Chuyên đề

Lặng lẽ một nghề

16:21, 23/01/2015 (GMT+7)

Những người thợ làm việc trong lòng cống thâm u, hun hút, dài như vô tận; những chị quét rác liêu xiêu, gầy guộc trong chiếc áo phản quang lấp lánh giữa đêm lạnh, bóng đổ dài xuống mặt đường loáng nước… Tất cả đang cần mẫn cho giấc mơ đèn sách của con trẻ và niềm tự hào được góp phần làm đẹp thành phố.

Anh Đinh Công Hoàng đang làm việc dưới một tuyến cống đường Nguyễn Tất Thành.
Anh Đinh Công Hoàng đang làm việc dưới một tuyến cống đường Nguyễn Tất Thành.

Không mặc cảm về công việc của mình

Mặc dù đã có thâm niên 10 năm làm việc trong lòng cống, anh Nguyễn Đình Thái (công nhân vệ sinh của trạm xử lý nước thải Phú Lộc) vẫn rợn người mỗi khi nắp cống mở lên, để lộ dòng nước đen, đặc quánh, bóng nhẫy sền sệt trôi như con trăn khổng lồ đang nhích từng chút một dưới lòng thành phố.

Anh ví von mùi cống nồng nặc xộc vào mũi và xông thẳng lên não tựa cảm giác lúc ăn mù tạt được pha quá tay: “Khó chịu lắm, chỉ muốn hắt ra, đẩy ra nếu không thì chết bởi mùi hôi thối vượt ngưỡng chịu đựng của mình”. Sau hành trình 10 năm tập “làm quen”, đến nay anh Thái vẫn có cảm giác lồng ngực muốn nổ tung nếu đứng quá lâu dưới lòng cống bởi không khí đặc quánh chung quanh.

Mùi cống có khả năng lan rộng trong bán kính vài km, khiến người đi đường phải tăng ga đi thật nhanh hoặc đưa tay lên che mũi. Thế nhưng, mùi này vẫn dịu nhẹ hơn rất nhiều khi đứng cạnh miệng cống.

Khi người thợ cắm chiếc xẻng vào tảng bùn rác đã ngâm ủ trong thời gian dài thì mùi hôi thối dường như khiến không khí đông lại thành từng mảng rắn. Môi trường làm việc độc hại buộc những người công nhân thoát nước cứ 5 hoặc 7 phút phải trồi lên để hít thở khí trời mặc dù việc thay nhau chui xuống lòng cống ngốn không ít thời gian của ca làm.

Theo anh Nguyễn Trình (công nhân vệ sinh Trạm Xử lý nước thải Phú Lộc) những tuyến cống đáng sợ nhất là nơi chứa nước thải từ các khu dân cư. Nhiều hộ dân trong thành phố hiện nay vẫn đi vệ sinh trực tiếp ra sông hoặc các cống lộ thiên. Điều này khiến nước cống không chỉ có màu đen mà còn xanh lờ nhờ.

Rất nhiều công nhân mới vào nghề la bải hoải khi thấy “vàng tự nhiên”, xác động vật… trôi bềnh bồng trước mặt. Tại những tuyến cống nước dâng đến bụng, thậm chí mấp mé cổ thì những chướng ngại vật trên càng làm cho công việc thêm hãi hùng.

Anh Đinh Công Hoàng (công nhân vệ sinh Trạm Xử lý nước thải Phú Lộc) cho biết: “Mặc dù công việc gắn liền với chất thải, công nhân thoát nước chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ hay mặc cảm về công việc của mình. Bởi, bằng sự cần mẫn, có trách nhiệm của mình, chúng tôi đã giúp khơi thông dòng chảy, bảo đảm nước bẩn, tanh hôi không tràn ra đường, ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố cũng như sức khỏe người dân”.

