Mấy năm gần đây, Famtrip, hiểu nôm na là du lịch làm quen, được các hãng lữ hành áp dụng ngày càng nhiều, để kết nối, gặp mặt đối tác, trao đổi những cơ hội làm ăn... Trong tình hình khó khăn chung, Famtrip lại càng được dịp phát huy vì tính chất “rẻ mà hiệu quả” của nó.
Cùng tìm kiếm những tour độc. |
Chào người bạn mới!
Người ta đi Fam (cách gọi của các hãng lữ hành) vì nhiều mục đích. Một hãng lữ hành nào đó “gom” các đối tác thường xuyên của mình lại để thực hiện những chuyến Fam đi đến các điểm du lịch. Có thể người ta đi để khám phá những vùng đất mới, những tuyến du lịch còn ít khách, những điểm đến “độc” hay những khu nghỉ dưỡng mới khai trương. Có thể họ chỉ nhằm khảo sát lại chất lượng của điểm đến và dịch vụ mà họ từng đưa khách đến. Nhà tổ chức chỉ thu một phí nhất định, thường có tỷ lệ khá khiêm tốn so với chi phí thực sự của một chương trình tour tương đương. Nhưng muốn lấy giá thật thấp hoặc miễn phí tại các cơ sở dịch vụ trên toàn chuyến, hãng tổ chức phải có mối quan hệ rộng và uy tín. Sau mỗi chuyến đi là một sự sàng lọc về tất cả các điểm trên một chuỗi hệ thống dịch vụ du lịch.
Ông Cao Trí Dũng, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam-Vitours, nói ngay: “Thay vì mang chuông đi “đánh” khắp nơi để tìm kiếm khách hàng, các đơn vị dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch có thể ở tại chỗ để đón khách tới trực tiếp, nên thường họ rất hào hứng ủng hộ giá cho các đoàn Famtrip”. Không phải lỉnh kỉnh mua vé máy bay đi nơi này nơi khác, chật vật thương thảo với từng đối tác, khai thác từng hợp đồng..., người làm dịch vụ chỉ cần lấy một ít trong chi phí đó để hỗ trợ giá cho các đoàn Fam, kéo khách hàng về phía mình. Trong bối cảnh khó khăn chung, chuyện làm Fam càng dễ hơn cho những người mong muốn tìm những sản phẩm phù hợp hơn cho đối tượng khách có thu nhập không cao. “Hơn nữa, khi người dân thắt chặt chi tiêu, ít đi du lịch, thì hệ thống dịch vụ sẽ dễ thở, dễ đáp ứng được yêu cầu của những chuyến Fam hàng trăm người, dễ “xin” được giá thấp nhất”, ông Dũng cho biết.
Các nhà cung cấp phòng ở, ăn uống... còn có thể cho khách hàng nhìn thấy tận mặt các dịch vụ của mình, chăm sóc các vị khách đặc biệt đến tận... răng và chào một giá thích hợp. Vì vậy, đi Fam không chỉ là nhìn vào phần cứng như cơ sở dịch vụ, mà còn đánh giá lại phần mềm - là các đối tác mà lâu nay chỉ có dịp làm việc qua điện thoại, email. Theo đó, như ý nghĩa ban đầu của từ Fam - viết tắt của familiarization - thì Famtrip trên hết là những chuyến du lịch để “làm quen” và kết bạn. Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty du lịch Việt Đà, nói rằng, có khi trong một đoàn Fam cả trăm người, chỉ có thể bắt nhịp được với 1-2 đối tác hợp ý để hai bên có được những thương lượng hiệu quả về trao đổi thị trường khách, chính sách giá ưu đãi cho các đoàn khách sắp tới của mình.
Chương trình nghẹt thở
Theo nhiều hãng lữ hành, chính vì tính chất quan trọng của các đoàn Fam, người ta sẽ cử các nhân viên trực tiếp khai thác tour, tuyến đó; hoặc những người đứng đầu các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng tham gia, để có những ứng biến linh hoạt và các quyết định cụ thể ngay trong chuyến đi. Ông Cao Trí Dũng, một trong những nhân vật “chủ xị” tổ chức rất nhiều đoàn Fam lớn của miền Trung, nói rằng: “Tối kỵ nhất trong tổ chức Fam là cử không đúng đối tượng tham gia. Vì người tổ chức phải làm việc rất nhiều, mất công sức rất lớn, nên chúng tôi thường đề nghị các đơn vị phải cử người sát với yêu cầu nhất, tránh tình trạng cho nhân viên đi chơi”.
