.

Trung Quốc cấp học bổng cho châu Phi

.

Ở châu Phi, mọi người có thể thấy nhan nhản những câu chữ như: Trung Quốc đang tràn ngập thị trường chúng ta với hàng giả giá rẻ; Họ bắt tê giác của chúng ta; Họ xây sân vận động, đường sá nhưng không tồn tại quá 10 năm; Họ cắt giảm lực lượng lao động của chúng ta… Đó là những hình ảnh không mấy tốt đẹp về Trung Quốc trong cách nhìn của người châu Phi.

Sinh viên châu Phi ở Trung Quốc.
Sinh viên châu Phi ở Trung Quốc.

Hiện tại, hệ thống truyền thông của Trung Quốc hoạt động khá mạnh ở lục địa đen. Tân Hoa Xã là một trong những kênh thông tin chính ở châu Phi. Kênh truyền hình CCTV phiên bản châu Phi với đầy đủ ban bệ người bản xứ cũng đã hoạt động tại đây từ lâu. Chính phủ Trung Quốc cũng đã tài trợ cho cả thảy 12.000 sinh viên châu Phi sang học tập tại các trường đại học Trung Quốc. Đây là con số đáng kinh ngạc bởi không có quốc gia nào có chương trình học bổng cho châu Phi khổng lồ như vậy.

 Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi, sinh viên châu Phi làm gì ở Trung Quốc? Họ được đối xử như thế nào? Họ được lợi gì? Phần lớn họ là những người đã học xong đại học hoặc có vị trí công việc khá tốt ở quê nhà.

 Một anh chàng sinh viên Nam Phi tên là Mabasa cho biết cuộc sống của anh tại trường đại học truyền thông khá thoải mái: phòng ốc rộng rãi, ăn uống hợp khẩu vị, được tài trợ vé máy bay và có thêm 250 USD tiêu vặt hằng tháng.

Sinh viên châu Phi sang Trung Quốc có sự ngỡ ngàng. Họ có hiểu biết về châu Âu và Mỹ nhờ có mối quan hệ lâu dài ở lục địa đen nhưng với Trung Quốc vẫn còn là sự bí ẩn. Cô sinh viên người Rwanda, Gloria Magambo thật tình nói: Khi tới Trung Quốc lần đầu, tôi thực sự chẳng biết gì nên chẳng sợ gì. Khi dần hiểu họ qua lịch sử thì tôi nhận thấy có điều gì đó đáng lo ngại bởi thái độ bành trướng.

Không chỉ có chính phủ Bắc Kinh mà nhiều công ty, tập đoàn của Trung Quốc chi tiền hỗ trợ học bổng cho sinh viên châu Phi như “củ cà rốt” cho sự hợp tác lâu dài với lục địa đen. Bắc Kinh tin rằng như thế họ sẽ chiếm được quyền kiểm soát của giới lãnh đạo ở châu Phi cho nhiều thập niên tới. Phần lớn những sinh viên được hỗ trợ học bổng sang Trung Quốc là con cháu của quan chức hoặc là lãnh đạo tiềm năng. Trung Quốc đang cố xây dựng “quyền lực mềm” ở châu Phi bằng cách đào tạo những lãnh đạo bản địa chịu sự ảnh hưởng vô hình về văn hóa và truyền thông Trung Quốc.

ANH THƯ (Theo Guardian)

;
.
.
.
.
.