Đà Nẵng cuối tuần
Hành trạng một vị quan qua tư liệu cổ
Từ đường Tộc Trần ở thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, hiện lưu giữ bộ tư liệu quý bằng chữ Hán, có thể tìm thấy ở đó hành trạng của một vị quan là người trong tộc.
Từ đường Tộc Trần (trái) và sắc phong ông Trần Hưng Nhượng chức “Hàn lâm viện tu soạn sung Hoàng tử phủ bạn độc”. |
Bộ tư liệu gồm 23 văn bản, bắt đầu từ năm Minh Mệnh thứ mười ba (1832) đến năm Tự Đức thứ mười tám (1865), với nhiều thể loại: chiếu chỉ, sắc phong, văn bằng, bản tấu, thơ ngự chế... và đặc biệt, có thêm một bài thơ tiễn phó nhậm, tất cả đều liên quan đến quan Án sát Trần Hưng Nhượng, người xã Khương Mỹ, tổng Đức Hòa, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam xưa (nay là địa chỉ thôn xã đã nêu trên).
Sơ bộ có thể phân loại 23 tư liệu này: 5 văn bản thời Minh Mệnh, 3 văn bản thời Thiệu Trị, 9 văn bản thời Tự Đức, 2 bài thơ ngự chế của vua Tự Đức và bài thơ “Tiễn Trần Tri phủ phó nhậm” do bạn đồng liêu của ông Hưng Nhượng ở kinh đô tiễn ông vào An Nhơn (Bình Định) nhậm chức Thự Tri phủ. Ngoài 20 văn bản này, có thêm hai sắc phong của vua Tự Đức ban phẩm hàm cho thân phụ, thân mẫu của ông và một bản tấu ông viết (trình cho nhà vua) vào dịp ông được triều đình cho về quê hưu trí.
Qua nội dung bổ dụng vào các chức vụ khác nhau trong các văn bản, có thể thấy được hành trình làm quan của ông Trần Hưng Nhượng bắt đầu từ chức Huấn đạo huyện Long Thành, Biên Hòa (1832) đến chức Giáo thụ phủ Tân An, tỉnh Gia Định (1834). Sau nhiều lần được thăng bổ và điều chuyển từ Nam ra Bắc vào Trung, ông được điều về Kinh đô giữ chức Hàn lâm viện tu soạn sung chức Hoàng tử phủ bạn độc (giảng nghĩa sách nơi nhà học các hoàng tử) vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841). Năm Tự Đức thứ mười hai (1859), ông đảm nhiệm chức Án sát sứ tỉnh Lạng Sơn trước khi nghỉ hưu.
Qua nội dung bản tấu có thể biết thêm được năm sinh của ông là Tân Hợi (1791), năm về hưu là Kỷ Mùi (1860) và lý do xin về hưu là do “cảm nhiễm lam chướng, bệnh chứng phát chỉ bất thường, tâm duy miễn cưỡng, lực bất chi tòng” (nhiễm bệnh do lam sơn chướng khí, bệnh chứng khi phát khi dừng bất thường; mặc dầu cố gắng vượt qua nhưng sức già không chịu nổi!). Năm ấy ông Hưng Nhượng đã 70 tuổi!
Tại vùng huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, Quảng Nam xưa, ông Trần Hưng Nhượng có thể được kể là một trong hai người làm quan sớm nhất vào thời Nguyễn. Người trước đó là ông Doãn Văn Xuân, đỗ Hương tiến vào năm Gia Long thứ mười tám (1819). Sách Đại Nam nhất thống chí (thời Nguyễn) ghi nhận ông này cũng từng được bổ Hàn lâm viện tu soạn sung chức Thị độc của hoàng tử.
Như vậy, ông Trần Hưng Nhượng là người thứ hai của vùng Tam Kỳ xưa được triều đình nhà Nguyễn bổ làm nhiệm vụ quan trọng là giúp chăm lo việc học của các hoàng tử. Sau ông Nhượng là các ông Nguyễn Dục, Trần Văn Dư… Có thể nói, hoạn lộ của ông Hưng Nhượng một lần nữa minh chứng cho khả năng nhà Nho phía Nam Quảng Nam không kém cạnh gì so với vùng đất dày truyền thống khoa bảng ở phía Bắc tỉnh.
Ông Trần Hưng Nhượng hiện được thờ tại Từ đường tộc Trần – một tộc lớn ở thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành. Tại đây, còn lưu nhiều câu đối có ý nghĩa do triều đình và đồng liêu tặng ông, như câu được đặt tại gian thờ chính giữa - nơi trang trọng nhất: “Thanh bạch chí kim huyền lại kính/ Thận cần tự cổ yết quan châm”. Tạm dịch: Sự thanh bạch của ông - đến nay - như tấm gương treo lên để cho người làm việc nhà nước (lại) soi vào/ Sự cẩn thận, cần mẫn của ông - từ lâu rồi - như tấm bảng châm ngôn treo lên cho người làm quan đọc và hành xử theo.
Từ đường Tộc Trần thôn Khương Mỹ được dân địa phương quen gọi là “nhà quan Án”. Ngôi nhà này, cùng với toàn bộ bằng sắc, tư liệu về Án sát họ Trần được các thế hệ con cháu bảo quản hầu như nguyên vẹn mà hậu duệ trực hệ lĩnh nhiệm vụ thờ tự hiện nay là ông Trần Nha, 69 tuổi.
PHÚ BÌNH