.

Bài học hồn nhiên

.

Một cú tạt từ cánh phải đưa bóng đến chân Mạnh Dũng. Cầu thủ trẻ của đội Việt Nam tung cú sút nối giữa rừng hậu vệ áo vàng khiến bóng bay cầu vồng vào góc cao, làm lố đà hàng thủ và cả thủ môn đối phương.

1-7 cho đội chủ nhà và bàn thắng mang tính danh dự này làm bùng vỡ niềm vui cho một Mỹ Đình nêm chặt bốn khán đài. Dưới sân, cầu thủ vừa ghi bàn vào lưới đại diện bóng đá London cởi áo chạy như điên, kéo theo dòng đồng đội cũng hồ hởi nhiệt thành; trên khán đài, hàng ngàn người đồng loạt đứng dậy hò reo tỡ mỡ. Chỉ một bàn thôi, chỉ là rút ngắn một cách biệt vời vợi mà niềm hứng khởi quả to tát biết bao, khác hẳn với khuôn mặt điềm nhiên lạnh lùng của cầu thủ Arsenal sau lúc đưa bóng vào lưới chủ nhà!

Mạnh Dũng vô cùng phấn khích sau bàn thắng để đời vào lưới Arsenal.                                         (Ảnh: Internet)
Mạnh Dũng vô cùng phấn khích sau bàn thắng để đời vào lưới Arsenal. (Ảnh: Internet)

Trong thế trận một chiều mà sự áp đảo và thế chủ động thuộc về đội khách, có lẽ đây chính là khoảnh khắc ấn tượng nhất giúp cân bằng buồn-vui cho hàng triệu người Việt Nam trước đó cất công chờ đợi cuộc gặp đỉnh cao mang tính lịch sử giữa các tuyển thủ quốc gia và một đại biểu đến từ Giải ngoại hạng Anh. Phút hồn nhiên của Mạnh Dũng sau pha ghi bàn dường như cô đọng chất hồn nhiên chung của cả một cộng đồng, một nền bóng đá ở khu vực được xem là “ao làng”, là vùng trũng, trũng nhất trong các vùng trũng của bóng đá thế giới. Chơi cho vui ấy mà, như đúng tên gọi của môn thể thao này! Đã chơi thì phải hứng khởi, có tiếng reo hò mở hết âm lượng, có niềm vui tưởng không bờ bến, cớ gì phải vô cảm, lạnh lùng như gương mặt các chàng trai Arsenal măng tơ kia! 7 bàn ư? Đâu cần phải nhiều thế mới vui, bởi một bàn thôi, một bàn vào lưới đại diện hàng đầu của bóng đá Anh cũng đủ thỏa lòng. Chàng tí hon đã rướn sức kiễng chân véo được tai gã khổng lồ!

Không nghe phía Arsenal nói họ học được gì từ trận đấu này. Nhưng nếu phải ghi nhận một bài học thì bài học ấy đối với ông Wenger, huấn luyện viên của đội, phải chăng là đôi lúc cũng dạy học trò bớt đi chất chuyên nghiệp để chừa chỗ cho lòng thơm thảo với chủ nhà!

Phía đội Việt Nam thì, theo như phát biểu của huấn luyện viên trưởng Hoàng Văn Phúc, đã thu nhặt nhiều bài học quý từ cuộc cọ xát đỉnh cao. Nhiều tuyển thủ quốc gia cũng nói rằng họ học được nhiều điều bổ ích cho sự nghiệp qua cuộc chạm trán đích thực với phong thái chuyên nghiệp đến từ quê hương của môn bóng đá. Nhưng “người” cần học kinh nghiệm hơn từ cuộc cọ xát này phải chăng là các nhà quản lý, hoạch định thể thao, những quan chức giữ nhiệm vụ định hướng phát triển và chăm chút tương lai bóng đá Việt Nam? Một chiến lược liên quan đến khoa học nhằm cải thiện sức mạnh, tầm vóc thể hình của cầu thủ, giúp nền bóng đá tiếp cận phong cách hiện đại và tính chuyên nghiệp trở nên bức thiết hơn bao giờ. Dù kiệm lời nhưng ông Wenger, bằng cái nhìn lịch lãm của một chuyên gia bóng đá lão làng, nhận xét rằng các cầu thủ Việt Nam không đủ sức theo kịp các pha bóng trong tình huống quyết định. Nhà chiến lược của Arsenal đang nhắc đến tố chất cơ bản của cầu thủ là thể lực, sức bền và rộng hơn là tầm vóc, thể hình.

Nụ cười hồn nhiên, vì thế, xin đừng mở ra nhiều quá!

ĐÌNH XÊ
 

;
.
.
.
.
.