.

Nước Úc với một người Việt già

Bác Hai là chòm xóm của gia đình tôi, cách đây trên bốn chục năm. Bác có lối kể chuyện rất tức cười, vì thường xuyên chêm từ: “chà, mẹ ”. Bác Hai có nhiều cái đáng mê lắm nhưng mê nhất, vẫn là xâu bánh ú tro bác cho, mỗi khi về quê ăn giỗ. Bác dân Quảng và “tau người nhà quê” nên Tết nhất, lễ lạt, giỗ quẩy ở đó, người ta làm nhiều loại bánh lắm. Nhưng nhiều thì nhiều chứ mỗi nhà đều có thứ bánh ruột của gia đình mình. Tỷ như gia đình này là bánh ít trần thì gia đình khác là bánh thuẩn, bánh in. Nghe bác kể tới đó, tôi cướp lời và vội nói leo: “Còn nhà bác là bánh ú tro…”. Bác ký đầu tôi thay cho lời khen và “chà mẹ” nữa. Hai từ chêm theo này, luôn dính cứng vào bác và “chà mẹ” cho biết bác làm dâu người Bình Định. Và, chắc nụi phía chồng của bác không phải là dân thành phố. Nghe tôi kết vậy, bác cười và tiếp luôn: “Răng mi lanh rứa, hỉ?”. Nghe, Quảng rặc ri…

Cũng qua bác tôi mới hay là muốn làm thứ bánh này, phải dồn tro trong bếp của nhiều ngày. Tro bỏ vô ảng ngâm nước, để thật yên cho lắng xuống bên dưới. Và phía trên chỉ còn là nước tro đã tự gạn sạch. Nước này sẽ được dùng để ngâm với gạo nếp đã vo và để ráo. Ngâm như vậy khoảng một ngày là vớt. Khi đó hột gạo sẽ có màu vàng. Nhớ lấy nước trong xối lại để mấy thứ bám quanh hột gạo mất đi. Bánh được gói bằng lá chuối theo dạng cái bánh ú nhưng nhỏ hơn. Gói xong thì xếp vô soong nấu khoảng hai tiếng là chín. “Úy choa! Vậy là rồi. Dễ quá hả bay? Chà mẹ…” . Bác chấm dứt tiết dạy làm bánh ú tro với đám con bác và lũ nhỏ xóm tôi, như vậy đó!

Rồi gia đình tôi mua được một căn hộ ở trên phố. Tôi rời con hẻm nhỏ gần biển cùng với thứ tiếng Quảng quen thuộc và những “chà mẹ” thân thiết của bác. Cả nữa, những xâu bánh ú tro trong rất nhiều thương yêu và nuối tiếc. Cái cảm giác bóc từng lớp lá chuối, sung sướng ngắm nhìn những hột nếp đã tan ra và nhuyễn nhừ. Những hột nếp như không còn thấy nếp, thấy hột mà chỉ là một miếng thạch nho nhỏ, vàng vàng trong suốt. Rồi nữa chứ! Cái cảm giác háo hức khi cầm miếng bánh và chấm thật… ham hố trong tộ đường ngà đen rồi liếm môi mấy lần trước khi đút tọt vào miệng. Để rồi khép môi, nín thở, ngậm chặt cả đổi mới dám nhai nhè nhẹ. Nhè nhẹ và chầm chậm. Cho từng hương, từng vị thấm đẫm nơi vòm miệng, chân răng, cổ họng… Bây giờ, thứ bánh này thường thấy bán ở chợ vào mùng một hay ngày rằm. Người ta mua về cúng là chính chứ có mấy người muốn ăn. Mà cái bánh tro chấm với đường trắng tinh. Sao… vô duyên dữ quá! Mà cũng ít ngon. Nên không mua không ăn thì thôi mà ăn, lại thêm nhớ bác Hai.

Và nhớ quá! Nhớ vô cùng… khi hay bác đã theo con gái sang sống ở nước ngoài trên chục năm rồi. Người báo tin cũng là một người chòm xóm cũ. Người ấy chép miệng: “Tội!” khiến lòng cồn cào, bật dậy bao thương cảm. Nhớ bác. Nhớ những cái bánh ú tro, con hẻm gần biển cát lún ngập bước chân và những ngày thơ dại. Chợt bóp thắt trái tim, khi mường tượng tới một người Quảng Nam, lấy chồng gốc quê Bình Định. Mà có Bình Định, Quảng Nam, Hà Tĩnh hay Cà Mau thì đích thị cũng là một người Việt, lại là một người Việt già. Vì, nếu tôi nhớ không lầm thì năm nay bác Hai cũng phải qua tuổi tám mươi. Và một người như thế phải sống cảnh lạc lõng giữa trời tây không bà con chòm xóm. Không họ tộc, anh em. Không giỗ quẩy, không quê, không lũ nhỏ xúm quanh để dạy cách làm bánh. Rồi cay mắt, khi hình dung tới bác và ngôi nhà rộng rinh trên đất Úc. Thui thủi một mình vào ra. Đi qua đi lại, cười và khóc. Ngủ rồi ăn, ăn rồi uống. Và chắc nụi nói rồi nghe, hỏi rồi trả lời: “Chà mẹ”, “uy choa”, “hỉ?”… với chỉ riêng mình. Một mình.

MỸ NỮ

;
.
.
.
.
.