Đà Nẵng cuối tuần
Tết để thương nhau
Ngoại thường nói vậy mỗi khi thấy cậu càu nhàu sắp Tết đến nơi rồi mà không thấy ai trả nợ. Cậu có đầm cá lớn, ngày nào cũng có người đến cân buôn chịu.
Dân buôn nợ nhiều còn dễ đòi chứ dân làng hàng xóm nợ lẻ tẻ vài chục, vài trăm mở lời cũng ngại. Ngoại bảo “nhà người ta nghèo, Tết đến lo mua manh áo mới cho con đã cực. Mình đòi người ta vài chục mình cũng đâu có giàu. Nghĩ tội…”.
Mắt ngoại rơm rớm nhìn phận nghèo mà thương nhớ ngày xưa. Cái ngày ông bà mới ra ở riêng, vài sào ruộng không đủ nuôi mấy đứa con suốt ngày đau ốm. Cả năm dài ngoại cứ vay chỗ này đắp đậy chỗ kia, đến Tết là lo cuống cuồng không biết xoay đâu ra tiền để trả hết nợ lớn, nợ bé. Từ 23 Tết đã thấy có người ngấp nghé ở cổng, ai thương thì nói nhẹ “ráng thu xếp cho em xin tiền, em sắm Tết cho con”. Mà ai không thương thì mặt mày đăm đăm, dọa không trả sẽ cạn tình cạn nghĩa.
Nên có những năm ngoại vét sạch cửa nhà, đến con gà trống để dành cúng giao thừa cũng phải mang ra chợ bán mới có tiền trang trải nợ nần. Ấy vậy mà những người nghèo nhất vẫn giàu tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Khi Tết bưng cho nhau bát canh măng, sai trẻ con mang sang mấy cái nem rán còn nóng hổi. Nhà này gói nhiều bánh chưng hơn phần nhà kia. Bên nhà ấy chiều ba mươi Tết còn bận chạy vòng quanh xóm giúp mấy cụ già neo đơn dọn dẹp bàn thờ, bổ thêm củi, đào sẵn hai gốc mía làm lộc Tết…
Mấy chục năm qua, đời sống đã đổi thay nhiều vậy mà nhìn quanh sao vẫn không hết người nghèo. Cứ giáp Tết lại có người đến rao bán lúa ngô, mấy chục trứng gà hoặc đàn chó con mụ mẫm. Cũng có người đến định hỏi vay tiền nhưng ngượng nghịu lại cắp nón ra về. Ngoại nhìn theo dáng những người đàn bà cơ cực, tảo tần mà thương thắt ruột. Nên tôi hay thấy cảnh tượng ngoại chạy theo ai đó, dúi vào tay họ ít tiền bảo “cứ cầm về lo Tết cho con, nợ nần tính sau, đừng ngại”.
Đi chợ Tết ngoại thường không mặc cả, vài mớ rau, cuộn lá dong, mấy lạng đỗ xanh, buôn bán gì đâu toàn là của nhà làm ra, có đáng là bao mà thêm bớt vài nghìn của họ. Tết cũng là dịp để cảm thông, chuyện cũ cho qua hề hà đón năm mới đến. Đi ăn đụng lợn mà thịt có mỡ cũng tặc lưỡi bảo nhau “mỡ có cái lợi của mỡ”. Mấy chậu hoa mua về chơi Tết, người bán cam kết đoàng hoàng ấy vậy mà về nhà chưa được vài ngày hoa tàn đằng hoa, rễ nhũn đằng rễ.
Mang hoa đi vứt buông tiếng thở dài, thôi thì cứ nghĩ chắc tại mình không biết cách chăm. Bó hương đắt tiền mua tận dưới thị xã, đúng đêm giao thừa mang thắp cho tổ tiên ai ngờ tắt rụi. Cậu nổi đóa mắng độc đứa nào đến hương nhang còn làm giả, bà bảo “thôi mà, cũng vì mưu sinh cả”.
Đối với người ngoài còn thương nữa là anh em ruột thịt. Đứa này rách thì đứa kia đùm, con mình ngày Tết có miếng ngon thì cháu mình cũng phải có manh áo ấm. Tết ngồi quây quần bên nhau không nhắc chuyện buồn đau, được mất. Ngoại bảo đừng chỉ chăm chỉ dọn dẹp, bày biện trong nhà ngoài ngõ mà ngay ở lòng mình cũng phải mới tinh tươm. Bao nhiêu năm tôi lớn lên xa nhà đón Tết với người dưng, niềm vui ít dần đi trước dâu bể cuộc đời. Nhưng tôi vẫn luôn nhớ câu “Tết để thương nhau” của ngoại bởi muốn tự sưởi ấm lòng trước dòng chảy mưu sinh…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG