1. Nói tiền tháng Chạp chủ yếu là nói “đầu ra” của đồng tiền vào thời điểm cuối năm. Tất nhiên “đầu vào” của đồng tiền vào thời điểm nhạy cảm này cũng có nhiều điều đáng bàn, nhưng trong khuôn khổ chủ đề của số báo Đà Nẵng Cuối tuần tuần này, xin được bàn trước về “đầu ra” của tiền tháng Chạp.
Không hiểu sao cứ đến tháng Chạp người ta lại rất hào phóng với đồng tiền của mình, có khi người càng ít tiền càng hào phóng. Mà không hào phóng - tới mức có thể sẵn sàng tiêu đến đồng tiền cuối cùng - cũng khó, bởi nhu cầu chi tiêu mua sắm vào thời điểm cuối năm thường rất lớn và mọi thứ đều có vẻ như hợp lý. Người Việt vốn coi trọng chuyện thờ cúng tổ tiên và mồ mả ông cha, cho nên tháng Chạp là tháng chạp… mả của nhiều dòng họ và điều không thể khác là con cháu - nhất là con cháu nội - phải đóng góp tiền để tảo mộ cũng như để tổ chức bữa ăn gia tộc. Tảo mộ ngày nay đã trở thành một dịch vụ được chuyên nghiệp hóa, nên so với ngày trước con cháu bây giờ có thể ít tốn công hơn vì không phải tự tay giẫy cỏ sơn mộ kẻ bia, nhưng bù lại phải chi nhiều tiền hơn cho dịch vụ này. Bữa ăn gia tộc cũng tiêu tốn tới mức một số tộc họ đang có sáng kiến giảm chi phí bằng cách tổ chức xen kẽ một năm cỗ bàn rượu thịt với một năm thanh tịnh trầm trà - nghĩa là con cháu chỉ đến dâng hương, uống nước trà rồi ra về…
2. Nói về tiền tháng Chạp cũng không thể không kể đến chi phí dành cho việc sắm Tết - một khoản chi phí có thể được đánh giá rằng không biết bao nhiêu là đủ, bởi ai cũng nghĩ làm ăn cả năm giờ mới sắm sửa một lần nên không ngần ngại mở rộng hầu bao, thậm chí nhiều trường hợp còn dám vung tay quá trán. Sự hào phóng này có thể được nhân lên gấp mấy lần trong mô hình kinh doanh siêu thị - một mô hình dễ làm cho người tiêu dùng lắm khi không kiềm chế nổi trước cám dỗ của những mặt hàng chưa mua thì thấy thiếu mà mua rồi thì thấy thừa.
Tất nhiên trong tháng Chạp thời “bão giá” như tháng Chạp này, hầu bao có hạn, người giàu cũng… túng, người tiêu dùng sẽ có khả năng kiềm chế tốt hơn để không trở thành nạn nhân tự nguyện của những chiêu khuyến mãi đầy hấp dẫn. Có khi không đợi ai khuyến mãi mà chi phí dành cho việc sắm Tết vẫn không ngừng phát sinh kiểu “một đồng tiền gà, ba đồng tiền thóc”. Cũng cần nói thêm là chi phí dành cho việc sắm Tết thời nay không quá thiên về giải quyết nhu cầu ăn uống như ngày trước, bởi trên cơ sở dịch vụ ẩm thực ngày càng phát triển và có khả năng đáp ứng mọi đòi hỏi của người tiêu dùng ngay cả thời khắc giao thừa hay sáng mồng một đầu năm, người Việt đang chuyển từ ăn Tết sang chơi Tết.
3. Chuyển từ ăn Tết sang chơi Tết, người Việt thời nay có nhiều thay đổi trong cơ cấu chi dùng tiền tháng Chạp. Trong dịp Tết, không kể những trường hợp đi làm ăn xứ người phải lên đường về thăm quê thăm nhà - kèm theo là các khoản chi để mua vé tàu vé xe hoặc vé máy bay cũng như để mua quà cho người thân, không ít gia đình người Việt bây giờ đang có nhu cầu du lịch đến những nơi xa quê xa nhà với mức tiêu tốn khá cao tiền tháng Chạp và có khi không chỉ tính bằng tiền Việt. Chưa kể chơi Tết - gần nhà hay xa nhà - không có nghĩa là không ăn… Tết và nhất là không ăn… diện. Ăn… Tết không phải ở bếp nhà - tức là đi kéo ghế - đắt hơn nhiều và ăn… diện để chơi Tết càng đắt hơn nữa, vì phải thời trang sành điệu hay tối thiểu là phải mới. Đặc biệt khi chuyển từ ăn Tết sang chơi Tết thì chi phí dành cho việc sắm Tết thời nay lại thiên về giải quyết nhu cầu thưởng ngoạn mang tính chất tinh thần, chẳng hạn thưởng ngoạn giò thủy tiên, nhành lan hồ điệp hoặc chậu lộc vừng... Thậm chí đang có xu hướng phục hồi thú chơi câu đối hoặc chơi tranh thư pháp - một thú chơi thanh cao mà không hề thấp giá. Nhân nói chuyện câu đối ngày Tết, tôi chợt nhớ tới mấy vế đối có liên quan đến đồng tiền mà tới nay vẫn chưa có người đối được: Tiền thì quý, quỳ thì tiến hoặc Đầu tiên: tiền đâu? Cái khó và cũng là điểm độc đáo của hai vế đối này nằm ở chỗ nói lái, mà phàm là những vế đối có yếu tố nói lái thường khó đối cho chỉnh…
4. Nói về tiền tháng Chạp, không thể không nhắc đến câu tục ngữ “Có tiền mua tiên cũng được”. Có đúng là đồng tiền có sức mạnh vạn năng mua được mọi thứ trên đời như vậy hay không? Có thể nói ngay là không đúng. Trước hết tiền chắc chắn không thể nào mua được tiên, bởi một lẽ giản đơn là làm gì có nàng tiên nào trong cõi nhân gian này - đây chẳng qua là do ông cha xưa cố tình “nói thách”. Thứ nữa là trong một số trường hợp tiền không thể mua được sức khỏe và trong nhiều trường hợp tiền không thể mua được hạnh phúc. Cho nên cầm đồng tiền tháng Chạp trên tay, người tiêu tiền có văn hóa thường không để cho việc chi dùng cuối năm đẩy mình vào thế phải đối mặt với sự túng thiếu, càng không dùng tiền để mua chuộc sự công tâm theo kiểu lấy nén bạc đâm toạc tờ giấy…
Bùi Văn Tiếng