.

Giấy thông hành của bạn trẻ tài năng

.

Khi bước chân vào con đường đại học, ai cũng lo lắng ít nhiều cho công việc sau này. Với những tân sinh viên được tham gia Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố (Đề án 922, trước đây gọi là Đề án 47), xem như đã có được giấy thông hành đến tương lai, dĩ nhiên trong đó đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của người tham gia đề án.

Phan Đăng Khoa cùng cô giáo trong Lễ tốt nghiệp khóa dự bị Đại học Sydney (Úc).  						                (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Phan Đăng Khoa cùng cô giáo trong Lễ tốt nghiệp khóa dự bị Đại học Sydney (Úc). (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cơ hội cho người thực sự tài năng

Từng là một học sinh chuyên văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), Dương Hoài Lan (22 tuổi) chưa bao giờ nghĩ có một ngày được đi du học theo diện học bổng toàn phần của thành phố tại Trường Đại học Queensland (Úc). Điều kiện kinh tế gia đình không mấy khá giả nên riêng việc học trong nước với gia đình Lan cũng đã là gánh nặng. May mắn đến với Lan khi năm bạn tốt nghiệp phổ thông (2009) cũng là thời điểm Đà Nẵng thành lập riêng một Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mà tiền đề là những Đề án 32, Đề án 47. “Mình luôn nỗ lực hết sức cho việc học bởi đây là lúc ước mơ trở thành hiện thực. Được tham gia đề án của thành phố là may mắn quá lớn với mình và cả gia đình”, cô sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh tâm sự.

Cậu học sinh Trần Khải Hoàng (21 tuổi) lại ấp ủ ý định tham gia dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng từ rất lâu nhưng lại tỏ ra không mấy tự tin vì gặp nhiều “đối thủ” quá giỏi. Khải Hoàng tâm sự: “Nhiều bạn nghĩ tham gia dự án sẽ bị ràng buộc nghĩa vụ phải làm cho Đà Nẵng 5 đến 7 năm, nhưng em cho rằng đó là điều mình cần làm. Ba năm học tại Lê Quý Đôn và bây giờ được chu cấp mọi mặt để học đại học, ra trường cũng không phải chạy đôn chạy đáo kiếm việc làm quả là món “quà” nghĩa tình quá lớn mà Đà Nẵng đã mang đến cho em”.

Với các bậc cha mẹ có con tham gia Đề án, hơn cả niềm vui là niềm tự hào khi con cái của họ được thành phố “chọn mặt gửi vàng”. Phụ huynh của Phan Đăng Khoa, du học sinh đang học tại Đại học Sydney (Úc), chia sẻ: “Gia đình tôi coi việc học hành của con cái là trên hết. Khoa luôn mơ ước được đi du học, nhưng với đồng lương giáo viên ít ỏi của hai vợ chồng thì không thể nào lo nổi cho con. Nghe tin Khoa được tham gia đề án, chúng tôi mừng không ăn cũng no”.

Đặt hàng chất xám

Xuất phát từ nhu cầu việc làm ở khu vực công và các tổ chức xã hội dân sự khác trên địa bàn thành phố, đề án sẽ tuyển chọn người có năng lực phù hợp với từng ngành nghề để đưa đi đào tạo. Để có được “đầu ra” chất lượng, người tham gia phải đáp ứng đủ các tiêu chí: 3 năm học THPT đạt loại giỏi, phải có thành tích từ giải ba trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố trở lên; hạnh kiểm tốt; điểm thi đại học từ 21 điểm trở lên, không có môn dưới 5 điểm. Mới đây, đối với lĩnh vực y tế, để săn được những bác sĩ giỏi, những học viên theo học ngành bác sĩ nội trú đã được cấp học bổng toàn phần kèm nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên về việc làm, nhà ở sau khi ra trường.

Bất kể học viên học trong nước hay nước ngoài, tùy từng địa điểm học tập, tình hình kinh tế hiện tại mà đề án luôn có mức hỗ trợ kinh phí phù hợp nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người tham gia chuyên tâm học tập, nghiên cứu. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Đến ngày hôm nay, đã có nhiều học viên hoàn thành việc học và được phân công công tác phù hợp với chuyên môn của mình. Đúng người, đúng việc là tiêu chí hàng đầu trong chính sách đào tạo mà Đà Nẵng đang theo đuổi” .

Tính đến cuối năm 2012, từ chính sách này đã thu về một “mùa vàng” bội thu khi có tổng cộng 472 lượt người tham gia đề án với 376 học viên bậc đại học (186 học trong nước, 190 học ở nước ngoài) và 96 học viên bậc sau đại học (77 thạc sĩ và 19 tiến sĩ ). Số học viên hoàn thành chương trình đào tạo là 255 (180 học viên bậc đại học, 75 lượt học viên bậc sau đại học).

Đề án 922 là Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố bao gồm nhiều đề án áp dụng cho các đối tượng học viên khác nhau. Trong đó, Đề án 47 là hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước dành cho học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đề án 393 đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài.

BÌNH AN

;
.
.
.
.
.