Chuyên đề
Hoa cỏ vào Xuân
Ngày thường các dải phân cách, bùng binh đường phố ở Đà Nẵng vốn đã đẹp, ngày Tết càng đẹp hơn, nên thơ hơn bởi bàn tay chăm chút của những công nhân mặc trang phục màu xanh đặc trưng của nghề trang-trí-đường-phố.
Đảo giao thông phía tây đường dẫn lên cầu Thuận Phước - một trong những cảnh quan đẹp của đường phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L |
“Lò” sản xuất hoa các loại
Đã thành thông lệ, mỗi năm đến cuối tháng 10 âm lịch là công nhân Đội Vườn ươm Cẩm Lệ (Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng) bắt tay vào việc xuống giống trồng hoa. Đội hiện có 21 người, “canh tác” trên diện tích gần 16ha gồm 4 vườn ươm ở dưới chân cầu vượt Hòa Cầm, phường Hòa Thọ Tây, phường Hòa Xuân và bên cầu Tiên Sơn.
Có thể nói hầu hết hoa cỏ mùa xuân của các công viên, vườn hoa, con đường... ở Đà Nẵng đều được “xuất xưởng” tại các vườn ươm này – nơi mà dân chơi hoa nói vui trong lúc trà dư tửu hậu là “lò sản xuất technicolor” (rực rỡ nhiều màu).
Tuy không hẳn là “kỳ hoa dị thảo” nhưng “rực rỡ nhiều màu” là có thực. Góp vào “bảng màu” của bức tranh xuân tại các vườn ươm này có mai địa thảo duyên dáng với ba màu đỏ, hồng, tím; dạ yến thảo chúm chím khoe sắc đỏ, tím, trắng, vàng; cúc bướm chập chờn hai màu vàng, tím; xác pháo tươi đỏ dáng xuân; hồng ri nhẹ nhàng hai màu trắng, tím…
Ngay cả păng-xê, một loài hoa mang tên Pháp đã được Việt hóa thành hoa bướm - được giới chơi hoa cho là tượng trưng cho sự thận trọng, chu đáo - cũng hòa chút sắc tím ngát vào hoa cỏ mùa xuân Đà Nẵng.
Các loại hoa, tùy theo cách “phối màu” của các chuyên gia, sẽ được đưa đi trang trí tại các địa điểm, theo anh Ngô Kim Hòa, đội phó phụ trách Đội Vườn ươm Cẩm Lệ: Hội Hoa xuân ở Công viên 29-3, trang trí hoa Tết các đường phố như đường hoa Bạch Đằng, đường Hồ Xuân Hương, Công viên Trần Hưng Đạo (bờ Đông sông Hàn), Công viên Biển Đông, các điểm nhấn cảnh quan hoa Tết...
Ngày Tết, các dải phân cách, các vòng xuyến (đảo giao thông, bùng binh) sẽ là nơi khoe sắc tỏa hương của “kính thưa các loài hoa”. Có những loài hoa mang tên dân dã như bông bụt, bông giấy, chuối mỏ két,… nhưng cũng có những loại hoa mang tên rất nên thơ như bướm bạc, mắt ngọc, chiều tím, kim đồng vàng, bạch ngọc anh…
Theo Phó Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng Nguyễn Hữu Kim, đó là những loại cây đáp ứng được hai điều kiện: cho hoa và có “tuổi thọ” 1 - 2 năm. Một số loại cây dù cho hoa đẹp nhưng “yểu tướng” như cây vạn thọ (tên là “vạn thọ” nhưng chỉ “thọ” tối đa một tháng), cúc bách nhật (100 ngày nhưng có thể kéo dài đến nửa năm)... chỉ được trồng trong Công viên 29-3 thành những thảm hoa để “trang điểm” cho mùa xuân công viên.
Đường phố vào xuân
Theo ông Kim, Công ty hiện quản lý, chăm sóc 600.000m2 dải phân cách, đảo giao thông, thảm hoa/cỏ trên địa bàn thành phố, trong đó riêng trong 2 năm 2013 - 2014 đã nhận thêm gần 100.000m2 thảm hoa/cỏ. Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung còn nghèo, để duy trì và phát triển mảng cây cối, hoa cỏ trên chừng đó diện tích với chi phí thấp nhất là cả một nỗ lực của những người làm nghề trang-trí-đường-phố.
