.

Đà Nẵng cuối tuần

Hồ sơ tên đường

Bùi Tá Hán

10:11, 04/11/2012 (GMT+7)

Bùi Tá Hán (1496 - 1568) người Hoan Châu, nay là huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là một trong những vị tướng có công với Triều Hậu Lê.

Khi Mạc Đăng Dung phế truất vị vua cuối cùng của thời Lê Sơ là Lê Cung Hoàng, lập ra nhà Mạc (tháng 6 năm 1527), Bùi Tá Hán trung thành với Nhà Hậu Lê, theo ngọn cờ “phù Lê diệt Mạc” của Nguyễn Kim, lập được nhiều công tích.

Sau khi nhà Hậu Lê được khôi phục, năm 1545, dưới triều vua Lê Trang Tông, Bùi Tá Hán được phong làm Bắc quân đô đốc Phủ chưởng phủ sự, được cử vào trấn nhậm ở Thừa tuyên Quảng Nam - vùng đất kéo dài từ Nam Thuận Hóa cho đến núi Thạch Bi (từ phía Nam huyện Điện Bàn đến Đèo Cả ngày nay).

Ông có công lớn với vùng đất Quảng Ngãi, là thủy tổ của tộc Bùi ở đây, nên Quốc sử quán triều Nguyễn xem ông là danh nhân tỉnh Quảng Ngãi và ca ngợi sự nghiệp cai quản “chú trọng ban ơn huệ, khoan hòa với quân dân, trăm họ yêu mến”. Sơn phòng Tiễu phủ sứ Nguyễn Tấn (triều vua Tự Đức), khi viết tập sách nổi tiếng Phủ Man tạp lục (chép các tên làng, tên núi, tên sông miền thượng du Quảng Ngãi như sách dư địa chí), đã đặt Bùi Tá Hán ở vị trí đầu tiên trong số những nhân vật góp công lớn vào sự nghiệp kinh dinh vùng đất phía tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Phủ Man tạp lục chép: “Bấy giờ ông (Bùi Tá Hán – ĐNCT) đối xử với người Thượng như đối với người Kinh, nên người Kinh, người Thượng đều được yên ổn làm ăn sinh sống, không xảy ra việc xâm biên gây rối nhau. Khi ông qua đời (1568), được nhân dân Kinh, Thượng lập đền thờ, chăm lo hương khói cho đến tận ngày nay”.

Trang hobuivietnam.com.vn (Họ Bùi Việt Nam) cũng chép, trong thời kỳ trấn nhậm tại Thừa tuyên Quảng Nam, ông cùng với người con trai trưởng là Bùi Tá Thế đã có công đưa dân miền Bắc vào khai hoang lập ấp, xây dựng xóm làng. Ông đã dẹp yên trộm cướp, giữ vững trật tự xã hội. Lúc này, ở các huyện miền Tây Quảng Ngãi và Quảng Nam thường bị giặc Đá Vách của nhóm người dân tộc thiểu số ở các huyện miền Tây Quảng Ngãi và quân Chiêm Thành xâm chiếm đánh phá, ông đã lãnh đạo nhân dân và quân sĩ chiến đấu bảo vệ lãnh thổ đất nước. Chính ông đã đốc thúc quân dân xây đắp thành lũy cao 2m, chạy dài từ huyện Tư Nghĩa đến huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi để chống nhau với giặc Đá Vách.

Về sau, do khinh địch, ông bị quân Chiêm Thành phục kích bắt giết vào năm 1568, tại khu rừng Cầy làng Thu Phổ thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi (nay là xã Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi). Sau khi ông mất, Triều đình Nhà Lê phong tặng Thái bảo; đến năm Minh Mạng mười ba (1832), được gia phong là Khuông quốc tịnh biên Thọ phúc Thượng đẳng thần.

Xuất phát từ lòng kính phục, nỗi tiếc thương một danh tướng có công với đất nước, quê hương, người dân Quảng Ngãi đã thêu dệt nên huyền thoại về cái chết của ông: Ông đã hiển thánh, người và ngựa đi đâu không ai biết, chỉ còn lưu lại chiếc áo bào y vấy máu tại khu rừng Cầy làng Thu Phổ. Dân gian còn truyền tụng hai câu thơ nói về cái chết của ông: Nhơn mã bất tri hà xứ khứ/ Huyết y trường dữ thử bi lưu. (Người, ngựa đi đâu nào thấy bóng/ Máu, bào lưu mãi ở lời bia).

Ông được nhân dân lập đền thờ và lăng mộ ngay tại nơi ông mất, đổi rừng Cầy là rừng Lăng để tỏ lòng tôn kính. Trong đền có bức tượng thờ ông và người hầu mặc áo đỏ (thường gọi là Xích Y thị, một bộ tướng của ông) với nhiều sắc phong của các Triều Tây Sơn và Triều Nguyễn, nhiều thơ, liễn đối phúng điếu của các quan lại và các bậc túc nho trong tỉnh. Về tượng Xích Y thị, dựa vào trang phục và vóc dáng, các nhà nghiên cứu cho rằng đó là một người thiểu số.

Đời Tự Đức, các quan địa phương có dựng bia bên mộ ông, khắc mấy chữ: “Cố Lê đô đốc Trần Quận Công chi mộ”.

Di tích mộ và đền thờ Bùi Tá Hán được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia ngày 2-3-1990.

Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 1.040m, rộng 15m, thuộc địa bàn phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, theo Nghị quyết số 107/2010/NQ-HĐND ngày 3-12-2010 của HĐND thành phố về đổi, đặt tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

.