Mỗi năm dành ra 6 tháng đến Việt Nam, đóng tiền vào các tổ chức từ thiện để được làm tình nguyện viên (TNV) giúp đỡ trẻ em nghèo và khuyết tật, nhiều bạn trẻ đến từ nhiều nước trên thế giới đã chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân, “Vì Đà Nẵng là nơi tốt nhất, nhiều nghĩa tình nhất trong số những nơi mình đi qua”, Mark Witt, TNV đến từ Australia chia sẻ.
Mark Witt trong những lần tham gia hoạt động tình nguyện tại TT Bảo trợ xã hội Đà Nẵng. |
Từ giúp trẻ em…
Đến từ thành phố biển Coolum, bang Queensland, Australia, Mark nhận thấy Đà Nẵng có rất nhiều nét tương đồng với quê hương mình, và dù rất thích di chuyển nhưng Mark đã chọn Đà Nẵng để dừng chân trên con đường tìm kiếm bản thân và khám phá thế giới. Bởi từ Đà Nẵng, Mark có thể dễ dàng về Hội An một tháng vài lần trong vai trò là TNV, hay sang Siem Reap (Campuchia) và Ấn Độ để giúp đỡ trẻ em nghèo và khuyết tật. Mark còn cho rằng: “Đà Nẵng đẹp, con người thân thiện, thức ăn ngon và rẻ”. Đó là lý do cậu thích nhất khi ở đây và Mark đã kịp kết bạn với khoảng 60 bạn trẻ người Việt. Và dù đang theo học ngành báo chí một trường đại học danh tiếng của Australia, Mark vẫn quyết định “chưa theo nghề làm báo vì còn thích đi du lịch và làm TNV”.
Sang Việt Nam từ 3 năm trước, sau khi đi qua rất nhiều tỉnh, thành phố, Mark quyết định ở hẳn lại Đà Nẵng, đăng ký làm TNV cho tổ chức tình nguyện JVN. Công việc của Mark là tham gia chăm sóc, tập luyện thể lực cho các em khuyết tật tại Trung tâm (TT) Bảo trợ xã hội Đà Nẵng. Trước khi sang Việt Nam, Mark đã được tham gia một khóa huấn luyện về chăm sóc người khuyết tật, cậu còn tìm đọc tài liệu trên mạng Internet để bổ sung kiến thức cho mình. Thế nhưng khi bắt đầu chăm trẻ bệnh tại TT Bảo trợ, Mark đã rất “khó xử” vì bất đồng ngôn ngữ, cách chăm sóc cũng như văn hóa giữa cậu và nhân viên TT không tương đồng. Ví dụ như khi đứa trẻ bị động kinh, người Việt Nam sẽ bồng đứa trẻ lên và dỗ, thì cách làm của Mark khi học ở Úc là để đứa trẻ nằm im để não ổn định. Để giải quyết chuyện “nói không phải huơ tay làm hiệu”, Mark đã tìm đến ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, nhờ các TNV ở đây làm phiên dịch. Từ đó, Mark và các TNV khác đã làm được một việc quan trọng là chia sẻ việc chăm sóc trẻ khuyết tật một cách tốt nhất với nhân viên TT Bảo trợ vì không thể yêu cầu họ thay đổi cách giúp trẻ luyện tập hay xử lý khi trẻ lên cơn động kinh.
Nửa năm ở Việt Nam, ngoài làm TNV, Mark đi dạy tiếng Anh để kiếm tiền làm từ thiện và trang trải cuộc sống. Nửa năm trở về Australia, Mark xin làm việc tại một cửa hàng bán thức ăn nhanh “kiếm một ít tiền để quay lại giúp trẻ em Việt Nam”. Bởi ở Australia không có trại trẻ mồ côi, không có trẻ lang thang, cơ nhỡ; nếu có trẻ mồ côi sẽ được làm con nuôi hoặc có những TT Bảo trợ do Nhà nước tài trợ hoàn toàn. Nhận thấy trẻ em Việt Nam còn nhiều thiệt thòi nên Mark dự định sẽ tiếp tục công việc trong vai trò là TNV trong nhiều năm nữa. Ý tưởng của Mark là sau này sẽ chọn một người bạn đời có ước nguyện giúp đỡ trẻ em giống mình và “khi có con thì sẽ đưa con quay lại Việt Nam để tiếp tục công việc tình nguyện”.
… đến bảo vệ môi trường sống
Với Stephanie M’Guinness thì từ năm 7 tuổi cô đã thông thạo vai trò là TNV cứu hộ biển, nên việc cô gái 23 tuổi đến từ nước Australia này bị biển Đà Nẵng “hút hồn” và cô đăng ký tham gia TNV bảo vệ biển từ năm 2006, khi mới đến đây lần đầu là điều dễ hiểu. Công việc hiện nay của Stephanie là làm huấn luyện viên lướt sóng, bảo vệ biển bằng cách tuyên truyền về ý nghĩa của môi trường biển trong thanh niên, sinh viên và cô dành nhiều giờ trong ngày để nhặt rác trên các bãi biển Mỹ Khê, công viên Biển Đông… Khi chúng tôi thắc mắc là vì sao Stephanie không chọn công việc tình nguyện cụ thể hơn như giúp đỡ trẻ em, như Mark Witt đang làm, Stephanie cho rằng “tình nguyện không chỉ là giúp người, mà còn bảo vệ môi trường sống, vì môi trường luôn gắn với con người”.
Gia đình Stephanie ở Australia gồm bố và các anh, chị đều là TNV cứu hộ biển, riêng mẹ cô vì không thích xuống nước nên bà đảm nhiệm công việc của một TNV trên bờ. Theo Stephanie thì từ nhỏ cô đã được dạy rằng cuộc sống của mình rất tốt, hãy nghĩ đến cuộc sống của những người xung quanh. Và việc làm tình nguyện, các hoạt động từ thiện là động lực giúp mình sống tốt hơn, cũng là cách giúp mình tương tác được với nhiều người.
Và cách nhiều bạn trẻ quốc tế đang làm là tự kiếm tiền để làm từ thiện cũng là một xu hướng sống của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Và nói như Mark Witt là việc làm của cậu đã “lan tỏa”, khi nhiều người biết việc Mark và Stephanie đang làm ở Việt Nam. Hiện một cô gái người Mỹ vừa tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đăng ký qua tổ chức tình nguyện JVN, sang Đà Nẵng làm tình nguyện trong 2 tháng. Trước đó cô gái này đã làm TNV ở Việt Nam trong 4 năm. Căn nhà của Mark thuê trên đường Bắc Đẩu trở thành nơi tá túc của nhiều TNV đến từ Australia và nhiều nước trên thế giới. Xin chúc cho tình yêu với Đà Nẵng, với Việt Nam của các bạn luôn trọn vẹn, để mỗi người cùng chung tay giúp những hoàn cảnh thiệt thòi đang cần cứu giúp mỗi ngày.
HOÀNG NHUNG