Đà Nẵng cuối tuần

Giá dầu giảm có lợi cho kinh tế toàn cầu

07:06, 06/12/2014 (GMT+7)

Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định giá dầu xuống thấp là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế toàn cầu dù gây thiệt hại cho một vài nước hay công ty xuất khẩu dầu. Khi giá dầu giảm đi 30% thì nền kinh tế của các nước đã phát triển tăng khoảng 0,8% bởi vì phần lớn họ (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc) là các nước nhập khẩu dầu.

Những nước bị thiệt hại là Nga, Iran, Venezuela và Nigeria. Dầu mỏ chiếm tới 96% doanh thu xuất khẩu của Venezuela nên giá dầu giảm sẽ khiến nền kinh tế vốn khó khăn càng khó khăn hơn, ngoại tệ giảm sút và hàng hóa khan hiếm.  

Bà Tổng Giám đốc IMF, Christine Lagarde.
Bà Tổng Giám đốc IMF, Christine Lagarde.

Giá dầu thế giới đã giảm 40% từ giữa tháng 6 tới nay nhưng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) tuần trước vẫn quyết định không cắt giảm sản lượng dầu. Tác động hai chiều từ giá dầu giảm mạnh trong nửa năm qua. OPEC đã thất thu khoảng 590 tỷ USD doanh thu từ dầu. Ngược lại ở các nước châu Âu, Nhật Bản và nhất là Mỹ có được dòng tiền lớn bơm vào thị trường.

Ở Mỹ, người dân bắt đầu bước vào mùa mua sắm mạnh nhất trong năm. Mỗi ngày, những người lái xe ở Mỹ tiết kiệm được 630 triệu USD tiền xăng nếu so với giá hồi tháng 6. Phần lớn số tiền này được đổ ra thị trường mua sắm. Những người nghèo có thể đủ tiền để mua thực phẩm, quần áo và các nhu yếu phẩm khác.

Giá dầu giảm có thể làm chuyển biến một số vấn đề lớn trên thế giới. Nền kinh tế Iran vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu dầu đã làm cho lệnh cấm vận kinh tế thêm nặng nề và gây sức ép lên chính phủ về việc phải đạt thỏa thuận trong chương trình hạt nhân. Nền kinh tế Venezuela thêm lao đao khi doanh thu từ dầu giảm mạnh khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc trợ cấp giá nhiên liệu, kiểm soát giá cả và các chương trình phúc lợi xã hội. Đồng rúp của Nga đã giảm giá trị 8%.

Giá dầu giảm mạnh gây tác hại tới nền kinh tế Nga còn nặng nề gấp hơn 2 lần so với lệnh cấm vận mà châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga. Ngoài ra, giá dầu giảm sẽ tác động tới chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ hay các ngân hàng trung ương châu Âu và Nhật Bản tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ.

Dầu đá phiến của Mỹ cũng là nguyên nhân có thể khiến giá dầu tiếp tục giảm nữa. Dầu đá phiến có sản lượng không đáng kể cách đây 6 năm nhưng giờ đây đã là 4 triệu thùng mỗi ngày. Sản lượng này gần bằng một nửa sản lượng của nước xuất khẩu dầu mạnh nhất OPEC là Ả Rập Xê Út (9,7 triệu thùng/ngày) và lớn hơn bất cứ các nước khác trong OPEC. Dầu đá phiến của Mỹ cũng khiến các dự án khai thác dầu khác như dầu cát của Canada phải giảm bớt hoặc hoãn lại. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Bijan Namdar Zanganeh cho rằng đây là điều không tốt cho OPEC. Dầu đá phiến của Mỹ là vấn đề nghiêm trọng không phải vài tháng mà là vài năm với OPEC.

TỊNH BẢO (Theo Washington Post, Reuters)

.