Đà Nẵng cuối tuần

TRUYỆN NGẮN

Giết chết thần tượng

23:19, 02/12/2012 (GMT+7)

Nga lớn lên mà chẳng biết bố mẹ mình là ai bởi hầu hết những đứa trẻ trong trại trẻ mồ côi này đều như vậy. Con cái không có quyền kén chọn bố mẹ, nhưng đứa con nào cũng mong mình có một gia đình đầy đủ cả bố lẫn mẹ. Từ nhỏ Nga đã sống trong mặc cảm khi biết mình chỉ là một đứa con bị bỏ rơi, một đứa con mà những người sinh ra mình không chờ đợi mà chỉ là kết quả của một lỗi lầm. Cuộc sống cứ thế trôi đi và Nga bật lớn thành một thiếu nữ lúc nào không hay. Nga xinh đẹp lại có công việc ổn định nhưng trong cô vẫn thiếu thốn tình cảm gia đình mà những người bình thường nào cũng có được. Chỗ dựa tinh thần duy nhất của Nga đó là thần tượng của cô. Món ăn tinh thần của cô là được đọc các tác phẩm mà thần tượng của mình là tác giả. Thần tượng của Nga là một nhà văn nổi tiếng và được nhiều người hâm mộ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Rất nhiều năm trước, lần đầu tiên Nga đọc truyện của Thần tượng trên tạp chí, đã mê mẩn bởi những câu chữ vừa hóm hỉnh vừa sắc sảo, Nga đã yêu ngay con người xa lạ làm rung động tâm hồn cô. Từ đó cô tìm kiếm khắp nơi và cứ đọc đi đọc lại từng tác phẩm của Thần tượng như không sao cưỡng nổi. Sau đó cô đã viết cho anh hết lá thư này đến lá thư khác. Nhưng chưa bao giờ cô được hồi âm.

Một hôm Nga được biết, Thần tượng sẽ ký tên bán sách trong một nhà sách lớn, trái tim son trẻ của cô bỗng chốc háo hức vô cùng.  Hôm đi tham dự ngày hội ký tên bán sách của Thần tượng, Nga ăn diện hết sức nổi bật. Thần tượng là một người đàn ông tuổi trung niên, bề ngoài rất bình thường. Vừa nhác trông thấy Nga đã thầm thất vọng. Nhưng nỗi thất vọng ấy đã tan biến ngay. Xét đến cùng thì cô khác với những kẻ theo đuổi ngôi sao, chạy theo thần tượng nông cạn, cô yêu tư tưởng của anh, tài hoa của anh.

Khi đến lượt Nga, cô len lén dúi cho anh một mẩu giấy ghi số điện thoại của mình, Thần tượng chợt ngẩn người nhìn Nga, lẳng lặng nhận mẩu giấy. Ngay tối hôm ấy Nga nhận được điện thoại của Thần tượng. Giọng người đàn ông tuổi trung niên thấp trầm.

- Xin chào Nga, tôi là nhà văn Trung Chính.

Nga bỗng chốc giống như con chim nhỏ sung sướng lích cha lích chích dốc hết nỗi lòng hâm mộ của mình:

- Anh có biết không, em đã đọc tất cả tác phẩm của anh, trước kia em còn viết cho anh nhiều thư…

Trung Chính nói:

- Thế ư? Tôi không nhớ lắm.

Nga nghĩ, anh ấy là một nhà văn, biết bao nhiêu người viết thư cho anh ấy, đương nhiên không nhớ được mình.

Hôm sau, Nga và thần tượng của mình cùng ăn một bữa cơm tại nhà hàng. Khi đi ra khỏi nhà hàng, Nga và Trung Chính tay dắt tay, đã bắt đầu yêu.

Có lần Nga hỏi Trung Chính một cách ngây thơ, liệu em có xuất hiện trong tác phẩm của anh không?

Trung Chính đáp: “Có chứ, em là vai chính trong tác phẩm của anh”.

Nhưng Trung Chính đăng rất nhiều tác phẩm mới, Nga không khi nào xuất hiện trong đó. Trung Chính cũng chưa bao giờ nhắc đến  chuyện kết hôn với Nga. Đó là điều duy nhất Nga thấy băn khoăn, lấn cấn, ấy là Trung Chính hơi cứng tuổi, đã vào độ tuổi ngoài bốn mươi. Bình thường ra, độ tuổi ấy của người đàn ông vẫn chưa có vợ liệu có phải là muộn vợ hay đã có vợ rồi? Nhất là còn đang bị ràng buộc hôn nhân, chưa thể thong dong yêu người mới, đã bạc tình bội nghĩa với vợ cũ mà giấu chăng, nên cứ nói là chưa có vợ?

