.

Năm 2013 sẽ bớt chông gai

.

Sau một năm gồng mình “thắt lưng buộc bụng”, năm 2013, nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục không mấy sáng sủa trước những biến động mới được cho là hậu quả của những năm trước để lại. Tuy nhiên, dưới con mắt của các chuyên gia thuộc ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ thì năm mới sẽ là một năm sáng sủa hơn đối với nền kinh tế toàn cầu so với những năm gần đây.

Năm mới sẽ là một năm sáng sủa hơn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Năm mới sẽ là một năm sáng sủa hơn đối với nền kinh tế toàn cầu.

Giải thích cho nhận định trên, chuyên gia Dominic Wilson và Kamakshya Trivedi cho rằng, tuy cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu sẽ tiếp tục gây ra những trở ngại, nhưng bù lại kinh tế Mỹ sẽ phục hồi tốt hơn. Theo dự báo, sau khi vượt qua được giai đoạn khó khăn những tháng đầu năm 2013, sự phục hồi bền vững có thể sẽ được thiết lập một khi nền kinh tế thế giới khắc phục được những rủi ro tăng trưởng liên quan tới vấn đề tài khóa. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 3,3% trong năm 2013, ngang với mức tăng trưởng dự báo cho năm 2012. Trong đó, tác động lớn đến nền kinh tế thế giới vẫn là các nước có nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… GDP của Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng yếu quanh ngưỡng 2%, kinh tế khối Eurozone ở ngưỡng gần như suy thoái, trong khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể giảm dưới mức trung bình của 5-10 năm qua. Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2013 do các nhà hoạch định chính sách sẽ cẩn trọng hơn khi quyết định đưa ra gói nới lỏng tiếp theo. Dự đoán tăng trưởng GDP thực trong năm 2013 của nước này là 7,4%, lạm phát ở mức 3%. Từ năm 2014 trở đi, tăng trưởng sẽ chậm lại còn 7,2%, năm 2015, năm 2016 là 6,9%, năm 2017 là 6,5%.

Một số lĩnh vực dự báo sẽ có những chuyển động tích cực như: Thị trường nhà đất và việc làm ở Mỹ, nguồn cung năng lượng toàn cầu sẽ được giải tỏa. Các chuyên gia nhận định, hoạt động trên thị trường địa ốc Mỹ năm tới sẽ mở rộng thêm nhờ lãi suất thế chấp vẫn duy trì ở mức thấp kỷ lục và các điều kiện cho vay tương đối dễ dàng. Trong đó, số nhà mới khởi công có thể tăng 20%, trong khi giá nhà sẽ tăng 2-3%. Những căng thẳng về nguồn cung nhiên liệu sẽ bắt đầu giảm trong năm 2013 nhờ Mỹ tăng cường sản xuất dầu lửa, cũng như việc khơi thông ách tắc trong hệ thống đường ống dẫn dầu của thế giới. Thị trường dầu lửa nhờ thế sẽ ổn định ở mức giá từ 80 - 90 USD/thùng.

Tuy tăng trưởng ở Eurozone được cho là sẽ còn yếu nhưng các vấn đề liên quan tới khu vực này sẽ không còn đóng vai trò quyết định bức tranh rủi ro toàn cầu như trước. Đó là một phần do các biện pháp chính sách và những đổi mới về thể chế làm giảm bớt những rủi ro sâu sắc mang tính hệ thống vốn có khả năng truyền dẫn trên phạm vi toàn cầu. Ngoại trừ nền kinh tế Trung Quốc và Hàn Quốc có thể giảm xuống trong dài hạn nhưng tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục tăng tốc đáng kể tại các nền kinh tế mới nổi trong năm tới. Dẫu vậy, chúng cũng sẽ phải đối mặt trước áp lực lạm phát.

Theo dự báo của hãng CNBC, năm 2013, Ấn Độ sẽ chứng kiến một loạt vụ vỡ nợ lớn, làm sụt giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Rất nhiều công ty nước này đã vay ngoại tệ và đang cảm thấy rủi ro lớn dần khi đồng rupee ngày một suy yếu. Trong khi đó, tình hình kinh tế Nhật Bản dự báo sẽ được cải thiện vào năm sau. Toyota sẽ dẫn đầu làn sóng tiêu dùng tại Mỹ và Đông Nam Á. Trong ngắn hạn, căng thẳng chính trị giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước mặt trời mọc nhưng tăng trưởng GDP thực của nước này trong năm 2013 vẫn có thể ở mức 0,7%.

Sự không chắc chắn về chính sách đưa ra là nguyên nhân chính kéo giảm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2012. Tuy biện pháp “thắt lưng buộc bụng” sẽ tiếp tục gây áp lực tại châu Âu nhưng điều này có thể sẽ được cải thiện vào đầu năm 2013 tại Mỹ và EU. Do đó, những khó khăn kinh tế toàn cầu sẽ giảm dần trong những năm sau và các nhà đầu tư có thể sẽ cảm thấy yên tâm hơn.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.