.

Cãi... có sách

.

“Cãi như người Quảng Nam” không chỉ tồn tại trong dân gian mà còn cãi bằng giấy trắng mực đen, trên mặt báo, ở chốn quan trường và cả trong nhà tù mới đáng nói. Tất nhiên những người cãi được như vậy thường là những nhân vật xuất chúng của xứ Quảng.

Phan Khôi cãi học thuật

Phan Khôi (1887-1959)
Phan Khôi (1887-1959)

Đầu năm 1930, Trần Trọng Kim xuất bản Nho giáo. Phan Khôi đọc Nho giáo và viết trên Phụ nữ tân văn đã công kích Trần Trọng Kim lầm lẫn Khổng Học với Tống Nho. Phan Khôi lại viết một loạt bài tiếp về Nho giáo, tiếp tục công kích Trần Trọng Kim trên Phụ nữ tân văn các số  56, 57, 58, 59.

Theo nhà văn Thanh Lãng, Trần Trọng Kim đã “để tâm suy nghĩ về những lời lẽ công kích của ông” và chịu là Phan Khôi đã có lý ở nhiều điểm, “nhưng không trả lời đúng vào cái điểm mà Phan Khôi đã công kích ông”.

Hết Trần Trọng Kim, Phan Khôi lại “tấn công” vào các “nhà học phiệt” như Phạm Quỳnh. Trong bài “Cảnh cáo các nhà học phiệt” tấn công vào Phạm Quỳnh, Phan Khôi kéo luôn chuyện Trần Trọng Kim cố ý lẩn những phê phán của ông và chê cả Khổng Tử và Mạnh Tử  “thiếu óc luận lý”.

Riêng đối với em rể mình là Sở Cuồng Lê Dư, Phan Khôi cũng rành mạch: “Những cái luận điệu của tôi đó tưởng ít nữa ông Lê Dư cũng có thấy qua, song ông chừa tôi ra, là vì ông cùng tôi có tình anh em riêng, với tôi, ông càng không muốn rắc rối hơn với ông Phạm (tức Phạm Quỳnh) nữa. Ông Lê có lòng tốt đối với tôi như vậy tôi nỡ nào đi phụ cái lòng ấy của ông? Song tôi nghĩ, cái chân lý giữa cõi học nó bắt phải để riêng cái tình anh em trong một nhà…”.

Phan Khôi lại cãi nhau với Huỳnh Thúc Kháng về thơ năm 1931 (về nhận xét sĩ phu An Nam ưa làm thơ, tuy dở đến nỗi không thành câu, mà vẫn ham làm) Phan Khôi dưới bút danh Thông Reo trên tờ Trung Lập, tán đồng nhận xét trên, còn cụ Huỳnh thì cho rằng nói như vậy là “làm nhục học giới mình”. Cuối cùng Thông Reo viết rằng “chuyện này tôi đem hỏi ông Phan Khôi, ông nói rằng…”; Huỳnh Thúc Kháng dưới bút danh X.T.T. (trên Tiếng Dân) cũng bảo rằng “tôi đem chuyện hỏi lại cụ Huỳnh, cụ nói...”. Nhờ đó, tuy cả hai đều giữ quan điểm riêng nhưng trở nên vui vẻ, chứ không căng thẳng, vì có lẽ, cả hai đều biết tỏng nhau mình là dân xứ… cãi!

Huỳnh Thúc Kháng cãi chính trị

 Huỳnh Thúc Kháng (1876–1947)
Huỳnh Thúc Kháng (1876–1947)

Cụ Huỳnh cũng cãi nhiều chuyện rất hoành tráng. Nhưng những cuộc cãi của ông về chính trị với người Pháp mới đáng suy nghĩ. Ông không chỉ cãi trong nghị trường (Viện dân biểu Trung kỳ) mà còn cãi tay đôi với Toàn quyền Robin, với các nhà báo Pháp và tất nhiên không… chừa Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh về tôn quân và anh hùng dân tộc lẫn chế độ lập hiến.

Khi sang Việt Nam nhậm chức toàn quyền Đông Dương, Robin thực hiện chính sách mị dân không khéo, nên đã ghé Huế thăm cụ Huỳnh ở báo Tiếng Dân để dò la tình hình. Khi Robin nói về chuyện đàn áp phong trào Cộng sản, liền bị cụ Huỳnh “không nói đến” mà chĩa mũi dùi vào tình cảnh cực khổ của nông dân, của trẻ em thất học. Khi Robin nói về tình hình quan lại, cụ Huỳnh nói ngay: “Nói quan lại hiện tại là tham nhũng, cho đem đám khác thay vào, cũng chưa chắc là người khá…”. Ông yêu cầu có một chính sách minh bạch, công khai, nghiêm minh về tuyển dụng, thăng cấp, thải hồi, thưởng phạt thì mới trong sạch được bộ máy, vì quan lại là trung gian giữa dân chúng và nhà nước thuộc địa mà quan lại tham nhũng, hối mại quyền thế thì dân chẳng biết kêu ai!

