nghiệp (DN) tại Khu công nghiệp (KCN) Dịch vụ thủy sản Thọ Quang đã bị UBND thành phố phạt số tiền lên đến 735,5 triệu đồng vì hành vi cố ý xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Ông Hoàng Minh Hòa, Chánh Thanh tra Sở TN&MT thành phố cho biết, cả 5 DN này đều vi phạm hai lỗi: Không thu gom nước thải vào hệ thống ống dẫn về Trạm XLNT tập trung mà cho chảy vào hệ thống cống thoát nước mưa của KCN và nước xả thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên.

Cũng trong năm 2011, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP. Đà Nẵng phát hiện KCN Hòa Khánh xả nước thải không qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm khu dân cư tổ 21, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu). Theo đó, nước thải từ KCN Hòa Khánh đã xả thẳng ra đồng Bàu Giữa, qua cống Da Tròn và theo dòng kênh đổ ra sông Cu Đê gây mùi hôi tanh và ảnh hưởng trực tiếp đến những hộ nuôi tôm gần đó.

Việc các DN chỉ bị phát hiện xả thải khi người dân kêu cứu đến cơ quan chức năng đã tạo nên luồng dư luận: Liệu đó có phải chỉ là bề nổi của tảng băng chìm? Vì hiện nay, số DN hằng ngày xả NTCN chưa qua xử lý vẫn còn là ẩn số do không được cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên. Ông Phan Minh Ngọc, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản và khí tượng thủy văn, Sở TN&MT Đà Nẵng cho rằng, bên cạnh việc các DN cố tình xả chui, thì cơ sở hạ tầng, hệ thống xả thải tại các KCN vẫn chưa hoàn thiện, nhiều trạm XLNT chỉ mới hoạt động trên dưới 50% công suất…

Thu gom hơn 50% lượng nước thải sinh hoạt

Thông tin từ Công ty Thoát nước và xử lý nước thải (TN&XLNT) Đà Nẵng, thuộc Sở TN&MT, hiện nay lượng nước thải sinh hoạt trung bình của thành phố hơn 100.000m3/ngày đêm nhưng công ty chỉ mới thu gom được từ 50 - 65% dù 4 Trạm XLNT (Phú Lộc, Hòa Cường, Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà) được xây dựng với tổng công suất 103.000m3/ngày đêm. Dẫn lời ông Nguyễn Duy Cảnh, Trạm phó trạm XLNT Hòa Cường thì trạm này có công suất 30.000m3/ngày đêm nhưng thời điểm hiện tại, chỉ mới hoạt động chưa đến 50% công suất.

Theo lý giải của ông Đặng Đức Vũ, Phó Giám đốc Công ty TN&XLNT Đà Nẵng, hiện nay các trạm này chỉ mới thu gom nước thải sinh hoạt chủ yếu tại các quận trung tâm, còn phần lớn khu vực vùng ven vẫn chưa có hệ thống thu gom và xử lý. Hệ thống XLNT thành phố là xử lý vi sinh (bậc 1), đơn thuần chỉ là hồ chứa được đậy kín bằng tấm nhựa HDPE, quá trình kỵ khí tạo thành khí H2S có mùi hôi. Phần lớn các đập chuyển dòng được thiết kế dọc bờ biển, vào mùa mưa bão, triều cường và sóng biển dâng cao mang theo cát tràn vào lấp các cửa xả gây tắc dòng. Tại khu vực trung tâm, phần lớn cống rãnh thu gom nước thải được xây dựng từ thời Pháp thuộc, qua nhiều năm bị các công trình xây mới gây ảnh hưởng đến dòng chảy. Hệ thống cống chung, vừa thoát nước, vừa thoát mưa nên khi mùa mưa đến, nước thải theo nước mưa chảy thẳng ra các cửa xả, kênh mương gây ô nhiễm. Thêm vào đó là người dân chưa có ý thức trong việc xả thải, xem việc xử lý nguồn nước là trách nhiệm của nhân viên môi trường…

Ông Vũ cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước là thói quen dùng bể tự hoại, bể phốt trong sinh hoạt gia đình của đa số người dân. Muốn đấu nối ra hệ thống XLNT, cần phải có hệ thống ống, cống hiện đại, kiểm soát được việc rò rỉ để hạn chế đến mức tối đa nguồn phân tán từ bồn cầu ảnh hưởng đến môi trường. Hiện, công ty sẽ đấu nối đường ống nếu người dân có yêu cầu.

Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường

Từ năm 2007, lãnh đạo thành phố đã tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” thu hút gần 100 nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực môi trường trong và ngoài nước. Mục tiêu chiến lược là đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ chính thức công bố danh hiệu “Thành phố môi trường”. Trong 23 tiêu chí để xây dựng, Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến việc thu gom và XLNT. Thế nhưng, từ đó đến nay, Đà Nẵng vẫn còn loay hoay trong công tác quản lý cũng như xử lý nguồn nước thải, nhiều điểm nóng về môi trường vẫn đang diễn ra và chưa có hướng giải quyết dứt điểm.

Theo đánh giá của ông Phan Minh Ngọc, tiềm năng nước ở Đà Nẵng vẫn chưa đến mức báo động. Thế nhưng, thời gian tới cần tăng cường biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, xâm mặn, hạn chế việc khai thác nguồn nước ngầm… Song song với việc triển khai đề án, Đà Nẵng cần đầu tư hệ thống quan trắc môi trường nước để dễ dàng trong việc thu thập và quản lý thông tin, số liệu, phục vụ việc kiểm soát, dự báo, khắc phục và hạn chế, giảm nhẹ thiệt hại đối với nguồn tài nguyên quý giá này.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.