Có lẽ không ai làm nghề nuôi dạy trẻ lại không biết bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết về nghề mình mà ca từ có những câu gợi nhiều hình ảnh như Cô yêu từng đôi mắt sáng. Long lanh như những giọt sương...
Cô và cháu Trường mầm non 1-6 trong một tiết mục văn nghệ chào mừng năm học mới 2014 – 2015. (Ảnh do nhà trường cung cấp) |
Năm 1998 cô Nguyễn Thị Bảy tốt nghiệp trung cấp sư phạm, về Trường mầm non (MN) Măng Non phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, năm sau cô được phân công ra phụ trách lớp MN ngoài làng Vân. 5 giờ sáng cô rời nhà ở Kim Liên lên chân đèo Hải Vân, từ đó đi bộ chui qua hầm xe lửa, vượt qua một đoạn đường ray gần 4km rồi thả dốc khoảng nửa cây số mới vào đến làng. Đến 3 giờ chiều, cô lại quay ngược trở về. Mỗi lượt đi về như thế mất gần 2 giờ, đến năm 2001 cô còn phải bế con 3 tháng tuổi ra ngoài làng nên mất nhiều thời gian hơn.
Mãi đến năm 2011 cô mới vào lại đất liền, sau khi Hòa Hiệp được tách thành hai phường và Trường MN Măng Non tách ra thành lập Trường MN Hướng Dương thuộc phường Hòa Hiệp Bắc. Điều mà ai cũng phục lăn là tuy vất vả như thế nhưng cô vẫn tranh thủ đi học và lấy bằng đại học vào tháng 7-2013. Chính sự nỗ lực của cô đã góp phần làm cho đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trường Hướng Dương được công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Cô hiện là cụm trưởng cơ sở 3 Kim Liên, dạy mẫu giáo bé, con trai cô ngày nào còn ẳm ngửa giờ đã học lên lớp 8.
Hiệu trưởng Trường MN Hướng Dương lúc đó là cô Đặng Thị Bờ. Sau khi tốt nghiệp năm 1985, ròng rã 6 năm đạp xe từ nhà ở Hòa Hiệp vào đến Hòa Thọ dạy mẫu giáo, ngẫm lại cô thấy mình so với cô Bảy không là gì cả. Từ đó, cô tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng cô giáo một và tạo điều kiện để họ có thể vươn lên trong nghề nghiệp và cuộc sống.
Trường Hướng Dương đạt chuẩn mức độ 1 xong, cô Bờ được chuyển về làm hiệu trưởng Trường MN 1-6, phường Hòa Khánh Nam. Hướng Dương được xem là trường mầm non “vùng sâu, vùng xa” của Liên Chiểu, quận phải đầu tư vào đây trên 3 tỷ đồng mới nâng tầm cơ sở vật chất đạt chuẩn. Trường 1-6 ở trung tâm quận nên việc xây dựng trường chuẩn quốc gia có nhiều thuận lợi hơn. Trường có 27 giáo viên và 3 cán bộ quản lý, tất cả đều đạt chuẩn, trong đó có 80% đạt trên chuẩn.
Trường 1-6 đóng chân trên đường Nguyễn Đình Trọng, gần chợ Hòa Khánh, nhưng lại có những 2 cơ sở lớp lẻ với 3 lớp ở tổ dân phố 201 Đà Sơn và 2 lớp ở tổ dân phố 163 Khánh Sơn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học tại hai cơ sở phụ này còn hạn chế so với quy định. Vừa qua, Phòng GD&ĐT quận đã đầu tư trên 250 triệu đồng xây dựng tại cơ sở Đà Sơn một bếp ăn theo quy trình một chiều và công trình vệ sinh, trên 200 triệu đồng xây dựng tường rào cổng ngõ cơ sở Khánh Sơn.
Từ đó, bữa ăn cho trẻ nấu ở bếp ăn Đà Sơn được chuyển với cự ly chưa đến một cây số lên Khánh Sơn. Phụ huynh ai cũng mừng. Theo cô Bờ, để tạo điều kiện cho phụ huynh hai khu vực Đà Sơn, Khánh Sơn vốn còn đang khó khăn có thể gửi con bán trú, nhà trường đã quyết định mức thu bán trú ở hai cơ sở này nhẹ hơn so với cơ sở chính.
Các địa điểm của Trường 1-6 được đặt tại trung tâm dân cư, thuận tiện cho trẻ đến trường, bảo đảm các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường. Diện tích sân chơi cho trẻ ở 3 cơ sở đạt 2.253m2, trong đó 2 cơ sở phụ cũng đạt 1.000m2, được thiết kế an toàn, đẹp đẽ, phù hợp với lứa tuổi mầm non. Phụ huynh trong lúc chờ đón trẻ có thể “đốt thời gian” bằng cách nhìn ngắm những tác phẩm cây cỏ được cắt tỉa mỹ thuật trong sân trường hoặc dõi theo con em mình đang chăm sóc cây xanh trong khu vườn dành riêng cho trẻ.
Một trong những tiêu chuẩn hàng đầu trong xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia là đội ngũ giáo viên và nhân viên. Từ thực tế, cô Lữ Thị Kim Hoa, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu nhìn nhận rằng: “Giáo viên MN hiện quá thiệt thòi, cả hệ thống ngành MN chỉ có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là được vào biên chế, còn lại đều thuộc diện hợp đồng trong ngân sách. Nhà chỉ có một trẻ nhỏ mà người nhà đã vã mồ hôi rồi, huống gì một lớp 2 cô chăm sóc trên dưới 30 cháu, lo tất tần tật mọi việc cho từng cháu như một người mẹ, từ chuyện trái nắng trở trời cho đến việc ăn uống, vệ sinh. Chỉ cô giáo có tấm lòng như mẹ hiền mới làm được điều đó”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mở lớp bán trú mầm non là nhiệm vụ chính trị, nhưng các nhân viên cấp dưỡng của lớp lại không hưởng lương từ ngân sách mà nhận một khoản tiền được “rứt” ra từ suất ăn của các cháu, sau khi thỏa thuận được với phụ huynh. Hè đến, không có lớp bán trú và họ không có thu nhập, nhà trường phải trích chút ít gọi là để giữ chân họ. Xét cho cùng, nhân viên cấp dưỡng trường mầm non cũng là cô giáo, bởi họ lo trực tiếp cái ăn, nghĩa là góp phần giáo dục thể chất cho các cháu, nhưng thực tế họ vẫn chưa có được chính sách đãi ngộ nào từ phía Nhà nước.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, Trường MN 1-6 tổ chức lễ đón Bằng công nhận Trường MN đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, nâng số trường MN đạt chuẩn trên toàn quận lên 6/7 trường. Hiện còn một trường đang phấn đấu đạt chuẩn mức độ 1 vào năm học 2015 - 2016, đó là trường MN Sơn Ca, vừa tách ra từ trường MN Họa My, phường Hòa Khánh Bắc.
Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng đã có lần chia sẻ với báo giới rằng, một trong những tiêu chuẩn để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là có nhiều “mẹ hiền” đúng nghĩa trong ngôi nhà chung có tên là trường MN. Đó là những ngôi trường có những cô giáo vì yêu từng đôi mắt sáng của bé thơ mà đi bộ, đạp xe đạp, đến sớm về muộn… với trái tim chan chứa yêu thương của một mẹ hiền.
VIÊN PHÚC QUÂN