Tại Hòa Vang, từ năm 2004 đến nay, trạm cấp nước sinh hoạt Phú Sơn đã phục vụ cho 2.078/6.588 hộ dân, chủ yếu ở hai xã Hòa Phong và Hòa Khương được sử dụng nước sạch. Gia đình anh Ngô Văn Long (thôn Phú Sơn, Hòa Khương) cũng như hàng ngàn gia đình khác ở đây, trước kia dùng nước giếng đào. Bị nhiễm phèn cũng phải dùng, vì họ không còn sự lựa chọn nào khác. “Từ khi có nước sạch gia đình tôi mới thực sự yên tâm, nhất là không lo lắng cho sức khỏe của những đứa trẻ như trước đây nữa…”, anh Long bày tỏ.
Khoảng cuối tháng 3-2012, hai bình lọc mới sẽ đi vào hoạt động. |
Theo ông Trương Văn Lân, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác Thủy lợi Đà Nẵng (đơn vị tham gia cấp nước sạch tại 2 xã nói trên), hiện nay mạch nước ngầm của Hòa Khương nhiều nơi vẫn còn bị nhiễm phèn, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân rất cao. Mới đây công ty nhận được hơn 500 đơn xin được cấp nước sạch…
Do số hộ dân đăng ký được cấp nước sạch ngày một tăng nên ngoài 4 bình lọc công suất 60 m3/giờ, ông Trương Văn Lân cho biết, đầu năm 2012 công ty đã đầu tư thêm 2 bình lọc công suất 70 m3/giờ để tăng khả năng cung cấp. Dự tính, khoảng cuối tháng 3-2012, 2 bình lọc mới sẽ đi vào hoạt động. Được biết, công ty thường xuyên xét nghiệm chất lượng nước theo quy chuẩn 02:2009, định kỳ 1 tháng/lần, kiểm tra hệ thống đường ống dẫn nước, khắc phục kịp thời những sự cố.
Dù có nhiều chuyển biến trong việc đưa nước sạch về cho người dân, nhưng hiện nay, nước sinh hoạt đã qua xử lý cả huyện Hòa Vang còn thấp (28%). Riêng xã Hòa Nhơn, dù nằm gần trạm cấp nước Cầu Đỏ, nhưng đường ống nước chưa về, nên 100% người dân trong xã vẫn phải dùng nước giếng khoan, giếng đào. Nhiều hộ dân sống gần Trung tâm hành chính huyện, gần trạm cấp nước vẫn… khát nước sạch.
Tuy nhiên, theo báo cáo số 406/BC-CCTL của Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão về tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến tháng 11- 2011 thì số dân sử dụng nước đạt quy chuẩn 02 là 69%, trong đó 44,1% số dân sử dụng nước máy. Sở dĩ có sự khác nhau này, theo lý giải của ông Lê Duy Vọng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão - Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng thì nước tự chảy, nước ngầm sau khi được xét nghiệm 6 tháng/lần, nếu đạt quy chuẩn 02 cũng là nước sạch.
Trước sự phát triển của thành phố, dân số tăng cao, nhu cầu sử dụng nước sạch lớn, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng đã hoàn thành dự án cấp nước giai đoạn 1 công suất 120.000m3/ngày đêm và dự án cải tạo nhà máy nước sân bay. Những dự án này đã cải thiện đáng kể tình hình cấp nước cho thành phố, kiểm soát được tỷ lệ thất thoát nước ở mức thấp hơn cho phép, hạn chế tình trạng nước nhiễm mặn, tình trạng người dân phải mở vòi chờ nước chảy. Công ty cũng tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư cho việc phát triển hệ thống cấp nước trong nội thành, vùng có nguồn nước ô nhiễm, các khu vực nông thôn của huyện Hòa Vang.
Ở thời điểm hiện nay, tỷ lệ người dân dùng nước sạch tại 6 quận nội thành là 83%, huyện Hòa Vang 28%, phấn đấu đến cuối năm 2015, 90% dân số nội thành được dùng nước sạch từ nguồn của công ty. Riêng khu vực ngoại thành và nông thôn, ngoài việc tuyên truyền, vận động, phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống cấp nước; để làm được việc này cần có sự đầu tư, hỗ trợ từ nhiều phía. Mới đây UBND thành phố đã có chủ trương, dự án mở rộng Hệ thống cấp nước Đà Nẵng giai đoạn 2012-2018, sử dụng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Dự tính khi dự án này được thực hiện, công ty sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước trên toàn thành phố không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng dịch vụ.
THU HÀ