Ông Kim kể, lúc mới làm đường Nguyễn Hữu Thọ, thiết kế cây xanh, dải phân cách và đảo giao thông trên toàn tuyến có giá không dưới 10 tỷ đồng. Lúc đó, có ý kiến bảo rằng đường mới này chưa quan trọng, còn ít người đi mà làm vậy thì tiền nhiều quá. Thiết kế rút lui.
Ông nghĩ đường rộng và đẹp thế mà chậm bố trí cây cối, hoa cỏ thì còn ra thể thống gì; bèn làm thiết kế theo cách “biến tấu” từ một phần đường phố ở TP. Hồ Chí Minh và một phần đường phố ở Cần Thơ. Toàn bộ công trình dài gần 5km với 5 đảo giao thông này có giá dự toán (lúc đó) chưa tới 1 tỷ đồng, được UBND thành phố duyệt cho thi công ngay.
Cây, hoa, cỏ trên đường Nguyễn Hữu Thọ, nói như dân gian hiện nay là “ngon-bổ-rẻ” - đơn giản mà đẹp, dễ chăm sóc. Còn có thể kể thêm một số tuyến đường không thể không ngắm nhìn ở Đà Nẵng nữa: đường 30 tháng 4, đường 2 tháng 9 và Quảng trường Công viên Tượng đài 2-9, đường Nguyễn Tất Thành đoạn cầu Thuận Phước đến đường Ông Ích Khiêm…
Ngay cả hai đường Võ Chí Công và vành đai phía Nam vừa mới đưa vào sử dụng cũng ngập tràn các loài hoa. Có điều, hiện cảnh quan, kiến trúc dọc theo hai con đường mới này còn quá hoang sơ, người qua lại cũng chưa nhiều mà trồng hoa trên dải phân cách thì quá phí, chưa cần thiết. Trước mắt, thiết nghĩ, ở đây nên trồng thảm cỏ và cây bóng mát sẽ ít tốn công chăm sóc hơn và tất nhiên sẽ đỡ gánh nặng ngân sách trong thời buổi kinh tế khó khăn này.
Những ngày này, công nhân áo xanh tỏa ra khắp các dải phân cách, đảo giao thông toàn thành phố trồng thêm hoa, thay cây chết khô, dặm cây “suy dinh dưỡng”. Nói chung, ngày thường vốn đã giữ cho xanh sạch đẹp rồi, ngày Tết cần phải chăm chút hơn để khách du xuân cảm thấy cái gì cũng đẹp, cũng nên thơ. Tết Đà Nẵng, từ trong nhà ra đến các đường phố đầy hoa và hoa. Dù mang tên gọi “quý tộc” hoặc dân gian, tất cả các loài hoa đều gợi lên những xúc cảm thẩm mỹ nghệ thuật, giúp con người hướng đến những điều cao đẹp hơn trong cuộc sống.
3.483 triệu đồng trang trí hoa đường phố Tết Ất Mùi - 2015 Tại Công văn 188/UBND-QLĐTh ngày 12-1-2015 về việc liên quan đến triển khai thực hiện công trình trang trí hoa và điện chiếu sáng phục vụ Tết năm 2015, UBND thành phố đã giao cho Công ty Công viên Cây xanh thi công các gói thầu của hạng mục trang trí hoa Tết. Theo đó, hạng mục trang trí hoa Tết có tổng giá trị khái toán 3.483 triệu đồng với 5 gói thầu trang trí hoa đường phố Tết Ất Mùi năm 2015: Khu vực vỉa hè phía Đông (khu A và khu B) trước số 42 Bạch Đằng (trụ sở UBND thành phố cũ); Khu vực trước Thành ủy, nút cảnh quan hai bên phía Đông cầu Sông Hàn; Khu vực phía Đông và phía Tây cầu Trần Thị Lý, nút giao thông Hồ Xuân Hương - Võ Nguyên Giáp, khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Hoàng Diệu, Khu vực giàn hoa dọc đường Bạch Đằng, hành lang bờ sông đường Bạch Đằng; Khu vực vỉa hè đường Bạch Đằng từ đường Trần Quốc Toản đến đường Phạm Phú Thứ. Theo Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng Đặng Đức Thứ, Tết Giáp Ngọ - 2014, kinh phí trang trí hoa Tết giao cho công ty là 2,4 tỷ đồng. |
VĂN THÀNH LÊ