.

Những cảm nhận tinh tế và ấm áp về đồng nghiệp

.

Gọi Thanh Quế là nhà thơ, nhà văn hay là nhà lý luận phê bình đều được cả, anh đứng trên văn đàn bằng “ba chân”! Có lần tôi hỏi anh thích gọi là nhà gì; anh nói rằng thích gọi là “Nhà thơ”, nghe nó sang trọng hơn!

(Đọc Chân dung văn học Gương mặt & cảm nhận của Thanh Quế - Nhà xuất bản Đà Nẵ
(Đọc Chân dung văn học Gương mặt & cảm nhận của Thanh Quế - Nhà xuất bản Đà Nẵng-2013)

Gọi Thanh Quế là nhà thơ hay nhà văn đều được. Tôi đồng tình với cách gọi của Báo Văn nghệ: “Thanh Quế-cây bút của nhiều thể loại”. Đến nay anh đã có trên 30 tác phẩm, gồm tiểu thuyết, truyện, thơ, bút ký… và 3 tập chân dung văn học: Về Nam, Những kỷ niệm những gương mặt và tập Gương mặt & cảm nhận vừa mới được Nhà Xuất bản Đà Nẵng ấn hành trong quý 3 năm 2013.

Gần bảy mươi tuổi đời và năm mươi năm cầm bút, nhiều năm làm Phó Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa VI), Thanh Quế có cơ man những mối quan hệ văn chương trong nước và quốc tế. Gương mặt & cảm nhận anh viết về những nhà văn, nhà thơ đương đại, những người anh từng gắn bó và yêu mến. Có thể nói đây là một sự sàng lọc, lựa chọn kỹ lưỡng và trân trọng (có thể hiểu là nhiều trăn trở) của Thanh Quế trong mối quan hệ văn chương gắn liền với tình cảm bạn bè thân thiết. “Biết rất kỹ về họ nhưng không có sự thâm tình, không gắn với những kỷ niệm, thì khó viết được chân dung”, Thanh Quế hay nói như vậy.

Gương mặt & cảm nhận là bức tranh đa màu tập hợp 18 bức chân dung các nhà văn thuộc nhiều thế hệ: Bậc già làng Khương Hữu Dụng (Thanh Quế gọi là Già Khương) là người bạn vong niên của cụ Phan Bội Châu vào những năm 20 của thế kỷ trước; những nhà văn, nhà thơ Tế Hanh, Trinh Đường, Nguyễn Văn Bổng, Võ Quảng… là bậc thầy của nhiều thế hệ; những nhà văn chiến sĩ, Thu Bồn, Liên Nam, Nguyễn Trung Hiếu… là những người bạn cùng thời đạn bom, trưởng thành trên chiến trường chống Mỹ; tiếp nối lớp đàn anh, có Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Nho Khiêm… là những nhà văn, nhà thơ trưởng thành sau năm 1975, những cây bút đang độ chín.

Mười tám bức chân dung văn học trong Gương mặt & cảm nhận của Thanh Quế, mỗi người một vẻ hiện lên khá trọn vẹn về thân thế và sự nghiệp văn chương, thắm đượm tình người tình đời thủy chung sau trước. Có thể nói đây là những nét vẽ bằng ngôn ngữ tài hoa, những cảm nhận tinh tế và ấm áp về đồng nghiệp của Thanh Quế.

Mỗi một gương mặt ở đây cho ta thấy được cách nhìn từ bề ngoài, “Già Khương ngủ ngay trên sàn gỗ, đặt một chiếc ghế con làm bàn và ngồi bệt xuống sàn để viết”; đến sự cảm nhận tinh tế về văn chương để biết được Nguyễn Kim Huy với “Nỗi buồn tinh khiết”, hòa với nỗi lòng của “nguyên mẫu” để cùng với Trần Đình Việt “Người lặng thầm đi với thơ”, đo được những bước sóng giao thoa nhẹ tạo nên “Những chuyển động lặng lẽ” của Nguyễn Nho Khiêm.

Từ cách quan sát, tiếp cận, đọc tác phẩm và cảm nhận, Thanh Quế đi đến thẩm định văn chương. Về Tế Hanh, Thanh Quế viết: “Núi trong thơ ông không cao vời rợn ngợp, có thể chỉ là cao nguyên có bò dê thung thăng gặm cỏ. Biển trong thơ ông không dữ dội, sóng gió cuồng điên lật thuyền mà như một bến đỗ lặng sóng đón thuyền về, một bãi bờ cô đơn trước đại dương mênh mông”. Hay táo bạo hơn, Thanh Quế nhận định rằng, ở Việt Nam chỉ có Tế Hanh và Nguyễn Bính là người viết thơ tình, chứ không phải “Ông Hoàng thơ tình” Xuân Diệu. Xuân Diệu chỉ là người định nghĩa về tình yêu mà thôi.

Nếu nói mỗi gương mặt ở đây là một người mẫu, thì Thanh Quế “ăn nằm” với mẫu quá kỹ, nên biết nhiều và hiểu đến tường tận. Với Già Khương là sự hồi tưởng lại, “thấy” ông ngồi bán nước chè ở Đèo Le (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) của 70 năm trước; “gặp” một cậu bé có tên Bùi Công Minh “lêu lổng chơi nhởi” đứng mút kẹo đường đen ở chợ Cây Sanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) những năm đầu kháng chiến… Những câu chuyện đời người gần với giai thoại, giàu tính văn học và cũng chứa đựng sâu nặng nghĩa tình.

Viết chân dung văn học, Thanh Quế không dùng ngôn từ để đánh bóng tô màu, vẫn là cách dẫn dắt mộc mạc chân thành theo lối văn kể chuyện đời, chuyện văn chương, trân trọng trong từng câu chữ, nâng niu từng kỷ niệm; có gốc rễ ngọn nguồn, trong một hoàn cảnh cụ thể sinh động của từng gương mặt.

Đọc tập chân dung văn học Gương mặt & cảm nhận cùng với Về Nam và Những kỷ niệm những gương mặt của Thanh Quế, chúng ta hiểu và kính yêu thêm những người thầy, người bạn suốt cuộc đời thủy chung và khổ lụy với nghiệp văn chương.

BÙI TỰ LỰC

;
.
.
.
.
.