Chị Trần Thị Hồng trong ca trực bắt đầu lúc 3giờ sáng.Ảnh: M.C.M
Chị Trần Thị Hồng trong ca trực bắt đầu lúc 3giờ sáng.Ảnh: M.C.M

Ước mơ con được làm việc với máy vi tính    

Cuộc sống ngày càng hiện đại dường như khiến thời gian ngủ mỗi đêm của thành phố rút ngắn lại. Thành phố thức khuya hơn và bị đánh thức sớm hơn bởi tiếng chổi quét đường. Phía sau tiếng chổi quét còn là rất nhiều âm thanh không lời, là sự mong ngóng viên thuốc và bàn tay chăm sóc từ vợ của người chồng tàn tật, là nỗi lòng người con xót xa khi biết mẹ đang gồng mình quét dọn mặc cho cái lạnh tê tái.

Suốt 8 năm nay, ca làm việc của chị Trần Thị Hồng, công nhân Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà, luôn bắt đầu từ 3 giờ sáng. Theo chân chị trong buổi sáng mùa đông vẫn còn âm u tối, mưa lất phất rơi khiến cái rét như kim châm thêm sắc ngọt mới hiểu hết nhọc nhằn của nghề quét rác. Trời mưa, một mình chị cô độc trên những tuyến đường thênh thang, giấy rác, lá cây rụng bết dính xuống mặt đường khiến nhát chổi chị đưa càng thêm nặng nề, chậm chạp.

Trên những tuyến đường có công trình xây dựng, đá, cát, sạn sỏi rơi rải rác theo từng chuyến xe khiến công việc của chị càng thêm vất vả. Chị khẳng định, so với mùa hè thì trời rét mướt, mưa phùn là điều kiện làm việc… lý tưởng.

Trong những ngày oi bức, cả thành phố như đang bốc hơi, tất cả đều khô khốc, kể cả cát bụi. Cát, giấy vụn, túi ni-lông cứ xoay vòng dưới chiếc chổi tre rồi lại nằm xuống vị trí cũ. Con đường vì thế mà cứ như dài vô tận.

Với chị Ông Thị Mỹ Linh, công nhân Xí nghiệp môi trường Thanh Khê thì nỗi vất vả của chị không nằm ở những tuyến đường rộng thênh thang, không phải là chiếc xe chở rác nặng nề, rác chất cao quá đầu chỉ chực chờ đổ ập xuống người.

Chị sợ nhất là bàn tay đưa lên che miệng, bịt mũi và tiếng gọi giật giọng của người đi đường: “Rác…” để chị né người tránh túi rác đôi khi nằm gọn gàng trong xe, đôi khi đi chệch, vỡ tung tóe ra đường. Chị lại lầm lũi dọn chứ không một lời than trách, bởi “người vứt rác đã phóng xe đi mất rồi, biết than với ai?”.

Chị Linh là trụ cột của một gia đình có chồng bị tai biến nằm một chỗ, con gái lớn bị động kinh, tay chân teo rút từ nhỏ. Chị cẩn thận, kiên trì, không quản khó khăn để tuyến đường mình phụ trách luôn luôn sạch đẹp, nhận được thu nhập xứng đáng với công sức bỏ ra để nuôi dưỡng tốt người con trai đang học lớp 7, để hướng đến ước mơ duy nhất: “Con mình về sau sẽ được làm việc với máy vi tính”.

Khi cuộc sống ngày càng phát triển thì lượng rác thải, nước thải cũng ngày càng nhiều. Công việc của những công nhân vệ sinh môi trường càng thêm nhọc nhằn, nguy hiểm. Sự chịu đựng và công việc thầm lặng của họ đã, đang và sẽ giúp Đà Nẵng thực hiện thành công mục tiêu trở thành “Thành phố môi trường”, “Thành phố đáng sống”.

Đà Nẵng đẹp không chỉ bởi những cây cầu với kiến trúc độc đáo mới lạ, bởi những chính sách đầy tính nhân văn của lãnh đạo thành phố, mà còn bởi thiên nhiên trong lành, những con đường thênh thang không rác, bởi những con người bình dị đang góp phần làm đẹp
thành phố.

MAI CHI MAI

.