.
CHUYỆN XƯA XỨ QUẢNG

Vị vua “tiền hiền” xứ Quảng

.

Khi nói đến vùng đất Quảng Nam người ta thường nghĩ ngay đến cha con Thượng hoàng Trần Nhân Tông nhưng lại ít khi nhắc đến một vị vua khác đã khai mở cả vùng Quảng Nam rộng lớn vào tới núi Thạch Bi.

Vua Lê Thánh Tông viết Hải Vân hải môn lữ thứ khi đứng trên đèo Hải Vân nhìn về Đà Nẵng - phù điêu ở Bảo tàng Đà Nẵng.                            Ảnh: V.T.L
Vua Lê Thánh Tông viết Hải Vân hải môn lữ thứ khi đứng trên đèo Hải Vân nhìn về Đà Nẵng - phù điêu ở Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Thật vậy, nếu không có cuộc vân du Chiêm Thành của vị vua cha này vào năm 1301 thì sẽ không có đám cưới lịch sử giữa Chế Mân và Huyền Trân Công chúa năm 1306 mà “sính lễ” là hai châu Ô, Lý. Nhưng nếu không có mưu tính chính trị của vua con là Hoàng đế Trần Anh Tông thì biên giới cho đám cưới này cũng chỉ dừng lại tại đèo Hải Vân chứ không thể kéo đến bờ bắc sông Thu Bồn. Dĩ nhiên nhân vật chính vẫn là Huyền Trân Công chúa, người đã vì “nước non” mà phải “ngàn dặm ra đi”.

Dù sau đó nhà Hồ cố đưa biên giới Việt - Chiêm đến tận bờ sông Trà Khúc nhưng rồi cũng phải dời trở lại ngọn đèo Hải Vân định mệnh.

Công bằng mà nói, công đầu mở cõi phải thuộc về vua Lê Thánh Tông qua cuộc Nam chinh vào năm 1471, từ đó, vùng đất Quảng Nam mới thực sự được xác lập vững chắc lâu dài.

Lê Thánh Tông đã đẩy biên giới Việt - Chiêm đến tận núi Thạch Bi, mở ra một thời kỳ mới và một định hướng mới trong lịch sử nước ta: “Thời kỳ Quảng Nam và định hướng Nam tiến”. Lê Thánh Tông đã biến vùng đất Quảng Nam thành một bàn đạp để sau này con cháu của Nguyễn Kim - người có công khôi phục nhà Lê một lần nữa - kéo dài biên giới phía Nam của Đại Việt xuống tận mũi Cà Mau xa xôi.

Cũng chính Lê Thánh Tông đã lập ra “Quảng Nam thừa tuyên”: “Hồng Đức năm thứ hai (1471) tháng 6, vua Thánh Tông lấy đất Chiêm vừa chiếm lại đặt làm đạo thừa tuyên Quảng Nam, cộng trong nước là 13 đạo thừa tuyên. Danh từ Quảng Nam có bắt đầu từ đó”. (Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1967, tr.112).

Không những sinh ra vùng đất này một lần nữa, Lê Thánh Tông còn làm cho nó một tờ “khai sinh” hợp pháp.

Lê Thánh Tông cũng đã hào sảng tặng danh hiệu “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” cho đèo Hải Vân, ngọn đèo được xem là nơi bắt đầu cho xứ Quảng. Cao hơn, sau cuộc nam chinh năm 1471, nhà vua đã bố trí hai người anh em của mình ở lại trấn trị vùng đất Quảng Nam, thể hiện sự quan tâm lớn của triều đình đối với vùng đất mới lấy lại này. Mộ của Lê Tấn Triều và Lê Tấn Trung vẫn còn ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và Tam Kỳ (Quảng Nam) như một minh chứng hùng hồn cho điều đó.

Nhưng có lẽ dấu ấn đặc biệt nhất của Lê Thánh Tông đối với đất Quảng là hai bài thơ Hải Vân hải môn lữ thứ viết khi đứng trên đèo Hải Vân nhìn về Đà Nẵng trên đường hành quân thần tốc tiến chiếm Đồ Bàn và bài Thu Bồn dạ bạc viết trên sông Thu Bồn vào một đêm thu trên đường hồi kinh sau khi đại thắng quân Chiêm.