Đến Phạm Quỳnh viết bài cổ súy cho chế độ quân chủ lúc Bảo Đại “hồi loan”, cụ Huỳnh đã không tiếc lời phản kích chủ bút Nam Phong là cổ lổ, vì chế độ quân chủ không còn hợp thời nữa khi mà đông đảo người dân nghèo khổ đã bắt đầu ý thức được vai trò của mình.

Khi Nguyễn Văn Vĩnh viết bài “Văn chương phiến loạn” trên báo tiếng Pháp, Annam Nouveau, chê bai việc tôn sùng các anh hùng dân tộc “đã quá mùa rồi”, liền bị cụ Huỳnh cãi mạnh trên Tiếng Dân chống lại “chủ nghĩa hư vô” của ông Vĩnh: “Sùng bái anh hùng là tâm lý chung của loài người nào có riêng chi dân Việt Nam ta đâu. Thời đại xưa nay có khác, thủ đoạn đối phó với hoàn cảnh có khác, mà cái lòng thương yêu nòi giống, vì nước quên mình… của anh hùng ngày xưa có khác chi ngày nay đâu!” (Tiếng Dân số 481).

Đối với thuyết lập hiến, tuy là một tiến sĩ nho học, cụ Huỳnh đã tỏ ra là người đổi mới theo xu thế dân chủ ngay từ những năm 1930 với lý thuyết xây dựng một chế độ tam quyền phân lập, trong đó có vai trò quan trọng của đại biểu dân cử và chống lại chính sách hà khắc lao tù trong một loạt bài trên báo Tiếng Dân.

Phan Thêm cãi tay đôi với công  sứ Pháp

Phan Thêm (1906-2008)
Phan Thêm (1906-2008)

Phan Thêm - Cao Hồng Lãnh tên thật là Phan Hải Thâm, sinh năm 1906 tại Hội An. Từ nhỏ ông đã học chữ Nho trong gia đình, học tiểu học ở trường Hội An rồi ra Huế học trường Pellerin. Năm 1924 ông thi đỗ thành chung. Tháng 10-1927 ông đứng ra thành lập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội và làm Bí thư Chi bộ. Năm 1928, ông vào Sài Gòn cùng với Lê Quang Sung theo đường dây tàu biển sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị. Năm 1930, ông được phái về nước hoạt động với bí danh Cao Hồng Lãnh. Ông mất ngày 26-7-2008 tại Hà Nội, thượng thọ 102 tuổi và có đến 82 năm tuổi Đảng!

Cụ Hồ Cường năm nay 94 tuổi, từng vô địch điền kinh Đông Dương kể một giai thoại: Hồi năm 1927-1928, ông Năm Thêm (tên gọi thân mật ở Hội An của Phan Hải Thâm) lập ra hội Rạng đông ở Hội An với một đội bóng đá và gánh hát để qua đó tuyên truyền cách mạng. Riêng đội bóng Aurore - Rạng Đông đá rất hay, danh vang khắp Trung kỳ và đội bóng đá này trở thành mũi nhọn tuyên truyền cách mạng ở Hội An. Tên công sứ Pháp được mật thám báo đó là một hội kín, bèn cho bắt ông vào nhà lao Hội An và sau đó đích thân thẩm vấn:

- Hội của mày làm ăn khá không?

- Đá banh và hát cải lương chứ làm chi mà khá! - Năm Thêm cãi.

Công sứ Pháp: Vậy mày lập hội để làm chính trị à?

Ông lại cãi:

- Đá banh và hát hò là để cho vui, cho khỏe chớ chính trị chính triết chi!

Công sứ Pháp: Không chính trị mà đặt tên là Rạng đông à? Rạng đông là có ý theo Nga, theo Tàu hả?

Năm Thêm chưa chịu:

- Ông lầm rồi, đó là tiếng gáy sáng của con gà Gaulois của nước Pháp ông đó!

- Nhưng tao được báo cáo chúng mày lập hội kín? Tên công sứ hỏi vặn. Ông lại nói:

- Đá banh với hát xướng là công khai cho mọi người xem sao ông lại nói kín!

Tên công sứ Pháp tức lắm vì bị Năm Thêm cãi phăng mọi lời cáo buộc, nhưng đành chịu vì lý lẽ rõ ràng.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
 

;
.
.
.
.
.