.

Phùng Quán với Côn Đảo

.

Trên văn đàn Việt Nam giai đoạn từ 1954 đến nay, Nhà thơ Phùng Quán (ảnh) được nhiều người biết đến như một tài năng độc đáo, một nhân cách ngay thẳng, một số phận bi tráng.

Chưa học xong tiểu học ông đã bỏ nhà đi theo cách mạng, 13 tuổi đã trở thành chiến sĩ Trinh sát của Tiểu đoàn 101 lừng danh ở chiến trường Bình - Trị - Thiên, 23 tuổi đã nổi tiếng trên văn đàn cách mạng với tiểu thuyết Vượt Côn ĐảoTiếng hát trên địa ngục Côn Đảo. Ở miền Bắc trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, có lẽ không ai là không đọc Vượt Côn Đảo. Riêng tôi, cứ thắc mắc mãi một điều, không biết nhà văn Phùng Quán có nằm trong số tù nhân Côn Đảo vượt ngục hay không mà viết chân thực cảm động thế, mỗi lần đọc lên cứ thấy rưng rưng.

“…Không thể ôm nhau mà nhìn thần chết đến cướp cùng một lúc. Giờ phút này phải đòi hỏi sự hy sinh. Anh Cả hội ý với Du và cuối cùng quyết định - Cần năm đồng chí hy sinh để cho thuyền nhẹ bớt. Mười đồng chí giơ tay cùng một lúc. Trong đó có Bằng, Chức, lão Học. Anh Cả nhìn mười đồng chí một lượt, ngồi lặng đi một phút. [ . . . ] Anh nghĩ đến Bằng và Vịnh ngây thơ như hai đứa bé, nhường nhau manh áo rách, hẹn nhau cùng nhập Quyết tử quân, chiến đấu cho độc lập, thống nhất của đất nước, về quê ăn trái sầu riêng, vú sữa…”. (Vượt Côn Đảo)

Sau này, mới biết Phùng Quán chưa bao giờ đến Côn Đảo. Tiểu thuyết Vượt Côn Đảo Phùng Quán viết sau một chuyến đi gặp gỡ tiếp nhận tù nhân được trao trả tại Sầm Sơn, Thanh Hóa năm 1954. Tiểu thuyết được giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1956 và trở thành quyển sách “gối đầu giường” của bộ đội ta lúc bấy giờ.

 Năm 1987, tôi được gặp nhà thơ Phùng Quán ở Huế, trong một cuộc rượu ở nhà nhà thơ Ngô Minh. Ông như “lên đồng” rưng rưng đọc bài thơ “Lời Mẹ dặn” như tìm về với quá khứ một thời: “Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/Dù ai ngon ngọt nuông chiều/Cũng không nói yêu thành ghét/Dù ai cầm dao dọa giết/Cũng không nói ghét thành yêu...”.  Nhân thế, tôi hỏi đất nước mình giải phóng lâu rồi, anh có ý định ra thăm Côn Đảo, nơi nguyên mẫu của “Vượt Côn Đảo” không? Nâng chén rượu ngang mày, uống cạn một hơi anh bảo có chớ, có chớ… Côn Đảo là bàn thờ của Tổ quốc, ai cũng muốn ra thắp hương nơi ấy một lần. Và đâu chỉ có “Vượt Côn Đảo”, nhà thơ Phùng Quán còn có Trường ca “Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo”, ca ngợi nữ Anh hùng Võ Thị Sáu và trở thành nguồn cảm hứng cho các bài hát, phim ảnh về chị Võ Thị Sáu sau này. Trong đó, chi tiết chị Sáu trên đường ra trường bắn đã ngắt bông hoa ven đường cài lên mái tóc là một sáng tạo độc đáo của nhà thơ Phùng Quán và trở thành biểu tượng bất khuất của người con gái Đất Đỏ.

“…Nghiêng mình Sáu hái bông hoa             
                                                      ven rừng
Cài lên mái tóc rối tung
Cất cao tiếng hát giữa vòng lưỡi lê…”

Côn Đảo, qua các tác phẩm của Phùng Quán đã trở thành bài ca bất khuất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thành sách gối đầu giường của cả một thế hệ người Việt Nam chiến đấu quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc. Có thể nói, nhắc đến Côn Đảo là mọi người nhớ đến “Vượt Côn Đảo” của Phùng Quán và nhắc đến Phùng Quán là mọi người lại nhớ Côn Đảo.

