Đà Nẵng cuối tuần
Hai anh em nhà họ Dương
Tháng 8 năm 1908, kết thúc thời gian bi hùng và bắt đầu giai đoạn đau thương của nhân dân Trung Kỳ, hai anh em nhà họ Dương đã chia tay nhau để đi vào hai “trường học thiên nhiên” lẫy lừng thời đó.
Dương Thưởng đã được thành phố Đà Nẵng đặt tên đường. |
Dương Thưởng và Dương Thạc là anh em sinh đôi, sinh năm 1881 tại làng Trường An, huyện Hà Đông (nay là xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Hai ông là bạn học của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng ở trường huyện và nổi tiếng là những người siêng học, khảng khái được bạn đồng học tặng danh hiệu “nguyên phương, quý phương”.
Cả hai đỗ tú tài khoa Bính Ngọ (1906). Dương Thạc đỗ chính thức, còn Dương Thưởng bị đánh hỏng, sau nhờ làm đơn kiện quan trường mới được phúc khảo cho đỗ. Khoa này, hai viên chánh, phó chủ khảo là Tạ Tương và Từ Thiệp chủ trương hối lộ. Ai nộp tiền thì cho đỗ còn ai dù học giỏi nhưng nhà nghèo thì hỏng. Dương Thưởng đã cầm đầu nhóm sĩ tử trường thi đâm đơn kiện. Triều đình cho phúc khảo, kết quả Dương Thưởng, Ngô Đạm được chấm đỗ tú tài còn một số cử nhân bị truất xuống tú tài. Vụ kiện hy hữu này đã làm sĩ dân nức lòng nhưng một số quan lại rất lo ngại.
Hai ông tham gia phong trào Duy tân, lúc này đang phát triển mạnh trong vùng. Năm 1907, cả hai cầm đầu nhân dân làm đơn kiện chánh, phó tổng cả 7 tổng của Tam Kỳ cùng bọn nha lại sách nhiễu dân, ăn hối lộ, lạm thu các khoản: “Bọn chánh, phó tổng cùng nha lại nhiều phương che đậy và vận động đủ cách cho êm việc. Nhưng anh em (Dương Thưởng, Dương Thạc – NV) tới tỉnh tới bộ, bày tỏ tình trạng lời lẽ sách hoạch, chứng cứ minh bạch. Việc đương tại án chưa cứu xong thì tấn kịch xin xâu nổi lên. Nhà đương cuộc nghi cho hai anh em Dương quân xúi dân cự thuế, cả hai đều bị bắt giam trong ngục”. (Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, trang 76, 77).
Hai ông bị kết án nặng: “Tú tài Dương Thạc, 27 tuổi, xã Trường An, phủ Tam Kỳ, cùng anh là bọn Dương Thưởng, đương khi hạt dân phiến động, tên ấy dụ tụ họp bậy bạ, người làng cũng sợ thanh thế tú tài của y bèn xướng làm các việc dân quyền, kết hợp lập giới bảo hiểm, tuy không có thực trạng uống huyết đính thề nhưng kết hợp giao hảo, thật mở ra mối càn quấy... Vậy vi thủ là Dương Thạc xin chiếu luật mưu bạn vi hành xử giảo giam hậu; Dương Thưởng giảm một bậc, xử trượng 100, đày 3.000 dặm”. (Châu bản triều Duy Tân, Tập XV, tờ 15 ngày 16-7-1908).
Rằm tháng 8 năm Mậu Thân (1908), Dương Thạc bị đày ra Côn Đảo, còn Dương Thưởng bị đày ra Lao Bảo. Lần đầu tiên hai anh em họ đi theo hai ngã rẽ và mãi mãi không còn gặp lại nhau...
Ra đảo được mấy tháng thì Dương Thạc bị thổ huyết phải vào nằm nhà thương. Biết mình khó qua khỏi nên đã viết thư vĩnh quyết gởi lại cho các đồng chí, trong có câu “Xưa da ngựa mà nay xe bò cũng đủ khiến cho kẻ trượng phu khởi sắc” (Tù nhân Côn Đảo khi chết được bỏ lên xe bò đưa đi chôn - NV). Câu này, theo Huỳnh Thúc Kháng, đã trở thành giai thoại trong tù lúc đó.
Gần một năm sau ông qua đời. Trước khi mất, ông có để lại hai bài thơ, trong đó có bài Tức sự: “Hòn đảo mồ côi giữa cõi cùng,/ Đày ra, Nam Bắc kiếp tù chung./ Nước nhà văn hiến còn in cũ,/ Âu hóa, phong triều chửa trót công./ Tiếng sóng góc trời rầy giấc điệp,/ Luồng mây núi cũ mến chim hồng./ Thôi đừng rưới lệ Tân đình nữa,/ E nhuộm Côn Lôn nước biển hồng”.
Dương Thạc là người đầu tiên của phong trào kháng thuế ở Trung Kỳ hy sinh tại Côn Đảo. Vì vậy, đã có được một cái chết “vinh dự nhất”, “đầm ấm, hoành tráng trong lòng đồng chí”, “có cái quang cảnh như đưa Kinh Kha, khóc Điền Hoành ngày xưa”. (Huỳnh Thúc Kháng, sđd trang 82). Cả 40 tù chính trị phạm ở đây đều có câu đối viếng ông, tất cả được tập hợp lại thành một tập, Huỳnh Thúc Kháng đề tựa ở phía sau. “Tập này được truyền về trong nước, tuyền tụng khắp nơi, cho đến mấy anh em du học bên Nhựt Bản cũng nhiều người đọc thuộc...” (Sđd, trang 82).
Mộ Dương Thạc ở khu nghĩa địa tù thường tại Côn Đảo, sợ lâu ngày mất dấu nên các đồng chí của ông thuê người dựng bia khắc tên “Việt Nam chí sĩ Dương Trường Đình chi mộ”. Khi còn ở đảo, Phan Châu Trinh thường ghé thăm, đem gà, rượu cúng và có bài tứ tuyệt mà Huỳnh Thúc Kháng cho là “tuyệt cú, đáng là bài thi đề sau tập liễn kỷ niệm”: “Non xanh nước biếc nấm mồ côi,/ Mưa gió thương ai một góc trời./ Chưa dám hết lòng tuôn nước mắt,/ Ngoảnh về nước cũ vẫn chơi vơi”.
Dương Thưởng thì chết ở Lao Bảo, sau cuộc nổi dậy của tù nhân vào năm 1915. Nghe tin Dương Thưởng chết, Huỳnh Thúc Kháng đã xúc động làm câu đối khóc: “Chuyện xe bò mới đó, có hẹn nhau sao? Em chưa đủ lại chết dồn đến anh, gươm báu cấp đôi bay, giông gió ven trời thêm dậm đám!/ Hồn Hồng Lạc đi đâu, bay về chăng tá! sống thế nào không phụ lòng kẻ chết, sân tuồng gióng một vọt, anh hùng lớp trước kể bao tay?”.
Tháng 8 năm 1908, kết thúc thời gian bi hùng và bắt đầu giai đoạn đau thương của nhân dân Trung Kỳ, hai anh em nhà họ Dương đã chia tay nhau để đi vào hai “trường học thiên nhiên” lẫy lừng thời đó. Rất tiếc cả hai đều nằm lại với Côn Lôn và Lao Bảo, mãi mãi không trở về, chỉ còn lời thơ Phan Châu Trinh: Mưa gió thương ai một góc trời… Non xanh, nước biếc (hai) nấm mồ... côi.
LÊ THÍ