.

Nghĩa trang quá tải, Trung tâm hỏa táng đìu hiu

.

Trong khi các nghĩa trang đang kín chỗ bởi nhu cầu an táng ngày càng nhiều, người dân thậm chí còn mua trái phép đất rìa nghĩa trang để xây mồ mả thì Trung tâm hỏa táng An Phước Viên Đà Nẵng lại vắng tanh.

Toàn cảnh nhà hành lễ ở Trung tâm An Phước Viên.
Toàn cảnh nhà hành lễ ở Trung tâm An Phước Viên.

Thiêu ông bà là… bất hiếu (!?)

Chị N.T.H (45 tuổi, ở quận Hải Châu) đang làm thủ tục xin cấp đất nghĩa trang để an táng cha ruột vừa mới mất. Nhiều người bàn hay nên hỏa táng vừa đỡ tốn kém chi phí đi lại nhiều lần, vừa gọn nhẹ nhưng chị H. gạt phắt: “Cha mình mà đem đi thiêu thì sao xuống suối vàng còn nguyên vẹn hình hài được nữa. Làm vậy bất hiếu quá!”. Với quan niệm như vậy nên chị H. kiên quyết an táng cha theo cách thông thường để… làm tròn chữ hiếu.

Đà Nẵng hiện có 3 nghĩa trang nhân dân: Hòa Khương, Hòa Sơn và Hòa Ninh. Tuy nhiên, nghĩa trang ở Hòa Khương đã không còn chỗ, nghĩa trang Hòa Sơn chỉ còn 1 héc-ta đất dự phòng, còn Hòa Ninh đang phải mở rộng do áp lực di dời giải tỏa mồ mả từ các vùng dự án quá lớn. Ông Phùng Quít - Phó Ban nghĩa trang thành phố - than thở: “Số lượng người đến xin cấp đất chôn mồ mả khá lớn, khiến các nghĩa trang trên địa bàn thành phố quá tải. Một tháng có khoảng 60 trường hợp xin đất an táng. Ngoài ra, trong năm nay, chỉ riêng số mộ phải cải táng từ các vùng dự án khoảng 37.000 mộ”. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 2.000 ngôi mộ nằm xen lẫn trong khu vực dân cư ở quận Hải Châu và Thanh Khê sẽ được di dời về nghĩa trang theo quy định để giải phóng mặt bằng.

Điều đáng nói là trong khi đất nghĩa trang đang “nóng” từng ngày thì Trung tâm An Phước Viên (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) lại khá vắng vẻ. Trung tâm An Phước Viên được khánh thành và chính thức đưa vào sử dụng năm 2009, do Công ty Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 7,4ha thuộc địa bàn xã Hòa Sơn với các hạng mục chính như 2 lò hỏa táng hiện đại của Hãng Crawford (Mỹ) đạt tiêu chuẩn khí thải không gây ô nhiễm môi trường; nhà hành lễ, nhà giao nhận tro cốt, căng tin, các phòng lễ có sức chứa từ 70 - 90 người… Nhưng ở trung tâm, có ngày không hỏa táng ca nào. Ông Lương Trọng Khánh - Trưởng Trung tâm hỏa táng An Phước Viên – mong mỏi: “Nếu hoạt động hết công suất, 2 lò thiêu có thể thực hiện 8 ca/ngày nhưng hiện nay 1 tháng chúng tôi chỉ làm khoảng 7 - 8 ca. Tuy nhiên, số ca hỏa táng ngày càng nhiều hơn như: 41 ca (năm 2010) lên 56 ca (năm 2011) và từ đầu năm đến nay có 33 ca khiến chúng tôi kỳ vọng trong tương lai người dân Đà Nẵng sẽ hiểu hơn về lợi ích của việc hỏa táng”. Theo ông Khánh, nếu Trung tâm ít hoạt động thì sẽ rất lãng phí bởi vẫn phải tốn chi phí về đèn điện, duy tu, bảo dưỡng…

Nếu một tuần không thực hiện ca nào, cán bộ Trung tâm phải kiểm tra lò và cài đặt lại rất mất công vì các thông số sẽ tự mất đi.

Nâng cao nhận thức

Tôi gặp anh Lưu Hồng Dương (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) vào một ngày giữa tháng 5 khi anh đang hoàn tất các thủ tục hỏa táng cho cha. Vừa ôm hộp tro hài cốt người cha quá cố về nhà, anh vừa nói, giọng buồn rầu: “Cha mẹ mất thì ai cũng đau xót! Nhưng khi hỏa táng, mình vừa có thể đem tro cốt về để lên bàn thờ, xem như cha luôn hiện diện bên con cháu chứ chôn ở xa thì lâu lâu mới đến thăm cha được”.

Theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố, hiện nay, các nghĩa trang trên thành phố góp phần gây ô nhiễm môi trường về không khí, đất đai, ảnh hưởng đến đời sống người dân sống không chỉ ở khu vực lân cận mà còn ở hạ nguồn sông suối. Do vậy, hỏa táng vừa mang tính văn hóa, vừa giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không phải tốn chi phí xây mộ, tảo mộ, bảo quản mộ. Về lâu dài thì người dân không phải trùng tu mồ mả hằng năm và không phải di dời mồ mả theo chính sách của thành phố”. Chi phí cho một ca hỏa táng thấp hơn nhiều so với chi phí một ca chôn cất và xây mồ mả. Ngoài ra, thành phố còn thực hiện nhiều chính sách khác như: Hỗ trợ 100% chi phí hỏa táng trong 4 năm đầu cho tối đa 300 ca/năm (là công dân Đà Nẵng có hộ khẩu thường trú tại thành phố), hỗ trợ 100% chi phí, không thời hạn cho đối tượng thuộc diện xóa đói giảm nghèo, đối tượng chính sách…

Ông Phùng Quít - Phó Ban Nghĩa trang - cho rằng: “Hiện thành phố đang khá thông thoáng trong việc bố trí đất cho người chết và người cải táng. Thêm vào đó, người dân lại chưa nhận thức hết ý nghĩa của việc hỏa táng. Bởi vậy, nếu không có những giải pháp kịp thời thì trong tương lai, quỹ đất thành phố sẽ không còn, môi trường ô nhiễm càng ô nhiễm hơn”. Hiện nay trên thế giới, hỏa táng cũng là cách phổ biến nhất. Ở Canada, phần lớn người chết được hỏa táng, sau đó tro cốt được gửi trong các nhà thờ. Còn ở Hong Kong, việc mua đất để chôn rất đắt nên hầu hết người chết cũng được hỏa táng.

Ông Nguyễn Duy Thiện - Trưởng Ban nghĩa trang - đưa ra một số giải pháp: “Nên chăng, Đà Nẵng có thể đền bù bằng tiền hơn là bằng đất cho những mộ trong vùng dự án để khuyến khích người dân lựa chọn hỏa táng. Miễn phí hỏa táng và nên thu phí khi địa táng như nhiều nơi đang làm sẽ hạn chế phần nào việc ồ ạt theo địa táng như hiện nay. Ở Việt Nam hiện nay, giải pháp kiến trúc, quy hoạch các nghĩa trang thành phố đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ về loại hình “Công viên nghĩa trang”, tức là nghĩa trang nằm xen kẽ với khu dân cư (áp dụng cho các mộ hỏa táng) với hình thức mộ nhỏ gọn, tiết kiệm diện tích, nhập vào với thiên nhiên, không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường xung quanh, tiện lợi cho việc quần tụ theo họ tộc và con cháu có thể thăm nom thường xuyên”.

PHƯƠNG TRÀ
 

;
.
.
.
.
.