Đà Nẵng cuối tuần
Viêng Chăn hay Viên Chăn?
* Về thủ đô của nước Lào, hiện có hai cách viết là Viêng Chăn và Viên Chăn. Theo quý báo, nên viết theo cách nào và vì sao? (Nguyễn Mỹ, Đại học Bách khoa Đà Nẵng).
- Đúng là hiện có hai cách viết/phiên âm khác nhau trong tiếng Việt chỉ thủ đô của nước Lào, Viêng Chăn và Viên Chăn.
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thủ đô nước Lào trong tiếng Lào là ນະຄອນຫຼວງວຽງຈັນ, phiên âm la-tinh thành Nakhonluang Vientiane, trong đó Nakhon là “thành phố”, luang là “chính” hoặc “lớn”.
Tên gọi của thành phố Lào này bắt nguồn từ tiếng Pali, ngôn ngữ diễn đạt văn chương của Phật giáo tiểu thừa. Nghĩa ban đầu của nó là “Khu rừng đàn hương của nhà vua” (đàn hương là loại cây quý, theo kinh điển Ấn Độ). Trong tiếng Lào, Viêng Chăn có nghĩa là “Thành (phố) Trăng”.
Vì sao từ “Khu rừng đàn hương của nhà vua” lại biến thành “Thành (phố) Trăng”? Các nhà nghiên cứu cho rằng cách phát âm và phép chính tả của tiếng Lào hiện đại không phản ánh rõ ràng từ nguyên tiếng Pali này. Tuy nhiên, tên gọi của thành phố này trong tiếng Thái เวียงจันทน์ vẫn giữ được nguyên gốc từ nguyên và nghĩa của nó “Thành Đàn hương”.
Viêng Chăn phiên âm la-tinh là Vientiane, có nguồn gốc từ tiếng Pháp, nó phản ánh sự khó khăn của người Pháp khi đánh vần phụ âm “ch” của tiếng Lào; một kiểu đánh vần dựa trên tiếng Anh là “Viangchan”, hoặc đôi khi là “Wiangchan”.
Vậy, viết đúng là Viêng Chăn hay Viên Chăn?
Từ điển Bách khoa mở Wikipedia ghi là Viêng Chăn và chú thích cách đọc từ này theo bảng mẫu tự phiên âm quốc tế (IPA - International Phonetic Alphabet) là /vjɛnˈtjɑːn/. Tuy nhiên, ở đây có sự mâu thuẫn, bởi theo cách phiên âm này, phải đọc là “Viên Chăn”, tương tự như cách đọc Tiananmen Guangchang là phiên âm la-tinh của “Quảng trường Thiên An Môn”, bính âm là Tiān’ānmén. (Bính âm là cách thức sử dụng chữ cái la-tinh để thể hiện cách phát âm các chữ Hán trong tiếng phổ thông Trung Quốc).
Ngay cả phiên âm của từ đang xét trong tiếng Pháp và tiếng Anh, như đã nói trên, cũng không thống nhất. Nếu Vientiane đọc là Viên Chăn thì Viangchan hay Wiangchan lại đọc là Viêng Chăn.
Sự không thống nhất trong cách viết/đọc này không phải là hiếm trong đời sống của ngôn ngữ trong xã hội. Nhiều lúc các nhà soạn từ điển cũng phải chạy theo ngôn ngữ xã hội và bổ sung vào từ điển những từ không đúng chính tả. Ví dụ như “đang cai” đã viết sai thành “đăng cai”.
Đang cai (hay đương cai) được các từ điển giảng là “(1) Chịu trách nhiệm, theo sự phân công lần lượt, tổ chức vật chất một đám hội trong làng xóm ngày trước. (2) Đứng ra tổ chức một cuộc gì đó có nhiều người hoặc nhiều tổ chức tham gia”. Tuy nhiên, theo tác giả An Chi trong mục “Chuyện Đông chuyện Tây” báo Kiến thức Ngày nay, ở miền Bắc, sau năm 1954, khi nói đang cai, người ta đã liên tưởng đến yếu tố đăng trong đăng ký (đăng ký mua hàng, đăng ký kết hôn, đăng ký khám bệnh…). Do áp lực của đăng trong đăng ký mà đang trong đang cai đã bị phát âm thành đăng vì nghĩa của từ này làm liên tưởng đến từ kia. Mãi đến năm 1992, Từ điển tiếng Việt mới ghi nhận đăng cai, vì hiện nay cả miền Bắc lẫn miền Nam dường như chẳng còn ai nói đương cai hoặc đang cai nữa mà chỉ nói đăng cai, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tóm lại, Viêng Chăn đã trở thành phổ biến trong đời sống xã hội. Ngay cả một người Lào là nhạc sĩ Đuông Mi Xay cũng viết là Viêng Chăn trong thư gửi cho cô giáo cũ người Việt của mình là cô Phạm Minh Lý (ảnh).
ĐNCT