Thời gian đi qua, sau khi phục hồi hội tịch Hội viên Hội Nhà văn năm 1987, và được Chủ tịch nước tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007, Phùng Quán như chim sổ lồng, ông đi dọc đất nước từ Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang… đọc thơ, làm người “hát rong” của nhân dân. Và trong chuyến hành trình dọc đất nước ấy, Báo Quảng Nam – Đà Nẵng (số chủ nhật 2-1987) là nơi in bài thơ đầu tiên của Phùng Quán sau 30 năm treo bút, đó là bài thơ “Trường ca cây cà”.

Sau khi nhận được báo biếu ông đã tự mình đề dẫn thêm: “Ba mươi năm trước tôi chết giữa Hồng Hà sóng dữ/Tôi lại hồi sinh giữa xanh thắm Hàn Giang/Chính cây cà quê mùa lao lực/Đã cho tôi dũng khí bền gan”. Thế nhưng trong hành trình xuyên Việt ấy, không thấy ông đến Côn Đảo. Cho đến khi ông mất năm 1995, mơ ước ra thắp hương ở Côn Đảo đã không thực hiện được, tôi cũng không hiểu vì sao.

Cho đến cuối năm 2010, khi bạn bè văn nghệ sĩ và gia tộc họ Phùng ở Huế thực hiện di nguyện đưa hài cốt vợ chồng nhà thơ về quê hương ở xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế, tôi đem thắc mắc ấy hỏi nhà thơ Ngô Minh, người bạn vong niên, người đã sưu tầm, biên soạn 3 cuốn sách về Phùng Quán sau khi ông mất (Nhớ Phùng Quán, Ba phút sự thật, Phùng Quán còn đây), đồng thời là người chủ trì việc quyên góp cát, đá xây lăng mộ vợ chồng nhà thơ Phùng Quán. Nhà thơ Ngô Minh cho biết: Phùng Quán rất muốn một lần ra thăm Côn Đảo và thực tế ông đã có giấy mời ra thăm Côn Đảo hẳn hoi.

Đó là năm 1987, anh Lê Quang Vịnh, người cựu tù Côn Đảo nổi tiếng, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Côn Đảo, gửi thư mời tác giả tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo” ra thăm đảo. Phùng Quán sướng run người, vì đây là dịp để kiểm chứng lại những gì mình viết. Ông dự định đi từng chặng vào Vinh, rồi Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang... đến TP. Hồ Chí Minh sẽ đi tàu thủy ra Côn Đảo. Nhưng tính anh thích gặp gỡ, người yêu thơ cả miền Trung dằng dặc nghe tên, thuộc thơ anh nhưng lần đầu mới gặp người, nên cứ níu kéo đòi anh đọc thơ hoài. Thế là anh đọc thơ “phục vụ nhân dân” ngày này sang ngày khác. Mỗi nơi anh ở tới một vài tuần, có nơi như Huế anh ở tới  hai tháng. Vì thế gần 6 tháng trời mà ông mới đến được Nha Trang, thì nhận được tin vợ ốm nặng phải quay về, thế là lỡ chuyến đi một đời mong ước.

Và như để chia sẻ nỗi thắc mắc, nuối tiếc của tôi, nhà thơ Ngô Minh đã đọc to bài thơ “Gặp Phùng Quán ở Côn Đảo” của anh viết trong lần ra thăm Côn Đảo. “Anh chưa đến Côn Đảo bao giờ/ Thế mà ở đây hỏi anh ai cũng biết…/Phùng Quán ơi/ thế là anh mãi sống/ với Côn Lôn với những tử tù/ Với chị Sáu/ Và con thuyền vượt biển/ Chị Sáu đã thành cô Sáu linh thiêng/ Dân đảo thờ và nhớ/ Như nhớ thơ/ Và chuyện đời anh…”.

Vâng, nhà thơ Phùng Quán chưa một lần đặt chân đến Côn Đảo, nhưng trong tâm thức của nhiều người, ai cũng nghĩ chắc chắn ông là dân đảo, hay là người tử tù Côn Đảo một trăm phần trăm, mới viết được những trang văn như thế. Có lẽ đó là hạnh phúc của người cầm bút mang tên Phùng Quán.

Nhân thể, vừa qua UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết định lấy tên Phùng Quán đặt tên cho một con đường lớn tại thị xã Hương Thủy quê hương ông, tôi cứ nghĩ, giá như một ngày nào đó ra thăm Côn Đảo, mọi người được đi trên một con đường mang tên Phùng Quán thì sao nhỉ? Chẳng sao cả, ông xứng đáng được hơn thế, bởi Côn Đảo đã trở thành máu thịt trong văn và đời Phùng Quán.

NGÔ MINH THUYÊN

;
.
.
.
.
.