.

Nhà văn có duyên với giải thưởng và thế giới tuổi thơ

.

Cuối tháng 6 vừa qua, tập truyện viễn tưởng thiếu nhi Cả làng biết bay của Thu Trân được NXB Văn hóa Văn nghệ chính thức ra mắt. Trước đó, với truyện ngắn Gia phả mùi rơm rạ, chị được trao giải nhì Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 2011-2013. Bận rộn công việc làm báo, làm mẹ, nhưng gần đây hầu như năm nào chị cũng xuất bản sách, lại thường nhận giải thưởng cao tại các cuộc thi văn chương.

Nhà văn Nguyễn Thu Trân với trẻ em Trường Sa, tháng 5-2012.
Nhà văn Nguyễn Thu Trân với trẻ em Trường Sa, tháng 5-2012.

Nhà văn Nguyễn Thu Trân còn thường được gọi Thu Trân, sinh trưởng ở Đồng Nai, hiện sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, tác giả của gần 20 đầu sách, gồm tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn. Vượt qua nhiều khó khăn, chị giữ nguyên ngọn lửa đam mê và bền bỉ với trang văn trong mọi hoàn cảnh.

Từ khi truyện ngắn dự thi Gia phả mùi rơm rạ được đăng tải trên Văn nghệ cuối năm 2011, đã có những phản hồi tích cực từ dư luận. Một câu chuyện lạ giữa thế giới truyện ngắn hiện nay, xoay quanh nhân vật Năm Sọc, một đại điền chủ ở miền Tây Nam bộ bị kết tội loạn luân, với nhiều tình tiết gay cấn. Nhà văn Thu Trân cho hay: “Năm Sọc là hình mẫu nhân vật có thật trong đời sống Nam kỳ lục tỉnh thời kỳ 1940-1950. Chuyện nhà đại điền chủ Năm Sọc với vô vàn những khuất tất hoàn toàn không phải chỉ do tôi hư cấu mà ra. Phần lớn những chi tiết được hình thành và nung nấu trong tôi từ những câu chuyện làng quê má kể. Thời đó, má cũng là một đứa trẻ con, lúc rảnh rỗi bà thường kể thời thơ ấu của bà cho chúng tôi nghe như những câu chuyện làm quà. Còn kết cấu, nút thắt, nút mở… câu chuyện là do tôi hư cấu và chịu khó tìm đọc lịch sử Nam kỳ lục tỉnh. Nhiều người đọc Gia phả mùi rơm rạ cứ tưởng tôi là một bà già nào đó cùng thời với cô Hận - nhân vật chính trong truyện. Cái sự “tưởng” này khiến tôi rất vui vì điều này chứng tỏ những tưởng tượng của tôi về một thời kỳ lịch sử xã hội cũng không đến nỗi… hoang đường”.

Với truyện ngắn này, Thu Trân cũng hy vọng nó sẽ là tư liệu giúp các bạn trẻ hiểu hơn về một góc cạnh quan hệ xã hội của vùng đất mới Nam bộ trên hành trình khẩn hoang dựng làng. Chị còn cho biết thêm: “Tôi viết Gia phả mùi rơm rạ trên hiện thực bức bối của gia đình Năm Sọc, được mẹ tôi thường kể cho các con trong nhà nghe. Nhưng để tạo “đỉnh” cho cốt truyện thì phải hư cấu. Hư cấu không chưa đủ, thời điểm đó Mặt trận Việt Minh thắng thế lên cầm quyền tạm thời, không viết lung tung được, thế là phải lục tìm tư liệu lịch sử Nam kỳ lục tỉnh đầu thế kỷ hai mươi mà đọc. Đọc xong, viết chắc, mới thấy yên tâm”.

