.
CHUYỆN XƯA XỨ QUẢNG

Chuyện người mở làng Kế Xuyên

.

Làng Kế Xuyên xưa thuộc phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam; nay thuộc thôn 3 và thôn 4, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Làng được hình thành vào khoảng giữa đầu thế kỷ XVII. Theo gia phả của dòng tộc Ngô Kế Xuyên thì người có công khai phá và lập nên làng Kế Xuyên là ông Ngô Văn Cang, vị Tiền hiền của làng...

Ông Ngô Văn Cang nguyên quán ở làng Trảo Nha, tổng Đoài, huyện Thanh Hà, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc xã Đại Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Về năm sinh, năm mất của ông, gia phả tộc Ngô làng Kế Xuyên không ghi rõ, nhưng theo đại đa số con cháu ở đây thì ông sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVI. Ông là con của Hào Mỹ hầu Ngô Phúc Liêu, là cháu nội của Thái bảo Tào Quận vông Ngô Phúc Vạn và là anh trai của Thiên kỵ Vạn hộ Kiện trung Hiệu lực Tướng quân Ngô Thuần Cẩn.

Cuộc tranh chấp Trịnh - Nguyễn kéo dài gây nên bao cảnh loạn ly thống khổ cho nhân dân, đồng thời tạo nên những dòng người di cư từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong. Trong bối cảnh lịch sử đó, vào nửa đầu thế kỷ XVII, ông Ngô Văn Cang cùng với hai con trai là Ngô Văn Kiệt và Ngô Văn Giám cùng những người họ Phạm, họ Bùi đã đến vùng đất Kế Xuyên để khẩn hoang, khai phá, mở mang cơ nghiệp, lập nên một làng quê ấm no, trù phú.

Lúc ấy, vùng đất Kế Xuyên còn là chốn rừng thiêng, nước độc, hoang vu, thưa vắng người. Để tồn tại, những bậc tiền nhân của làng Kế Xuyên đã phải thường xuyên đối mặt với bao khắc nghiệt của thiên nhiên, thú dữ, loạn lạc và không ngừng đấu tranh để sống còn. Tuy nhiên, do được thừa hưởng huyết thống kiên cường và tài năng trí tuệ của các thế hệ cha ông đi trước, ông Ngô Văn Cang đã đứng ra tổ chức lãnh đạo nhân dân tích cực khai hoang, mở rộng điền thổ, xây dựng xóm làng. Năm này qua năm khác, đời trước nối đời sau, con cháu, dân cư ngày một đông đúc và quần cư bên nhau, tảo tần khai phá, xây dựng cơ nghiệp, an cư nơi vùng đất mới và lập nên làng Kế Xuyên từ đó.

Bên cạnh việc khai khẩn hàng trăm mẫu công điền, ông Cang cùng với hai người con của mình đã có công đầu trong việc xây dựng một hệ thống thủy lợi ưu việt, giúp cho việc sản xuất hoa màu, lương thực ở làng thuận lợi hơn. Dòng nước được cha con ông khơi nguồn từ Cao Ngạn, dẫn qua An Lý, Châu Long rồi vượt cả một chặng đường dài về chứa ở một con đập đầu làng. Từ đây, một hệ thống tưới tiêu tỏa đi khắp vùng để phục vụ cho hơn 500 mẫu điền thổ của làng. Nhờ đó mà mùa màng bội thu, nhân dân có của ăn của để, thôn xóm thái bình, an lạc; nhân dân chí thú làm ăn... Cho đến trước năm 1975, đập nước Kế Xuyên vẫn còn tiếp tục san sẻ dòng nước trong xanh của mình đến những cánh đồng lân cận như An Thái, Khánh Vĩnh, Trà Long... góp phần tạo nên một vùng nông nghiệp trù phú.

Chính nhờ những công lao to lớn đã đóng góp cho làng Kế Xuyên, ông Ngô Văn Cang đã được triều Nguyễn ban sắc phong “Dực bảo Trung hưng Tôn thần”. Vào năm Bảo Đại thứ nhất (1925) con cháu tộc Ngô đã góp công, góp của xây mộ và dựng bia cho ông. Sau lần trùng tu năm 1974, ngôi mộ vẫn tồn tại cùng thời gian cho đến ngày hôm nay.

Giờ đây, tuy làng xóm, ruộng vườn, cảnh cũ, người xưa đã có nhiều đổi thay, nhưng những địa danh như: Miếu Chánh Vũng Thùng, Mương Cái, Mương Lươn, Mương Mới, Bàu Lùng, Cây Trâm, Lồi Trai, Bích Sắc, Đồng Chùa, Đồng Vân... vẫn thấm đẫm bao mồ hôi, sức lực và trí tuệ của các vị tiền nhân làng Kế Xuyên qua những huyền thoại về kỳ tích “khai sơn, phá thạch”, khẩn hoang, lập ấp, dựng làng.

Con cháu các đời sau của ông Ngô Văn Cang vẫn tự hào lưu giữ được truyền thống văn hóa của tộc họ, của cha ông; cùng chung tay xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc; góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như câu ca xưa vẫn còn lưu truyền: “Bao giờ Thùng Vũng lấp đầy/ Nước không thèm chảy, Ngô này trổ bông”.

Mộ ông Ngô Văn Cang tọa lạc tại xứ Đồng Xoài, làng Kế Xuyên, thôn Kế Xuyên 1, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (ảnh). Mộ quay mặt về hướng Tây Nam, nằm trên một cồn đất cao, cạnh một đầm sen tỏa hương thơm ngát, xung quanh là ruộng lúa quanh năm xanh tốt. Nhìn từ xa, ngôi mộ nổi bật lên giữa màu xanh mơn mởn của những ruộng lúa xanh rì và màu trong xanh của bầu trời thoáng đãng...

Hằng năm, cứ đến ngày rằm và ngày 16 tháng 3 âm lịch, trai gái già trẻ tộc Ngô sắp xếp công việc, tranh thủ về ngôi mộ Tiền hiền và nhà thờ Tổ thắp nén hương để tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã có công khẩn hoang, khai phá, lập làng năm xưa. Nhà thờ và mộ tiền hiền tộc Ngô làng Kế Xuyên đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

MAI HỒNG LÂM

;
.
.
.
.
.