Khi hương xuân đã cận kề, lòng tôi lại nao nao nhớ về những tấm ảnh gia đình được ba đóng khung, treo trang trọng trên tường nhà. Trong khung hình kỷ niệm ấy, gương mặt ông bà, ba mẹ và mấy chị em tôi đều tươi tắn, rạng ngời bên gốc mai, chậu quất.
Những bức ảnh gợi nhớ tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo của mỗi người. (Ảnh: Đinh Lơ) |
1. Một, hai, ba. Chụp. Tôi vẫn nhớ bác Nguyên, thợ chụp ảnh dạo cho gia đình tôi ngày Tết thường nói câu đó trước mỗi lần bấm máy. Bác bảo, nói thế để gia đình chủ động tư thế, nụ cười rạng rỡ nhất. Tuổi thơ tôi trôi qua trong điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Chỉ dịp Tết, lũ trẻ mới khoác lên mình tấm áo mới chờ ông bà, ba mẹ mừng tuổi trong những phong bao màu đỏ. Tết, bác Nguyên mới được cha mẹ mời vào nhà chụp giúp gia đình tấm hình kỷ niệm. Tết, chỉ cần nghĩ đến điều đó thôi cũng khiến lũ trẻ tụi tôi cười vui cả ngày. Tết, chẳng đứa nào dám đi chơi xa vì sợ lỡ dịp bác Nguyên ghé nhà, và cũng để được chia phần lì xì mỗi khi nhà có khách...
2. Bên ly café gần góc đường ngã tư Trần Phú-Lê Duẩn, nhà báo Kiều Đức Thịnh ôn lại một thời cầm máy ảnh. Anh bảo, việc chụp ảnh xưa và nay khác nhau rất nhiều. Xưa ảnh vừa chụp xong không biết “mặt mũi” như thế nào, nay vừa bấm xong đã có thể xem hình ngay; xưa một kiểu ảnh chỉ bấm máy một lần vì sợ hao phim, nay một kiểu ảnh người ta có thể bấm vài chục lần để chọn ra bức ưng ý nhất; xưa không có công nghệ ép plastic nên việc bảo quản khó khăn, nay mỗi người đều có thể lưu cho mình cả kho ảnh; xưa chỉ thợ ảnh mới có máy ảnh thì nay ai cũng có thể dễ dàng sở hữu một máy ảnh kỹ thuật số… Theo anh, thời bao cấp khó khăn, lương công chức mỗi tháng 60 đồng trong khi một tấm ảnh có giá 2 đồng nên chẳng mấy ai nghĩ đến việc chụp ảnh. Vì lẽ đó, chẳng mấy ai ở thế hệ anh có được kho ảnh lưu giữ hình ảnh tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên của mình.
3. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Lơ từng nói, muốn mang đến cho khách hàng một bức ảnh đẹp, ngoài bố cục, ánh sáng, tư duy sáng tạo, rất cần đến “khoảnh khắc” bấm máy. Có người cả đời cầm máy, bắt gặp vài khoảnh khắc như vậy mà có được những tấm ảnh để đời. Bây giờ, người ta nhắc đến Đinh Lơ như nghệ sĩ nhiếp ảnh mà ít ai biết rằng, anh từng là cán bộ phường Tam Thuận (Hải Châu, Đà Nẵng) thời gian dài. Đồng lương công chức eo hẹp, anh nghỉ việc, kiếm sống bằng đủ nghề rồi “dừng chân” bằng nghề chụp ảnh dạo ven sông Hàn. Anh bảo, khi thành phố có cầu Sông Hàn, nghề chụp ảnh dạo của anh “ăn nên làm ra”, thu nhập mỗi ngày vài trăm ngàn. Các dịp lễ, Tết, anh không dám đi ăn trưa vì sợ khách đợi lâu. Thời hoàng kim ấy đã qua, tay máy Đinh Lơ giờ chuyển sang chụp ảnh sáng tác. Là một trong số ít người hành nghề chụp ảnh dạo trở thành hội viên Hội nhiếp ảnh nghệ thuật TP. Đà Nẵng, Đinh Lơ tạm hài lòng với gia tài gần 50 bức ảnh về phụ nữ, trẻ em mà anh ưng ý nhất.
Một trong những bức ảnh “để đời” của tác giả Đinh Lơ. |
4. Cách đây chừng 10 năm, nghề ảnh vẫn là nghề tốn kém khi phải bỏ chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Một cuộn phim thông thường chụp được 36 kiểu nhưng thợ ảnh có tay nghề có thể chụp được 40 kiểu. Có người tiết kiệm tối đa bằng cách dùng phim bành, chụp được hơn 100 kiểu ảnh. Nhưng, chỉ cần lộ sáng, là cả cuộn phim coi như vứt, không dùng được. Nói về sự cố này, anh Lê Thành, người có hơn 30 năm trong nghề chụp ảnh dạo kể rằng, khoảng 6 năm trước, sau một ngày phơi nắng trên cầu Sông Hàn, anh chụp được 80 kiểu ảnh cho sĩ tử về Đà Nẵng dự thi. Nhưng khi mang về rửa, anh mới tá hỏa vì không có được tấm nào do trước đó, con trai anh đã lấy cuộn phim ra nghịch rồi đặt vào máy ba như cũ. Vừa tiếc, vừa ái ngại với khách hàng, cả ngày hôm sau anh bỏ công việc, ngồi trên cầu chờ từng người khách đến lấy hình để trả lại tiền họ đặt cọc. Hành động này khiến anh được đồng nghiệp, bạn bè tôn trọng.
Năm 2001 được xem là thời kỳ hoàng kim của nghề chụp ảnh dạo. Khi ấy, mỗi ngày trên cầu Sông Hàn có gần 80 thợ ảnh thì nay còn khoảng 18 thợ duy trì công việc này. Lê Thành chia sẻ, chụp ảnh trong ngày xuân luôn mang đến cho người chụp lẫn người được chụp sự vui tươi, háo hức. Vẻ đẹp của đất trời, hoa lá khiến người cầm máy rung cảm thật sự. Chụp ảnh không chỉ là công việc, mà còn là sự phản chiếu tâm hồn để mỗi người nhớ về những thời khắc đẹp nhất trong năm, hay trong cuộc đời mình.
Huỳnh Lê