Sinh sống ở thành phố nhưng Thu Trân lại luôn quan tâm đến đề tài nông thôn, tạo cảm hứng cho chị viết nên nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết. Bởi theo quan niệm của chị: “Phía sau lũy tre làng còn bao điều mà ta chưa “vỡ” ra được, chưa góp sức cùng người nông dân giải mã rạch ròi đời sống của họ. Thời nào nông thôn cũng là chỗ trũng cho các bi kịch “chảy” về. Đây là nơi luôn đi sau những cái mới, luôn phải gánh chịu những “hậu hoạn” của cuộc sống phồn hoa. Nông thôn Việt Nam thời công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay có rất nhiều điều để viết”.

Là cây bút có duyên với các cuộc thi văn học uy tín từ Nam chí Bắc, từ truyện thiếu nhi đến truyện người lớn, Thu Trân sở hữu hàng chục giải thưởng, như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 cho Đường bong bóng bay (truyện dài thiếu nhi), Giải nhì Cuộc thi Văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh - NXB Trẻ 2002 cho Ông thầy cũ kỹ (tập truyện ngắn thiếu nhi), Giải nhì Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2006-2007 cho truyện ngắn Xóm sở Mỹ, Giải thưởng Hội Nhà văn Đan Mạch - Hội Nhà văn Hà Nội - NXB Kim Đồng 2008 cho Đổi răng với chuột (tập truyện ngắn giả tưởng thiếu nhi),… mới đây là Giải nhì Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2011-2013 với truyện ngắn Gia phả mùi rơm rạ. Lý giải cái duyên đoạt giải của mình, chị cười nói: “Ai thi mà không thích mình đoạt giải. Thích vì bộ sưu tập giải thưởng của mình lại có thêm một gạch đầu dòng. Thời buổi có nhiều giá trị cần phải xem lại này, tôi vẫn trân trọng những cuộc thi chữ nghĩa chính thống và xem giải thưởng từ những cuộc thi này như những dấu ấn đẹp trong nghiệp văn của mình”.

Và một khi nói tới Thu Trân người đọc không thể quên đó là cây bút dành nhiều tình yêu cho thiếu nhi, với những tập truyện như: Đường bong bóng bay, Hoa trên đường phố, Những dòng sông búp bê, Tóc mây vỉa hè, Ông thầy cũ kỹ, Hộc bàn không còn muối ớt,… Chị đoạt nhiều giải thưởng cũng chủ yếu là nhờ các tác phẩm viết cho thiếu nhi. Khởi đầu là những trang viết dành cho hai đứa con nhỏ sớm mồ côi cha của mình, chị đã dần đi xa hơn với hàng loạt truyện ngắn, truyện dài giàu trí tưởng tượng dành cho tuổi thơ. Thu Trân đã cùng các đồng nghiệp nhiều thế hệ như Kim Hài, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Thái Hải, Bùi Chí Vinh, Lý Lan, Lưu Thị Lương, Trầm Hương, Nguyễn Ngọc Thuần,… tạo nên dòng chảy văn xuôi cho thiếu nhi khá ấn tượng ở phía Nam.

Về tập truyện viết cho thiếu nhi Cả làng biết bay mới được xuất bản, Thu Trân cho hay: “Bên cạnh nhiều truyện viết cho người lớn, tôi vẫn quan tâm đến thiếu nhi vì đời sống các em có bao điều thú vị và vì, tôi viết truyện thiếu nhi rất nhanh. Tập truyện viễn tưởng Cả làng biết bay chất chứa bao điều kỳ diệu, kỳ diệu nhưng không phải là phép thuật, chỉ là cách lý giải các hiện tượng tự nhiên hoặc những vấn đề của đời sống một cách ngộ nghĩnh qua lăng kính trẻ thơ. Hy vọng các em sẽ thích và cười hả hê khi đọc Cả làng biết bay”. Tập truyện này cũng là ấn phẩm chị tham gia chương trình giao lưu sách với thiếu nhi vùng sâu vùng xa mang tên “Trở về tuổi thơ” trong mùa hè 2013 cùng một số nhà văn khác.

PHAN HOÀNG

;
.
.
.
.
.