Đà Nẵng cuối tuần

Không bao giờ bỏ cuộc

07:07, 18/01/2015 (GMT+7)

“Je suis Charlie” - “Tôi là Charlie”, cụm từ đơn giản, dễ nhớ, trở thành  một khẩu hiệu bày tỏ sự đồng lòng chia sẻ, ủng hộ của hàng ngàn người xuống đường sau vụ thảm sát ngày 7-1-2015 tại  văn phòng của tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ở Paris, Pháp. Trong số 12 người thiệt mạng, có 4 họa sĩ biếm họa nổi tiếng: Stéphane Charbonnier, Cabu, Wolinski và Tignous.

Mọi người trong cuộc tuần hành tại Paris với khẩu hiệu “Je suis Charlie” ngày 11-1-2015.
Mọi người trong cuộc tuần hành tại Paris với khẩu hiệu “Je suis Charlie” ngày 11-1-2015.

Stéphane Charbonnier với bút hiệu biếm họa Charb, người ủng hộ lâu năm của Đảng Cộng sản Pháp - cây bút vẽ đả kích thời sự, chính trị và là chủ bút tuần báo trào phúng Charlie Hebdo.  Stéphane Charbonnier sinh ngày 21-8-1967 tại Conflans-Sainte-Honorine, Pháp. Ông được biết đến qua những tranh minh họa và biếm họa kích thích tư duy người xem và thường gây tranh cãi. Trước đây, Charb làm việc cho nhiều tờ báo, gồm Charlie Hebdo, L’Echo des Savanes, Télérama, L’Humanité. Ông gia nhập Charlie Hebdo vào năm 1992 và là chủ bút một tờ báo này từ năm 2009 cho đến khi qua đời vừa qua.

Stéphane Charbonnier (Charb)
Stéphane Charbonnier (Charb)

Ngày 2-11-2011, văn phòng tuần báo Charlie Hebdo đã bị bom xăng ngay trước khi phát hành số báo ra ngày 3-11; sau đó Charb và hai đồng nghiệp ở tuần báo Charlie Hebdo nhận được sự bảo vệ của cảnh sát. Tháng 9-2012, một người đàn ông đã bị bắt giữ tại La Rochelle vì bị cáo buộc đã đòi xử tử Charb tại một trang web Jihad. Cũng vào năm nay, trong một cuộc phỏng vấn báo chí, Charb nói rằng “Tôi không sợ bị trả thù, tôi không con, không vợ, không xe hơi, không có thẻ tín dụng. Nói ra, có lẽ một phần kiêu ngạo, nhưng tôi thích chết trên đôi chân của mình hơn là phải sống bằng đầu gối”.

Sau nhiều tranh đả kích các phần tử Hồi giáo cực đoan in trên báo, tên Charb được đặt trên danh sách “tử thần” của Al-Qaeda từ năm 2013.  

Georges Wolinski (Wolinski)
Georges Wolinski (Wolinski)

Thứ đến là Wolinski, tên đầy đủ Georges Wolinski, họa sĩ biếm họa, một trong những nhân vật được kính trọng trong ngành báo chí Pháp. Ông sinh năm 1934 tại Tunis, mẹ người Tunisia-Do Thái và cha người Ba Lan gốc Do Thái. Khi gia đình chuyển tới Pháp vào năm 1948, nghĩa vụ quân sự bắt buộc đã đưa Wolinski đến Reggane, một thị trấn Algeria ở sa mạc Sahara; ở đó ông thấy áp phích quảng cáo cho một tạp chí châm biếm mới hằng tháng, Hara-Kiri (về sau tờ báo đổi tên: Charlie Hebdo). Ông đã gửi một vài bản vẽ mẫu đến văn phòng báo ở Paris. Lâu dần, ông trở thành một cộng tác viên thường xuyên.

Jean Cabut (1938), bút hiệu “Cabu”, là một họa sĩ biếm họa, nhân viên và có cổ đông tại Charlie Hebdo. Cabu bắt đầu học nghệ thuật tại École Estienne ở Paris và bản vẽ của ông được xuất bản đầu tiên vào năm 1954 trong một tờ báo địa phương. Chiến tranh Algeria buộc ông phải nhập ngũ trong quân đội trong hơn hai năm và tài năng của ông đã được sử dụng trong các tạp chí quân đội Bled và Paris Match. Năm 1960, sau khi rời quân đội, ông trở thành một trong những người sáng lập của tạp chí Hara-Kiri.

Jean Cabut, bút hiệu
Jean Cabut, bút hiệu "Cabu" với tranh biếm họa nhân vật Le Grand Duduche.

Tháng 2-2006, một tranh biếm của Cabu  xuất hiện trên trang bìa của Charlie Hebdo gây ra nhiều tranh cãi và một vụ kiện. Từ tháng 9-2006 đến tháng 1-2007, một triển lãm mang tên Cabu và Paris được tổ chức bởi Hôtel de Ville, Paris.

Bernard Verlhac (sinh năm 1957) nổi tiếng với bút danh - “Tignous”, họa sĩ biếm họa Pháp, nhân viên của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo.Verlhac bắt đầu làm việc tại Charlie Hebdo vào năm 1980. Ông cũng là cộng tác viên cho tạp chí tin tức hằng tuần Marianne Fluide Glacial. Ngoài ra, ông đã vẽ cho Télérama L’Echo des Savanes.

Bernard Verlhac, bút hiệu “Tignous”
Bernard Verlhac, bút hiệu “Tignous”

Trả lời phỏng vấn ABC News,  bà Chloe Verlhac, vợ của họa sĩ biếm họa Bernard Verlhac - “Tignous”, một trong số 12 nạn nhân của vụ tấn công nói “Chồng tôi và những họa sĩ biếm họa của tạp chí Charlie Hebdo không bao giờ sợ hãi - họ luôn luôn là những người chống đối lại sự đe dọa đến từ nhóm người cực đoan hay khủng bố”.

Thứ tư, 15-1, đúng một tuần lễ sau vụ thảm sát, ấn bản tuần báo châm biếm Charlie Hebdo số mới nhất do những nhân viên sống sót của tờ báo thực hiện, chính thức phát hành với số lượng 5 triệu bản (gấp 83 lần số lượng bình thường) và đã bán hết chỉ trong vòng mấy phút. Hàng ngàn người dân Paris xếp thành hàng dài từ sáng sớm ở các sạp báo. Ông Jean-Baptiste Saidi, tài xế xe phân phối báo Charlie Hebdo nói với phóng viên AP “Công việc phát hành báo số này đã làm ấm lòng chúng tôi bởi vì chúng tôi tự nhủ rằng, Charlie Hebdo không bao giờ bỏ cuộc”.

HOÀNG ĐẶNG

.