Suy nghĩ một cách cẩn trọng như vậy nên trong những ngày đầu mới yêu nhau, mặc dù Trung Chính nói là chưa có vợ, đưa ra lý do về sự muộn vợ của mình, đó là muốn tranh thủ thời gian phát triển sự nghiệp. Nga nghe Trung Chính nói vậy thì biết vậy, cũng không phải là hoàn toàn không tin, song vẫn cứ muốn tìm hiểu kỹ cho chắc chắn. Nga đã tìm gặp những người thân quen với Trung Chính, khéo léo tìm hiểu và biết được một thực tế là Trung Chính đã có vợ, hơn nữa người vợ lại đang đau ốm bại liệt đôi chân. Mấy người đó còn cho Nga biết thêm là tình trạng bệnh tật ấy mãi chẳng khỏi đâu. Họ còn kể rằng, vợ Trung Chính là người rất tốt và tình yêu của họ cũng rất đẹp. Trước đây chị là người lo toan chủ yếu của gia đình để anh yên tâm dấn thân vào sự nghiệp. Vẻ đẹp gọn gàng, dân dã, chất phác, không cần trang điểm của chị, cộng với sự tốt tính, ngoan nết một lòng yêu thương chồng của chị đã cảm phục, thu hút trọn vẹn được cõi lòng anh yêu chị, cho dù anh có đa tình, đa cảm, tài hoa hấp dẫn nhiều cô gái, anh vẫn giữ được lòng thủy chung với vợ.

Nỗi niềm đa đoan này chỉ nảy sinh trong lòng Trung Chính khi không may vợ anh bị đột quỵ. Sau khi được đưa đến bệnh viện điều trị, chị không tử vong, song không sao khỏi hẳn được, chỉ đỡ phần nào, khiến chị bại liệt đôi chân, nằm bất động trên giường bệnh hết tháng này sang năm khác. Trung Chính nuôi nấng, thuốc thang cho vợ, phục vụ chăm sóc người bệnh bại liệt. Bản tính tốt, lòng yêu thương vợ, luôn trách nhiệm với vợ, cộng với sự nhanh nhẹn khỏe mạnh trời cho, đã khiến Trung Chính vượt qua được mọi khó khăn vất vả để chăm sóc người vợ ốm đau với hy vọng, cầu trời cho vợ dần dà cũng hồi phục sức khỏe. Nhưng rồi cứ mong mãi mà căn bệnh bại liệt của vợ anh cũng không khỏi, các biểu hiện của căn bệnh chỉ càng cho thấy là chị sẽ mãi mãi không đi được cho đến khi chết. Thảm trạng đầy bế tắc, hết hy vọng ấy đã làm cho một người đàn ông tuổi trung niên, sung sức và quen đa tình, đa cảm luôn luôn bị bứt rứt vì không được đáp ứng nhu cầu bản năng, thiếu thốn đàn bà theo trọn nghĩa đủ đầy cả tình yêu lẫn tình dục, càng điên đầu, tái tê lòng vì sự thiếu thốn, bức xúc này sẽ là mãi mãi, cho đến khi Trung Chính gặp Nga.

Nga cứ suy nghĩ mãi, cuối cùng cô đã ngửa bài nói thẳng với Trung Chính:

- Em muốn kết hôn với anh.

Trung Chính im lặng lâu lắm rồi nói một cách rất khó nhọc:

- Anh đã có vợ. Anh đã rất ân hận về điều giấu giếm của mình, thành thực xin lỗi em. Anh quyết không thể cắt đứt vợ, nếu em không muốn có thể sẵn sàng xa anh.

Nga nghĩ, Trung Chính không còn trẻ, lại tài hoa tràn trề như thế làm sao có thể sống đơn thân. Khi nghe Trung Chính trả lời, Nga cảm thấy hẫng hụt như trời sập đất lở. Trong đau khổ, Nga dần dần bình tĩnh, lại nêu ra với Trung Chính đòi hỏi khác. Cô muốn gặp vợ anh, người đàn bà bại liệt mà đánh bại Nga một cách thảm hại. Suy đi nghĩ lại  mãi, cuối cùng Trung Chính đã nhận lời.

Bước vào cửa nhà Trung Chính, một mùi khai khai nồng nồng phả vào mặt. Trong nhà tối tăm và ẩm thấp, một người đàn bà đang nằm liệt trên giường. Trung Chính vội vàng bế đỡ thân thể vợ để thay chiếc ga trải giường bị nước đái ướt sũng. Đầy vẻ thuần thục và âu yếm, anh lau chùi thân thể cho vợ. Bận mải tíu tít một hồi toát hết mồ hôi, anh mới giới thiệu với Nga, đây là vợ mình, đồng thời cũng giới thiệu Nga với vợ, một đọc giả đến nhà thăm em.

Người đàn bà kia, kẻ thù giả tưởng trong trái tim Nga xem ra không kham nổi một quả đấm, chị nhìn Nga gật đầu một cách yếu ớt.

