.

Làm gì sau khi giữ lại cầu

.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh về việc giữ lại chiếc cầu lịch sử Nguyễn Văn Trỗi, UBND thành phố đã có văn bản giao cho Sở Giao thông-Vận tải thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu các phương án cải tạo, nâng cấp cầu Nguyễn Văn Trỗi để phục vụ cho việc khai thác du lịch, đồng thời bảo đảm mỹ quan chung của các công trình cầu trên sông Hàn. Đây là một động thái kịp thời trước ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy cũng như mong muốn của người dân thành phố.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi. 						         Ảnh: Đắc Mạnh
Cầu Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: Đắc Mạnh

UBND thành phố yêu cầu ngành Giao thông-Vận tải thành phố phải có các phương án nâng tĩnh không thông thuyền nhịp giữa của cầu để du thuyền qua lại; thiết kế các hạng mục điện chiếu sáng trang trí, sơn cầu để tạo mỹ quan, đồng bộ với kiến trúc của các cầu mới; gia cố móng mố, trụ cầu bảo đảm khả năng chịu lực… Đây là những phần việc thuộc yếu tố kỹ, mỹ thuật cần phải làm; song cũng cần nhìn nhận về mặt xã hội với những phần việc cũng cần phải làm để cầu Nguyễn Văn Trỗi khi giữ lại phát huy hơn nữa giá trị của nó. Trong bài viết này, tôi xin nêu một số ý sau:

Trước hết, thành phố nên có hướng đầu tư cải tạo, nâng cấp cầu sao cho vừa đáp ứng nhu cầu đi bộ của người dân qua cầu Nguyễn Văn Trỗi, vừa phục vụ du lịch. Sau khi giữ lại, nếu để thực trạng như hiện nay thì người dân chưa có nhu cầu đi bộ qua cầu Nguyễn Văn Trỗi. Điều này do những nguyên nhân như cầu xa khu dân cư, thiếu những công trình công cộng ở hai đầu cầu dẫn đến không có các hoạt động có tính chất đông người. Để khắc phục những hạn chế này, thành phố cần có quy hoạch chi tiết các công trình nằm trong khu vực hai bờ Đông-Tây cầu Nguyễn Văn Trỗi. Đó là hình thành các khu dân cư, công trình dịch vụ công cộng, hoạt động vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch và người dân thành phố… Có như vậy người dân mới có nhu cầu đi bộ qua cầu.

Khi đã có chiếc cầu đi bộ thì phải hình thành các tuyến đường dẫn vào hai đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi riêng biệt với đường dẫn vào cầu mới Trần Thị Lý nhằm xác lập trật tự, bảo đảm an toàn giao thông trên cầu cũng như khu vực hai đầu cầu. Các tuyến đường dân sinh và đường dẫn vào cầu đồng thời là tuyến dẫn vào các khu dân cư, các công trình công cộng, các khu vui chơi giải trí.

Để khai thác lợi thế tạo vị trí ngắm cảnh sông Hàn của cầu Nguyễn Văn Trỗi, nhất là phía hạ lưu, nên chăng hình thành các ban-công ngắm cảnh phía ngoài cầu. Những ban-công này rộng thoáng, có bao che bảo vệ an toàn cho du khách khi đứng ngắm cảnh.

Mong sao, cầu Nguyễn Văn Trỗi sớm được cải tạo, nâng cấp để chiếc cầu lịch sử này phát huy giá trị, đồng thời tạo điểm nhấn kiến trúc trên dòng sông Hàn thơ mộng.

THANH GIÁN
 

;
.
.
.
.
.