.

Tôi nghe tôi hát

.

Những cái nắm tay rất chặt, những giọt nước mắt xúc động đã rơi trên khuôn mặt nữ tác giả và những người bạn tù sau mấy mươi năm xa cách. Có cả sự lặng đi của những văn nghệ sĩ, những người trẻ khi được nghe những chia sẻ rất thật về những năm tháng không thể nào quên của một thế hệ yêu nước…

Tác giả Trần Duy Phương (giữa) cùng nhà văn Thái Bá Lợi và Trung Trung Đỉnh tại buổi giới thiệu sách.   Ảnh: N.D
Tác giả Trần Duy Phương (giữa) cùng nhà văn Thái Bá Lợi và Trung Trung Đỉnh tại buổi giới thiệu sách. Ảnh: N.D

Tất cả đã tạo nên một không khí thật đặc biệt tại buổi giới thiệu cuốn tự truyện “Tôi nghe tôi hát” của cựu nữ tù yêu nước Trần Duy Phương, do NXB Hội Nhà văn tổ chức vừa qua tại Đà Nẵng.

Mở đầu buổi giới thiệu sách, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã nói rằng, sau Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, Nhật ký Đặng Thùy Trâm hay Truyện và ký của Dương Thị Xuân Quý, “Tôi nghe tôi hát là một trong những cuốn sách đặc biệt nhất của một chiến sĩ, một con người đặc biệt - Trần Duy Phương”. Điều đáng quý trong văn phong của cuốn tự truyện là giọng kể trầm tĩnh, bình thản, dung dị của người viết, không lên gân, không màu mè tô vẽ. Chị kể như kể cho mình, cho bạn bè người thân của mình nghe về những gì đã trải, nhà văn Trung Trung Đỉnh nói.

Thật vậy, Tôi nghe tôi hát khá gãy gọn với hơn 200 trang, được chia làm 6 phần là Thời thơ ấu, Hội An và tuổi học trò, Thoát ly, Thương tật và những ngày tù ngục, Ngày trao trả - Lộc Ninh sau ngày ra tù, Hòa bình - thống nhất - đoàn tụ đã cho người đọc một hình dung chân thực về cuộc đời của nữ chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Trần Duy Phương (tên cha mẹ đặt) - Trần Thị Mai (tên tù) bình dị trong khốc liệt, với nỗi đau và niềm vui đan xen. Ở đó, có những cuộc đấu tranh ngoan cường của người nữ tù trước mọi thủ đoạn độc ác của kẻ thù từ nhà tù Non Nước (Đà Nẵng) đến Phú Tài (Quy Nhơn), từ Cần Thơ đến Lộc Ninh trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Ở đó có tình đồng đội - Một nguồn sáng, nguồn sức mạnh để chị có thể vượt qua mọi nỗi đau thể xác và tinh thần. Ở đó cũng có những ký ức đẹp của chị về tuổi thơ, về cha mẹ, về mái trường Trần Quý Cáp (Hội An) thân yêu… Từ Tôi nghe tôi hát có thể nhận thấy, toàn bộ tuổi trẻ của Trần Duy Phương - Trần Thị Mai là chiến đấu và chiến thắng, là tinh thần lạc quan, chan chứa tình yêu đời, yêu cuộc sống trong mọi hoàn cảnh. Chị đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù cũng như hiện tại đang chiến đấu và chiến thắng thương tật, bệnh tật.

Bìa Tôi nghe tôi hát.          Ảnh: N.D
Bìa Tôi nghe tôi hát. Ảnh: N.D

Điều còn lại tại buổi ra mắt cuốn tự truyện Tôi nghe tôi hát không phải là những phẩm bình về mặt chuyên môn của các nhà văn nhà thơ, nhà nghiên cứu về cuốn sách mới, mà là sự lắng đọng của tình đồng đội, tình người. Những chia sẻ, câu chuyện rất thật của chị Hạnh, chị Hương… những người bạn tù một thời với tác giả Trần Duy Phương, có người là nhân vật trong cuốn hồi ký đã lấy đi nước mắt của không ít người trẻ có mặt tại buổi giới thiệu sách.

Còn với nữ cựu tù yêu nước Trần Duy Phương - Trần Thị Mai, khi được hỏi về lý do viết cuốn tự truyện được viết từ máu và nước mắt, từ tuổi thanh xuân đi qua chiến tranh, từ sự vượt lên nỗi đau thương tật hiện tại, chị đã nói rằng, chị viết để tri ân cha mẹ, những người đã khuất, những đồng đội bạn tù. Chị không cầu điều gì hơn.

NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.