Đà Nẵng cuối tuần
Bí đao trị nám
Bí đao vốn được các bà nội trợ mua làm thực phẩm nấu canh hay xào ăn hằng ngày. Ngoài ra bí đao còn có thể chế biến làm thuốc chữa nám, làm đẹp da mặt.
Bí đao còn gọi bí phấn, bí xanh, tên khoa học Benincasa hispida. |
Bí đao còn gọi bí phấn, bí xanh, tên khoa học Benincasa hispida (Thunb.) Cogn., thuộc họ Bầu bí – Cucurbitaceae.
Theo Đông y, bí đao tên chữ Hán là Đông qua, có khí lạnh, vị ngọt không độc. Công hiệu của nó trừ được chứng nóng, tiêu được chứng khát, lợi tiểu tiện, mát tim, giải nóng ở mặt, đầu, tiêu được ung nhọt vì độc nóng quá, thông lợi đại tiểu trường, giải được độc tố của đá hay kim loại, chữa bệnh bụng trên phù trướng, và mọi chứng lâm lịch (đái buốt, đái khó), chỉ cần giã vắt nước uống rất hay.
Ruột bí đao dùng tươi, giã nhỏ, vắt lấy nước uống chữa chứng phiền táo, khô khát, hoặc dùng rửa mặt trị được những nốt mụn nhỏ, hay vết nám đen, nó có thể làm cho da thịt hồng hào trắng bóng, nhan sắc tươi đẹp hơn lên.
Hạt bí đao vị ngọt, tính bình, không độc, chữa được chứng buồn bực không vui, cùng chứng mụn mọc ở mặt làm xấu làn da, có thể làm cho người ta vui tươi, đẹp đẽ, hồng hào. Thịt quả bí đao nấu canh ăn hằng ngày cũng rất tốt nhưng dùng nhiều thì người sẽ gầy bớt đi (nên chữa được béo phì). Vì vậy, những người có tạng gầy, đau lâu ngày, thận âm hư thì không nên dùng.
Xin giới thiệu một bài thuốc chữa nám trong cuốn Tinh hoa dưỡng sinh cổ truyền Trung Hoa (NXB Y học, Hà Nội, 1994, vốn là sách dịch từ nguyên bản Thực dụng kiện thân dưỡng sinh đại toàn của Trung Quốc), có kèm theo một số ý kiến bình luận của chúng tôi.
“Thuốc rửa mặt bằng bí xanh” (Đông qua tẩy diện dược): Thuốc này dùng chữa mặt không trơn sạch, da lại sạm đen. Bài thuốc rút từ “Ngự dược viện phương” của Hứa Quốc Trinh đời Nguyên.
Cách chế: Bí xanh một quả, dùng dao nứa gọt bỏ vỏ xanh, cắt thành miếng. Lấy nửa lít nước, nửa lít rượu hòa vào nhau. Bỏ bí xanh vào luộc cho rục, lọc bỏ bã lấy nước, sắc tiếp cho nước cô đặc, thêm 250g đường trắng, đun tiếp một lúc. Sau đó đựng vào bình để dùng dần. Khi dùng, lấy một ít trộn với lòng trắng trứng gà tươi thoa lên mặt, xoa cho mặt nóng lên.
Theo tra cứu của chúng tôi, trong sách Bản thảo cương mục (bản Hán văn) có bài thuốc tương tự ghi xuất xứ từ “Thánh tế tổng lục” và có vài điểm khác là không thêm đường khi chế và không trộn lòng trắng trứng khi dùng.
Thực tế, việc dùng dao nứa hay dao cật tre không nhất thiết bắt buộc, có thể thay bằng dao inox vì trong bào chế đông y thường tránh dùng dao sắt cho một số vị thuốc có thành phần phản ứng với oxyt sắt như tanin chẳng hạn. Ngoài ra, để rút ngắn thời gian bào chế, có thể giảm lượng nước rượu lại, nếu cho vào nồi áp suất để nấu.
Theo chúng tôi, trộn đường vào cao thuốc chỉ để bảo quản thuốc lâu không hư, nếu có điều kiện bảo quản lạnh thì không cần thêm đường, tránh cảm giác dính rít khi sử dụng sau này. Việc trộn thêm lòng trắng trứng cũng không cần thiết. Thật ra, chỉ cần kiên trì sử dụng nước cốt bí đao theo cách chế ở trên hoặc dùng tươi sống (nên nhớ dùng cả phần thịt quả lẫn ruột) để bôi xát, tắm rửa đã có thể làm tươi nhuận da dẻ, cải thiện dung nhan rất nhiều.
Lưu ý: Theo nguyên tắc điều trị chỉnh thể, các chứng nám da hay rối loạn sắc tố có liên quan đến các tạng phế, can (phế chủ bì mao, can chủ sơ tiết) nên việc điều trị nội khoa bằng các bài thuốc tư dưỡng khí huyết, nhuận phế, sơ can là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nếu có sức khỏe bình thường, không thấy kèm bệnh gì khác thì bạn đọc hãy mạnh dạn thử dùng hằng ngày bài thuốc trị ngoài bằng bí đao nói ở trên trong một vài tháng. Chúc các bạn sớm chữa được các vết nám và có được làn da như ý.
PHAN LANG