.

Một thời, cô gái làng Đa Mặn

.

Trần Thị Vọng sinh năm 1929, người làng Đa Mặn xã Hòa Hải. Khi có Hiệp định Geneve 1954, chị Vọng không theo chồng tập kết, ở lại chờ hai năm. Nhưng tình hình bất an, chị bồng con theo chị em lên thuyền ra khơi ra hướng Cửa Tùng, bất ngờ, bị sóng to, quần với gió bấc hai ngày hai đêm, mấy đứa nhỏ say mềm, người lớn cũng ngất ngư, sáng ra thì thấy thuyền tấp vào Vịnh Đà Nẵng! Bị bắt đưa lên phòng hỏi cung. Chị Vọng để con gái ngồi bên. Tên Tằm, điếm trưởng công an Hòa Vang mặt lạnh hỏi:

- Tại sao vượt biển?

- Tôi ra thăm chồng

- Ở trong ni lấy chồng khác không sướng sao phải ra Bắc thăm thằng chồng đói. Mi không nghe ngoài miền Bắc đói giơ xương, bảy tên cọng sản bu trên một cọng thù đủ mà không gãy sao!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chị Vọng làm bộ thảm thương, xoa đầu con gái, nói: - Mấy năm kháng chiến tôi có tham gia đánh giặc giữ làng, bị Pháp bắt bỏ tù, đẻ con ni trong tù. Nghe đình chiến, được trao trả về, mừng quá. Nhưng về đến nhà thì hay tin chồng đã đi tập kết. Nhớ chồng, thương con chưa thấy mặt cha, chị em rủ nhau đi thăm chồng.

Tên Tằm nói:

- Cộng sản nói hay lắm, nhuộm đỏ bà rồi. Dại nghe lời cộng sản, ra ngoài nớ, đàn bà hắn đẩy hết lên nông trường, không đi hắn bỏ đói chớ đừng hòng gặp chồng.

Chị mô cũng khai đi tìm chồng, nhốt mấy tháng cho về.

Năm 1965, hai cán bộ Thành ủy là chị Năm Cao và Sáu Hưng giao nhiệm vụ cho chị Vọng phụ trách một cái trạm liên lạc.

Góc cuối đường Bạch Đằng đầu đường Phạm Phú Thứ có dãy nhà của ông Tàu, không biết ổng tên chi, nhưng ông là người Tàu, nên chị em cứ gọi ông Tàu. Chị Vọng xin ông Tàu một góc chỗ hiên nhà ông để bán gạo, làm nơi tiếp đón chị em giao liên đến giao hàng và nhận hàng. Khi chuẩn bị đặt cái trạm, chị Vọng gặp lại chị Sáu, lớn hơn chị Vọng chín tuổi. Chị Vọng quen chị Sáu từ hồi kháng chiến 1 trong thời gian cùng học lớp bổ túc mấy tháng ở vùng tự do Cây Trâm - Tam Kỳ. Chị Vọng rủ chị Sáu cùng chung vốn bán gạo, hôm nào chị Vọng đi thì chị Sáu ở nhà bán. Thường buổi trưa, hết khách, chị Sáu nằm hát bài ca chị thuộc từ kháng chiến chín năm, chị em tâm sự, chuyện nhà, chuyện làm ăn, chị Vọng mời chị tham gia. Từ đó, chị Sáu là người thường xuyên trực Trạm ở góc chợ Hàn.

Trước khi nổ ra cuộc đấu tranh, xuống đường, các chị, các mẹ tập trung đến Trạm chợ Hàn, nhiều nhất là các chị bên kia Hà Thân, hầu hết là cơ sở của Sông Đà. Cứ tấp ghe vào bến, lên Trạm làm như mua gạo chờ cùng xuất quân.

Trong chiến dịch Mậu Thân - 1968, địch lệnh giới nghiêm 24/24, các anh không nhúc nhích được. Chị Năm Cao bảo chị Vọng liên lạc chỗ này, chỗ kia, lúc ở chợ Hàn, lúc lên chợ Cồn. Giao liên gọi chị Ba, địch cũng chỉ nghe cái tên Ba. Sau Mậu Thân, trong chiến dịch X2, chị Vọng ở trong nhà chị Bốn Tự, người Túy Loan, có chồng đi tập kết, nhà bán bún trên đường Ông Ích Khiêm, cạnh bến xe lam, nay là Siêu thị BigC. Nguyên đây là lò làm bún của chị Tám Chờ, chị Bốn Tự vào ở bán bún.

Chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, Sáu Hưng cùng anh em họp ở trong nhà chị Tám Chờ, cần mua sắm chi thì chị Tám Chờ đi mua, cần áo dài, chị đi may, chị lột cả chiếc nhẫn đeo tay đưa đi bán lấy tiền chi dùng cho việc công. Chị Vọng tiếp xúc với H. là giao liên của chị Năm Cao và Sáu Hưng. H. có chồng tên là L. Nghe tin L. bị bắt, chị Vọng cứ ở quanh khu chợ Hàn, nơm nớp ngóng tin. Nghĩ đi ban đêm không sợ chi, chị Vọng vừa lánh lên nhà Bảy Chàng thì công an ập vô bắt, đưa  xuống đồn quận Nhì chỗ Ngã Năm. Tên thẩm vấn khuyên:

- Bà làm những gì thì thành thật khai báo hết rồi về. Mấy tay ở Quận ủy, Thành ủy bị bắt vô đây cũng khai hết rồi, bà là con tôm, con tép, bà ngoan cố cũng vô ích, thiệt thân bà.

- Tôi ở bên Quận Ba, nghe cô em gái làm được nhà mới, qua thăm, tôi biết chi đâu mà khai với báo.

- Bà nên thành thật. Hắn tỏ ra từ tốn nói.

- Tôi biết bà là cơ sở của Sáu Hưng và Năm Cao, bà có nhiệm vụ đón đưa người từ thành phố ra chiến khu học tập, đưa cán bộ từ ngoài vào thành phố hoạt động.

Chị Vọng bình tĩnh:

- Cậu nghĩ coi, tôi có ba đứa con, một mẹ già, em thì đông, tôi điên chi làm chuyện tào lao rứa, bỏ con, bỏ mẹ ai nuôi?

Hắn trợn mắt, nhìn Vọng:

- Bà thành khẩn đi, có người khai hết rồi.Vừa nói, hắn lạnh lùng bỏ trên bàn, trước mặt chị Vọng hai cây đinh, một cây đinh đóng tường, một cây đinh bạc. Hắn chỉ cây đinh lớn hỏi, bà biết cái ni là cái chi không? Chị Vọng nói đinh đóng xông. Hắn nói chưa đúng. Hắn chỉ cây đinh nhỏ hỏi: Cái ni là cái chi? Chị Vọng nói, là cây ghim bạc. Cũng không đúng - Hắn cầm cây đinh lớn đưa trước mặt chị Vọng nói: - Chừ bà ưng cái chi. Không khai thì cái ni đóng vào đầu gối. Hắn cười ruồi, cầm cây kim bạc lên, nói - còn cái ni, bà không khai thì ghìm lên hai cái dú (vú) của bà!  

Chị Vọng rùng mình, lạnh xương sống, cố lấy lại bình tĩnh, thấy hắn còn trẻ nên gọi hắn bằng cậu:

- Cậu nghĩ bề mô tôi nhờ bề nấy. Bọn hắn đau chân, há miệng, chớ tôi đâu có làm chuyện động trời đó. Tôi là Trần Thị Ba, chị em gọi chị Ba, nhà bên Quận Ba. Tôi ở tù Pháp, hòa bình được trả tự do, bồng đứa con dại về, từ đó không có quan hệ chi với ai, suốt ngày bám cái chợ Hàn lo làm kiếm sống, sáng ra, bỏ cháu cho bà ngoại, từ Non Nước mua rau, mua khoai lên ghe về chợ Hàn ngồi bán. Chiều, xuống ghe về lại Non Nước, quần quật cả ngày mà không đủ nuôi con, làm sao biết Năm Cao, Sáu Hưng là ai. Tôi chỉ biết con đường từ chợ Cồn xuống bến xe Vườn Hoa, chợ Hàn, Non Nước. Ông nói ai khai, thì cho tôi gặp đối chất.