Bài thơ thứ nhất thì nhiều người biết, đặc biệt hai câu hay nhất, được nhiều người dẫn khi nói về thành phố Đà Nẵng: Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền. (Canh ba đêm vắng, mảnh trăng Đồng Long vằng vặc/ Trống canh năm gió mát, con thuyền Lộ Hạc dập dềnh).

Bài thứ hai, Thu Bồn dạ bạc, là bài thơ đặc biệt vì ít người biết lại cho chúng ta hiểu thêm được nhiều điều: Viễn biệt thần kinh ức khứ niên/ Bồn giang kim hữu tải ngâm thuyền/ Lỗ hoa thích thích phiên tình chữ/ Tiều xướng đê đê cách mộ yên/ Hữu khách huề cầm điều tố nguyệt/ Hoài nhân bả tửu đối phương diên?/ Sầu lai ngẫu trị điểu phi tất/ Thỉ tín kim thân thị Lạc Thiên.

Nguyễn Sinh Duy dịch: Nghĩ lại xa cách kinh đô từ năm ngoái/ Nay thì thuyền khách thơ đã đậu ở bến Thu Bồn/ Hoa lau phất phơ bên sông còn nắng chiếu/ Tiếng hát chú tiều văng vẳng trong khói chiều hôm/ Có kẻ mang đàn gãy dưới trăng sáng/ Nhớ ai có nhắp rượu bên tiệc hoa?/ Cơn buồn chợt nổi lên thì một bóng chim lướt qua/ Mới hay thân ta giờ đây chính là Lạc Thiên.

Bài thơ cho thấy, từ rất sớm Thu Bồn đã là “dòng sông thơ”, gợi hứng cho bao thi nhân kể cả các bậc quân vương. Bài thơ cho ta biết địa danh Thu Bồn đã có từ trước năm 1471 hay có thể là tên sông được chính Lê Thánh Tông ban cho từ buổi đó?

Bài thơ cũng giúp ta hiểu thêm nổi niềm của “ông vua thi sĩ” Lê Thánh Tông, vị vua đặc biệt nhất của nhà Lê. Có người đọc câu cuối Thỉ tín kim thân thị Lạc Thiên - Mới hay thân ta bây giờ chính là Lạc Thiên (Lạc Thiên chính là tự hiệu của Bạch Cư Dị, nhà thơ Trung Hoa nổi danh thời Trung Đường, tác giả Tỳ bà hành viết trên sông Bồn Giang, tỉnh Giang Tây) đã cho rằng đây không phải là thơ của Lê Thánh Tông vì vị thế bậc quân vương không cho phép ngài tự ví mình với một viên tư mã (chức của họ Bạch khi viết Tỳ bà hành) của Trung Hoa. Nhưng có lẽ trong một đêm thu giữa sông nước mênh mông chỉ có ta với ta, con người chính trị, con người quân vương trong Lê Thánh Tông đã nhường chỗ cho con người thi nhân. Chiếc long bào của vị quân vương rơi xuống cùng những tư tưởng Nho giáo để tâm hồn nhà thơ vươn lên cùng với những cảm hứng dạt dào. Và trong bối cảnh đó mà “nhà thơ” Lê Thánh Tông không nhớ bài Tỳ bà hành nổi tiếng để rồi thấy mình cùng chung nổi niềm với Bạch Cư Dị mới là lạ.

Vì thế, ta dễ đồng cảm với tác giả Nguyễn Sinh Duy trong Nghĩ về tên sông Thu Bồn (Nghiên cứu Huế, Tập 7-2011, NXB Thuận Hóa): “Sông Bồn ở tỉnh Giang Tây kia và Sông Bồn ở phủ Thăng Hoa này thủy lưu giang mạo có thể khác nhưng lau lách vẫn đìu hiu, nhất là giữa đêm thu nghe tiếng đàn trên sông mà chạnh lòng khách lưu lạc... Một đối cảnh trùng hợp, một thanh khí lẽ hằng. Hai con người ở hai phương trời không gian, thời gian khác nhau, nhưng niềm riêng ấy, tâm tư ấy cùng rung một cung bậc đồng âm...”.

Người dân Quảng Nam luôn tri ân ông vua lỗi lạc của triều Lê, người được xem là “tiền hiền” của đất Quảng, người mở đầu cho “dòng sông thơ” Thu Bồn, con sông lở bồi theo lịch sử Quảng Nam.

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.