Khi Trung Chính tiễn Nga ra khỏi nhà, Nga nói một cách đau khổ:

- Tại sao anh không nói sớm với em?

Trung Chính thở dài nói:

- Vợ anh không thể rời khỏi anh, xuất phát từ đạo nghĩa, anh không thể bỏ vợ, nói ra hỏi có tác dụng gì?

Nga nói: - Anh có thể lấy một người vợ cùng trông nom chị ấy.

Trung Chính đáp:

- Không được, như thế là một đòn chí mạng đánh vào tinh thần cô ấy.

Từ sau ngày đó, Nga không rời khỏi Trung Chính, cô càng yêu anh. Một người đàn ông tốt như thế, Nga cảm thấy ông Trời không công bằng. Anh ấy nên là của mình, chứ không phải thuộc về người đàn bà vừa già vừa bệnh hoạn. Chị ấy không có quyền dùng bất hạnh của mình khóa chặt Trung Chính, cướp đoạt hạnh phúc suốt đời của anh.

Nhưng từ sau hôm ấy, thời gian hẹn gặp nhau của Trung Chính và Nga ít hơn nhiều so với trước. Lần nào cũng vậy, hễ trời vừa tối là Trung Chính đã nôn nóng đòi về:

- Không hiểu sao từ hôm gặp em, vợ anh bắt đầu nghi ngờ giữa anh và em có vấn đề. Hiện nay hễ anh ra khỏi nhà là cô ấy cứ tra hỏi.

Nga càng bắt đầu giận dữ bất bình:

- Rõ ràng là chị ta mắc nợ anh, chị ta không thể đem lại hạnh phúc cho anh, dựa vào đâu chị ta đòi hỏi ở anh nhiều thế?

Trung Chính đáp: Không, đúng là anh không thể phản bội cô ấy.

Trung Chính càng yêu vợ thắm thiết, Nga hận vợ anh càng sâu. Cô bắt đầu tin người đàn bà kia là con ma ngăn trở tình yêu của hai người. Hôm kỷ niệm một năm hai người yêu nhau, Nga và Trung Chính đã hẹn sẵn cùng nhau đón mừng. Ngay từ sáng sớm Nga đã mua rất nhiều thức ăn, lại còn thắp nến trong nhà. Kết quả Trung Chính đến chưa ngồi nóng chỗ đã bị người đàn bà kia gọi điện thoại bảo về. Nga tức giận gạt một phát đổ hết mọi thức ăn bày trên bàn chưa hề động tới rơi xuống đất. Cô không hiểu, một bậc đại tài trai, một nhà văn lớn như anh tại sao lại để một mụ đàn bà đau yếu nằm trên giường sai khiến như vậy. Nếu đây là tình yêu, thì tình yêu ấy cũng quá ư dị dạng. Đây là ý nghĩ đầu tiên Nga muốn giúp Trung Chính giải thoát. Cô không muốn anh ngày đêm bị người ta hô gọi mất hết tự do. Cô không muốn yêu thầm trộm nhớ, mò trong bóng tối, bằng sự điên cuồng của mình, cô phải cứu người yêu khỏi cuộc đời tuyệt vọng.

Vào một buổi trưa định mệnh, Nga dùng chiếc chìa khóa nhà Trung Chính mà mình đã len lén phục chế đến mở cửa nhà anh. Cô đi vào buồng ngủ, người đàn bà kia dùng chiếc gối đỡ nửa người, đang vụng về sử dụng máy vi tính xách tay.

Nghe thấy có người đi vào, người đàn bà ngẩng lên hỏi một cách lo lắng và căm ghét “Cô Nga đấy ư?”.

Nga im lặng, cầm chiếc gối… Người đàn bà ấy đúng là rất yếu đuối, sau hai phút, tất cả đã kết thúc.

Khi Nga quay người đi ra, cô tùy tiện nhìn chiếc láp-tốp đổ nghiêng sang một bên, cô đã trông thấy tác phẩm người đàn bà đang viết dở. Kể về một người đàn bà sau khi bị liệt nặng đôi chân bắt đầu thưởng thức sáng tác trên máy vi tính, kết quả đã giành được thành công bất ngờ. Để tránh phiền hà đi lĩnh tiền nhuận bút, tất cả các tác phẩm của mình, chị đều luôn lấy tên chồng, về sau cũng tiện thể chị bảo chồng lấy danh nghĩa của mình đi dự trại viết, nhận giải và ký tên bán sách, có một bạn đọc tên là Nga đã từng hiểu nhầm chị là đàn ông, luôn luôn viết thư tình cho chị. Bởi đây là một sự hiểu lầm đẹp, chị không viết thư trả lời và cũng chưa từng giải thích. Nhưng rất nhiều năm sau, chồng chị đã dẫn một cô gái tên là Nga về nhà…

Nga gục xuống trong tuyệt vọng, vậy là cô đã giết chết thần tượng của chính mình.

THU HIỀN

.