Để có thêm thu nhập trong lúc nhàn rỗi, nhiều lao động phổ thông kiêm luôn nghề xe ôm, đưa đón trẻ. Họ hoạt động theo kiểu đánh du kích, khi khách có nhu cầu, chỉ cần a-lô là họ nhanh chóng có mặt…
Không thường xuyên đứng đường đón khách, người hành nghề xe thồ như anh Thi chọn cách ghi lại số điện thoại tại một số ngã đường. |
Là thợ xây, nhưng hơn 4 tháng nay, anh Nguyễn Văn Thi (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) rơi vào cảnh thất nghiệp khi những công trình xây dựng dân dụng cứ đến thời gian này là... đứng sựng! Kinh tế gia đình trông chờ vào đồng lương công nhân của vợ. Anh chọn nghề chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Thời gian đầu, sau khi chở vợ đến công ty, anh cầm theo mũ bảo hiểm lang thang các đường Vân Đồn, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa-Trường Sa nắm tình hình, và anh quyết định chọn mời những người khách nước ngoài đi bộ trên đường tham quan, mua sắm... tại Đà Nẵng bằng xe máy.
Anh mày mò học mấy câu tiếng Anh đơn giản, mua thêm tấm bản đồ để việc giao tiếp được dễ dàng. Anh nói: “Chở khách nước ngoài ngó thế mà khỏe. Họ ít kỳ kèo thêm bớt như khách Việt, thấy thuận giá là ô-kê. Nếu đó là khách sộp, mình còn nhận được phần trăm hoa hồng kha khá từ nhà hàng, khách sạn. Loại khách này không nhiều, mỗi tháng chỉ được vài ba cuốc, lắm khi chẳng có mối nào nhưng tôi xem đây là công việc thời vụ nên không lấy đó làm áp lực”.
Ở nông thôn, nhiều nơi, không có đội xe thồ “chính quy”, người hành nghề này thường hoạt động theo kiểu đánh du kích, nghĩa là ghi lại số điện thoại để khi ai cần chở đi đâu đó thì gọi. Kiểu làm việc này khá tiện khi vừa có thể làm việc nhà, vừa sẵn sàng phục vụ nếu khách có nhu cầu. Đơn cử, ở thôn Cồn Mong, xã Hòa Phước có gần 10 người hành nghề xe ôm theo cách này. Anh Minh, người chạy xe ôm ở đây, cho biết: “Chừng 3 năm trở lại đây, số người hành nghề xe ôm giảm đáng kể vì dân có xu hướng chọn phương tiện taxi khi di chuyển. Ế quá, tôi cũng ít ra đường đứng đón khách mà ở nhà phụ vợ cơm nước, chăm mấy luống rau màu, thỉnh thoảng cà-phê, đánh cờ với bạn bè, hễ có khách gọi là đi. Như thế, trung bình mỗi tháng tôi cũng kiếm được cỡ hai triệu đồng trong khi vẫn có thể làm giúp vợ một số công việc trong nhà”.
Chạy xe ôm kiểu thời vụ, tiện thì có tiện nhưng anh Thi và Minh đều nói, cách này chỉ áp dụng cho khách quen nên lượng khách không nhiều. Vì thế, để giữ khách cũng như mở rộng đối tượng phục vụ, ngoài việc ghi lại số điện thoại kèm theo dòng chữ “Ở đây có xe thồ” tại một số ngã ba, ngã tư gần nhà, cách phục vụ khách của các anh cũng nhiệt tình, chu đáo và giá cả phải chăng hơn.
Thêm niềm vui, thêm thu nhập
Cuộc sống ngày càng bận rộn, nhất là với các cặp vợ chồng trẻ khi vừa chăm con, vừa lao động bảo đảm thu nhập. Trường hợp chị N., sống tại khu chung cư dành cho phụ nữ đơn thân ở phường Hòa Minh là một ví dụ. Chị cho biết, là công nhân vệ sinh làm việc theo ca, một mình nuôi con nhỏ nên việc đưa đón cháu đi học đối với chị là không thể. “Trong khi tôi đang đau đầu vì không biết tính sao thì may có em Hồ Thị Bích Thảo ở phòng 506 cùng khu chung cư gợi ý sẽ đưa rước cháu. Mỗi tháng, tôi chỉ cần trả công cho Thảo khoảng 200.000 đồng để em phụ giúp gia đình.
Hôm chúng tôi đến, Thảo vừa đi đón ba em nhỏ ở cùng khu chung cư, là học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh gần đó. Hiện học lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Liên Chiểu, ngoài việc đưa, đón một số em nhỏ tại đây, Thảo còn dành ngày cuối tuần lên chợ Hòa Khánh phụ việc bán quần áo để cuối tháng nhận thêm 140.000 đồng trang trải tiền học tập. Thảo nói, khi mới chuyển về đây sinh sống, em nhận thấy nhiều phụ nữ đơn thân có con nhỏ đang tuổi đi học nhưng không có thời gian đưa đón do phải tất bật mưu sinh bằng những công việc khác nhau như lượm ve chai, bán vé số, công nhân vệ sinh… Với mong muốn giúp người cũng như giúp mình, Thảo đề nghị nhận công việc đưa đón trẻ và được các bà, các mẹ ủng hộ.
Từ đó, cứ cuối mỗi sáng, mỗi chiều, Thảo lại tất tả đạp xe đi đón mấy đứa trẻ đưa về nhà mình, chơi với chúng đến khi ba mẹ chúng đi làm về. Riết rồi quen, mấy đứa nhỏ thích Thảo ra mặt. Lúc nào cũng quấn quýt chị Thảo, hay sang nhà chị Thảo chơi. Thảo chia sẻ: “Lớn lên trong gia đình chỉ có mẹ và em trai, tôi cảm nhận được mẹ mình đã vất vả như thế nào để nuôi anh em tôi khôn lớn. Việc làm này giúp tôi có thêm niềm vui cũng như nguồn thu nhập nho nhỏ để trả giúp mẹ khoản tiền điện, nước hằng tháng”.
Giữa thời buổi cái gì cũng cần nhanh, gọn và hiệu quả thì việc ra đời các dịch vụ đưa đón trẻ, xe thồ lưu động trở nên thật sự cần thiết. Tuy nhiên, ở Đà Nẵng, công việc này hiện khá trầm lắng và xoay quanh những mối quan hệ, quen biết có từ trước.
TIỂU YẾN