Đà Nẵng cuối tuần

Tản văn

Khu vườn ký ức

15:54, 09/12/2012 (GMT+7)

Gần hết đời mẹ dành cho khu vườn nhà tôi. Qua bao thăng trầm, nắng mưa dầu dãi, mảnh đất bị cuốc lên úp xuống không biết bao lần nhưng chúng vẫn dịu dàng, chịu thương chịu khó, đơm hoa kết trái cho vườn mẹ.

Đất quê tôi giàu mưa nắng, bão bùng nhưng rất nghèo phù sa màu mỡ, kiếm được miếng ăn quả là trần thân. Cái nắng, cái gió cứ như lò than hồng hừng hực làm mềm rũ những chiếc lá chuối, lá dong. Cây cũng khóc, cũng sầu. Để che bớt cái nóng cho các loại rau màu trong vườn, mẹ trồng xen kẽ nhiều cây cau cao vòi vọi. Chúng che nắng trưa rất tốt nhưng không che hết nắng xiên, đủ ánh sáng cho các loại cây lá  quang hợp mà sinh trưởng tốt.

Phía cuối vườn, mẹ trồng vài gốc chanh, vài gốc khế và mấy bụi chuối cơm. Một hàng na chạy dọc sau nhà, trái trĩu cành, mắt căng tròn mỗi độ thu về. Đó cũng là nguồn thu nhập kha khá của mẹ. Kha khá thôi, bởi nguồn thu chủ lực của mẹ là rau cải. Rau xanh ngăn ngắt, mỗi loài mỗi sắc độ. Non nõn nhất là cải mầm, cải bẹ xanh rồi mới tới cải bắp, cải củ. Cải mầm mẹ gieo thành vạt, gieo trong khay nhiều tầng. Khi cây cao độ năm, sáu phân mẹ nhổ chúng làm rau mầm ăn rất ngon. Rau cải mầm có vị hăng hăng, giòn giòn, nhiều chất bổ dưỡng. Chỉ cần chút ít dầu giấm, bìa đậu chiên thái mỏng và quả cà chua thái lát là mẹ có thể làm nên một món rau trộn ngon lành. Khi cây cải cao khoảng mười lăm phân mẹ tỉa thưa chúng, đem bán cho hàng quán. Sẽ là thiếu sót biết bao nếu ăn bánh xèo, bánh khọt mà không có loại cải non này; chúng cũng nấu canh hay xào tỏi đều ngon. Những cây còn lại sẽ phát triển theo chiều tích cực, mập mạp, xanh mướt. Khi chúng đủ lớn, mẹ bứng từng cây trồng ra vườn. Tới mùa thu hoạch, nếu trời nắng, mẹ trải chúng ra phơi rồi muối dưa. Khi không làm dưa thì mẹ gồng gánh ra chợ. Cây nhà lá vườn, giá cả vừa phải, mẹ bán một loáng là hết sạch sành sanh. Để rồi khi về, mẹ không quên mua cho chị em tôi tấm bánh đồng quà. Ở quê thức ăn gì cũng đạm bạc, nên tấm bánh đồng quà là đặc sản của mẹ khi đi chợ về. Chắc mẹ vui lắm, khi nhìn chị em tôi ăn chúng ngon lành.

Khu vườn của mẹ cũng là khu vườn ký ức của tôi. Nơi mà chị tôi chiều chiều ra bờ ao gánh nước tưới rau phụ mẹ. Nơi có đàn bướm vàng lười lười vỗ cánh và tiếng chim quyên líu lo gọi mặt trời ban mai.

Tuổi thơ tôi lớn lên trong ngạt ngào hương bưởi, hương chanh, hương mít chín ngọt lựng. Ở đó, chúng tôi thu hái được nhiều câu ca dao, tục ngữ rất hay mà mẹ đã vất vả gieo trồng. Mẹ cũng chỉ cho chúng tôi biết nhiều thứ rau trời, trời trồng chớ không phải mẹ. Đó là rau dền, rau sam, rau má, mã đề, ngò gai… Những loại rau đó mọc không nhiều trong vườn mẹ, nên lâu lâu mẹ mới thu hái chúng một lần, đủ để nấu một nồi canh ngon. Mẹ bảo đó là rau tập tàng, rau tập tàng thì ngon, con tập tàng thì khôn.

Bây giờ thì chúng tôi không còn ở với mẹ. Khu vườn của mẹ cũng không còn, phố lầu đã vây kín mít. Mẹ sống một mình với bóng, với tiếng mõ câu kinh, với tấm thân già lọm khọm tuổi gập vào lưng. Muốn về bên mẹ nhưng có được đâu, muốn mẹ về ở với mình cũng chẳng cách nào thực hiện. Mẹ quen sống đời tự lập, tần tảo nuôi con, mẹ có quyền an hưởng tuổi già theo cách của mẹ nhưng làm sao chúng tôi có thể yên lòng. Năm, đôi lần về thăm mẹ, đâu nhiều nhặn gì, nhưng đó là một thử thách quá lớn đối với chúng tôi. Đường sá xa xôi, cách trở. Đồng lương công nhân èo uột, ăn sáng lo trưa, ăn trưa lo tối, dành dụm được tiền tàu xe về thăm mẹ là kỳ công rồi.

Chúng tôi chỉ biết cầu mong cho mẹ sống bình an hết quãng ngày già. Để chúng tôi còn được cài hoa hồng đỏ lên ngực áo vào ngày lễ Vu Lan, để thấy lòng rưng rưng hạnh phúc.

LÝ THỊ MINH CHÂU

.