Tụi hắn đưa tay L. ra ngồi trên chiếc ghế trước mặt, hỏi: - Bà biết người này không? - Không biết.

Chị Vọng lắc đầu, chưa nghĩ tay L. khai, nếu khai thì đã khai những gì, biết chi mà khai?

 Răng hắn nói hắn biết bà? Tay thẩm vấn hỏi. Chị Vọng nói: - Tôi thấy hắn chớ không quen biết, chỉ biết vợ hắn đi buôn chuyến Fleiku, tôi lên nhà mua măng le, dỏ (vỏ) chay về bán lại. Chúng đánh tới tấp, chị Vọng cắn răng nói y như đã nói.

Thấy L. ngồi trơ ra trước mặt, chị Vọng biết tay này đã khai, chị  Vọng tấn lại: - Mấy ông nói thằng ni biết tôi là cơ sở, (tức quá, chị Vọng gọi L. là thằng) vậy thì các ông hỏi hắn tôi tên chi.

Tay L. nói: - Vợ tôi kêu chị là chị Ba, chị đưa tiền cho vợ tôi đóng nuôi quân.  Chị Vọng chối mạnh, nói lý:

 - Nếu thằng ni làm cho cộng sản, biết tôi thì phải biết họ tên, biết hoàn cảnh gia đình, chỉ nghe vợ kêu Ba thì biết Ba, làm sao nói tôi là cơ sở này kia, rồi vu cáo cho tôi. Hay là vợ hắn ghen với tôi rồi hại tôi!

 Chúng đưa chị Vọng xuống cảnh sát Gia Long đánh. Đưa qua nhà giam Thanh Bình, lại đánh tra, đem ảnh Sáu Hưng, ảnh Năm Cao ra hỏi biết ai đây không, chị Vọng nói không biết, hắn đưa ra bảy tấm ảnh của giao liên, hết bốn đứa từng đến chỗ quầy bán gạo của chị Vọng ở chợ Hàn, chị Vọng cũng lắc đầu. Hắn hỏi chặn họng, nói như thấy, làm chị Vọng hoảng: -Thằng L., con H. nói bà thu tiền nuôi quân, bà còn chối sao đây?

- Trời đất, nói chi mà ác! Chị Vọng giả chết:

- Chắc bọn hắn hiểu lầm, có khi là bọn hắn thấy tôi hằng ngày bỏ gạo cho mấy bà bán hàng trong chợ Hàn (chị Vọng nói tên toàn mấy bà vợ cảnh sát, vợ trung úy biệt động, vợ đại úy dù), hết buổi chợ tôi đi thu tiền của mấy bả.

Hắn lại vặn:

- Vậy thì tiền chi bà đưa cho con H. đi nộp, con H. khai là tiền nuôi quân chị Ba thu được, bảo mang đi nộp?

- Nói bậy rứa chết tôi mất. Mẹ con H. gặp trên đường nhờ tôi đưa tiền cho con H., có biết hắn đưa tiền cho ai?

 Làm cung mấy ngày ở  Ty Gia Long, tưởng yên, nhốt bốn ngày, lại còng tay, bịt mắt, đưa đi. Chúng còng hai người một còng số 8, cùng còng với chị Vọng tưởng ai, hóa ra Hoa giao liên. Chúng tống vào xà lim thì biết, lại bị đưa xuống địa ngục trần gian Thanh Bình.

Một hôm, lại bị đưa lên phòng thẩm vấn, chị Vọng một mực khai đi khai lại như khai từ đầu. Chúng bắt chị Vọng đứng áp mặt vào tường, lấy cây dùi cui bằng cao su đánh lên đầu, vừa đánh vừa ngăm:

- Cái đầu ni còn cứng, tau đưa đi đảo…

Bao nhiêu năm đã qua, người phụ nữ “cứng đầu” năm xưa hiện giờ sống với người con gái ở cạnh chợ Mới, Đà Nẵng vẫn nhớ thuộc lòng cái trạm liên lạc nhỏ bé năm nào ở góc chợ Hàn…

HỒ DUY LỆ

;
.
.
.
.
.