Ai đã từng tham gia các chuyến Fam đều biết rằng, đó không phải là những chuyến đi chơi như những du khách bình thường, mà là đi thật nhiều điểm đến, khảo sát được nhiều dịch vụ, với chương trình dày kín. Những ai mong đợi Famtrip là một chuyến đi chơi giá rẻ sẽ thất vọng. Chưa tới một tuần mà đi sáu tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, dọc Đồng bằng sông Hồng chỉ vỏn vẹn 5 ngày, vượt qua 7.000km đường bộ từ Đà Nẵng đến tận Tam Giác Vàng (giáp giới ba nước Myanmar-Thái Lan-Lào) trong vòng 7 ngày... là chuyện thường. Người tham gia phải đi liên tục, trưa ở tỉnh này, chiều tối lại tới địa phương khác. Vừa ăn trưa xong đã vác ba lô lên đường; phải di chuyển liên tục trên xe vì điểm đến còn quá mới, nhà tổ chức không ước lượng được thời gian... cũng là chuyện thường. Dù khách sạn trên các chuyến Fam thường cao cấp (nhất là đối với các tour ra nước ngoài), nhưng các vị khách chỉ có thể về kịp ngả lưng sau một ngày dong duổi, không có thời gian để thụ hưởng các dịch vụ hấp dẫn kèm theo. Các nhà làm tour năng động còn phải tranh thủ thời gian làm việc với đối tác trong bữa ăn, hoặc ngay trên đường di chuyển.
Báo chí hỗ trợ thông tin trong những chuyến Famtrip. |
Thời khủng hoảng, “đánh” vào thị trường ít bị ảnh hưởng
Trong khi các hãng lữ hành tổ chức Fam chủ yếu để gặp gỡ đối tác và khảo sát dịch vụ, thì ở cấp độ Nhà nước, Fam thường nằm trong kế hoạch xúc tiến hoặc hỗ trợ phát triển lượng khách cho các đường bay trực tiếp quốc tế cũng như nội địa. Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng (thuộc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng) hằng năm đều tổ chức khá nhiều chuyến như vậy cho lữ hành trong và ngoài nước. Trong năm rồi, nơi này thực hiện đến 7 chuyến Fam, chủ yếu “đánh” vào các thị trường tiềm năng của Đà Nẵng như Nga, Nhật, Hàn Quốc, Bắc Mỹ, Hồng Kông. Tiếp theo là những đường bay quốc tế trực tiếp từ các nước và vùng lãnh thổ này đến Đà Nẵng, mang theo hàng chục nghìn du khách quốc tế đến thành phố.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, đánh giá rằng Famtrip gần đây được cơ quan chủ quản du lịch của Đà Nẵng ưu tiên lựa chọn trong chiến lược quảng bá du lịch thành phố, vì tính chất “rẻ mà hiệu quả” của nó. Ông Dũng cũng nhận định, việc tổ chức Fam đi các thị trường ít bị khủng hoảng như Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nga... sẽ giúp lấp đầy dịch vụ trong thời điểm du lịch đang gặp khó khăn như hiện nay. Vì vậy, năm qua và năm 2013, Vitours tập trung cho các đoàn Fam đi Malaysia, Hàn Quốc, Nhật, Hồng Kông... Ngược lại, các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia... cũng “đánh” mạnh vào thị trường Việt Nam thông qua các chuyến Fam.
Sau chuyến đi Famtrip đến Chiang Mai, Thái Lan dành cho 10 hãng lữ hành miền Trung, ông Huỳnh Đăng Khoa, Trưởng phòng Marketing của Tổng cục Du lịch Thái Lan, Văn phòng TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Thị trường Việt Nam với sức tăng trưởng lượng khách tốt là mục tiêu của Du lịch Thái Lan trong thời gian này. Chúng tôi tổ chức cho lữ hành đi Fam đến những điểm đẹp nhất, để họ thấy thích, rồi sau đó họ làm tour đưa khách đến”.
Nay mai, nhiều nhà tổ chức đã tính tới việc tách biệt Famtrip và presstrip (dành cho báo chí) để nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá. Thông thường, các phóng viên được mời tham gia Fam để hỗ trợ quảng bá và đánh giá điểm đến trên các kênh truyền thông, tạo nên một sức hút riêng cho du khách. Tuy nhiên, theo ông Bình, các phóng viên thường cần một thời gian dài hơn để cảm nhận, thu thập và sàng lọc thông tin, ghi hình về điểm đến..., nên cần phải được tách biệt thành một chuyến riêng, chứ không thể kết hợp vừa lữ hành, vừa báo chí như hiện nay.
Cuối cùng, bất chấp chuyện lên rừng xuống biển, thời gian nghẹt thở, sau những ngày cùng làm việc với cường độ căng thẳng, những người làm du lịch lại càng thấm thía cái cực của người làm lữ hành, càng thương quý nhau hơn, lại hẹn nhau: “Mai mốt có Fam, nhớ gọi!”...
HẰNG VANG