Bà Huyện Thanh Quan được biết đến với hai câu thơ hoài cổ nổi tiếng “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”.
Bà Huyện Thanh Quan (1805 - 1848) tên thật là Nguyễn Thị Hinh, người làng Nghi Tàm, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Cha bà đỗ thủ khoa năm 1783, là một cựu thần nhà Lê. Bà là học trò của danh sĩ Phạm Quý Thích - một tiến sĩ đời nhà Lê và là bạn thân của thi hào Nguyễn Du.
Bà được gọi là Bà Huyện Thanh Quan vì chồng bà làm tri huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình). Ông này tên là Lưu Nghi, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội); đỗ cử nhân năm Minh Mệnh thứ hai (1821). Làm tri huyện một thời gian, vì can án nên ông bị cách chức, sau lại được làm Bát phẩm Thư lại Bộ Hình, sau cùng được thăng lên chức Viên Ngoại lang.
Tương truyền, khi chồng bà đang tại chức, có một ông đỗ hương cống tới đệ đơn xin mổ trâu để giỗ bố. Lúc bấy giờ, triều đình đã ban lệnh hạn chế mổ trâu, để phát triển việc canh nông. Cảm động trước hiếu hạnh của ông Cống, gặp lúc quan huyện đi vắng, bà phê vào đơn: Người ta thì chẳng được đâu/ Ừ, thì ông Cống làm trâu thì làm. Biết bà huyện dùng chữ nghĩa để lỡm mình, nhưng vì được việc nên ông Cống cũng vui vẻ ra về.
Lần khác, có một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Đào đệ đơn thưa rằng mình bị chồng ruồng bỏ nên xin được ly dị, lấy chồng khác. Bà thay chồng phê đơn thương cảm người phụ nữ bằng mấy câu thơ: Phó cho con Nguyễn Thị Đào/ Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai?/ Chữ rằng: Xuân bất tái lai/ Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già! Chồng cô Đào hay chuyện, kiện lên quan trên. Quan trên ăn của đút, cách chức ông huyện Thanh Quan.
Bà Huyện Thanh Quan nổi tiếng về tài làm thơ, thơ bà điêu luyện về niêm luật, hàm súc về nhạc điệu. Nhờ vậy, thời gian theo chồng vào làm việc ở Huế, bà được vua Minh Mạng sung vào triều làm Cung trung Giáo tập để dạy học cho công chúa và các cung nhân. Tại đây, bà giao thiệp và để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều kẻ sĩ. Năm 1847, sau khi chồng mất, bà xin phép về quê nghỉ hưu và đưa bốn con nhỏ từ Huế về sống tại quê nội ở làng Nghi Tàm.
Bà đã để lại 6 bài thơ Nôm thất ngôn bát cú Đường luật, miêu tả phong cảnh đất nước như: Qua đèo Ngang, Thăng Long hoài cổ, Chùa Trấn Bắc,... Qua những bài thơ chạnh lòng thương tiếc trước cảnh bể dâu với quá khứ vàng son của triều nhà Lê đã đi qua này, nhiều nhà phê bình văn học đã xếp thơ của bà vào khuynh hướng hoài cổ.
GS. Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên - quyển Hai (Quốc học Tùng thư xuất bản, không ghi năm xuất bản) nhận xét về bà: “Bà hướng về một quá khứ mà có lẽ bà cũng không tường tận lắm, và bà cũng chưa thọ hưởng được ân huệ gì; nhưng đó là quá khứ của tiền bối, của gia đình... Vì thế thái độ hoài Lê của bà cũng như nhiều nho sĩ đồng thời không có tính cách chính trị, mà chỉ có tính cách tâm tình...”.
Tác giả Nguyễn Lộc trong Từ điển Văn học (bộ mới) [NXB Thế giới, 2004, tr. 75] cũng đồng cảm như thế: “… nói cho đúng thì cảnh trong thơ bà thực tế cũng không phải là cảnh, mà là tình. Tình cảm của bà thường là sự nhớ thương da diết đối với quá khứ vàng son đã một đi không trở lại. Do vậy, người ta gọi bà là nhà thơ hoài cổ”.
Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Hinh quả là một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng trong thời cận đại của lịch sử văn học Việt Nam, như lời ngợi khen của GS. Phạm Thế Ngũ: “Thơ Đường trước bà người ta đã làm vô số, sau bà người ta cũng còn làm vô số. Nhưng trước cũng như sau, có lẽ không ai vượt được Nữ Sĩ Thanh Quan”.
Đà Nẵng đặt tên bà cho con đường dài 520m, rộng 7m (ảnh), từ đường Ngũ Hành Sơn đến khu dân cư phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, theo Nghị quyết của HĐND thành phố ngày 19-7-2000 về đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC