Đà Nẵng cuối tuần

Nguyễn Đức Đàn trên hành trình tìm đến cái Tôi

07:05, 22/03/2015 (GMT+7)

“Nghệ thuật dường như không có tận cùng, nhưng bền bỉ trên cuộc hành trình, rồi sẽ đến một ngày nào đó tìm ra được  cái “Tôi” của mình  trong nhiều cái Tôi đa sắc màu”.

Nét mặt hiền, giọng nói chậm rãi, từ tốn, Nguyễn Đức Đàn trò chuyện tại cuộc triển lãm mang tên “Đàn - xê dịch” vừa qua tại Hà Nội. Nghe anh nói, mới hay những “góc cạnh” ẩn vào trong suy tư, trăn trở của người họa sĩ trẻ.

Nguyễn Đức Đàn lớn lên trên miền quê thuần nông Hà Tây cũ. Ở đó có đàn bò thả rong, có ngày mùa gặt lúa. Trên những rặng tre bao quanh làng, chiều chiều có đàn cò về làm tổ… và anh đã lớn lên trong cảm giác hiền hòa ấm áp tình quê Việt. Nhưng “tác phẩm” đầu tay khiến anh còn giữ nguyên trong ký ức lại là bức tượng Bác Hồ (tạo nên từ chất liệu bùn đất). Anh tủm tỉm kể về kỷ niệm xưa, khi còn là cậu bé chăn bò.

- Thực lòng tôi cũng không biết có giống Bác không. Khi làm việc này, trong trí nhớ của tôi chập chờn hiện lên những bức ảnh về Bác. Có chòm râu, đôi mắt sáng, mái tóc đã bạc… hao hao mấy cụ già trong làng. Và cứ thế tôi say sưa tưởng tượng ra một Bác Hồ riêng của tôi. Đêm về chập chờn khó ngủ, chỉ mong trời sáng để thêm bớt những nét mình chưa thật vừa ý. Chỉnh sửa mãi, nhưng cuối cùng vẫn không sao bằng lòng. Từ đó tôi quan tâm nhiều hơn đến hình vẽ.

Trong làng cũng có mấy người lớn tuổi vẽ tranh. Họ là những ông thợ vẽ truyền thần. Tôi chăm chú xem những tranh vẽ giống y như ảnh bằng chì than, nhọ nồi. Thích thì rất thích, tôi còn xin học nghề nữa. Nhưng rồi nhận ra lối vẽ này không hẳn là điều tôi mong muốn. Hội họa thực sự, có lẽ khác, nhưng khác như thế nào, đầu óc non nớt của tôi lúc đó không lý giải được. Tốt nghiệp cấp 3, tôi quyết định thi vào trường mỹ thuật.

Nhớ lại ngày đầu đi thi, Đức Đàn không khỏi bối rối. Nhìn thấy vẻ sành điệu “nghệ sĩ” của thí sinh thành phố, cậu học trò quê “hoảng”. Chuyện họ đàm đạo xa lạ với chàng thí sinh làng. Tên những tác phẩm Đông Tây, những danh họa trong nước, nước ngoài lần đầu tiên Đàn mới được nghe. Bỗng thấy mình lạc lõng, chưa đủ “tầm” đi thi, chàng thí sinh nhút nhát đành lặng lẽ trở về làng, tìm thầy ở thành phố, trau dồi kiến thức. Năm sau anh thi đỗ, trở thành sinh viên Trường Mỹ thuật Công nghiệp, giấc mơ đã thành hiện thực. Trong những chuyến đi thực tế, anh vẽ khá nhiều ký họa. Nhưng chính những ngày tháng lâng lâng cảm xúc ấy, Nguyễn Đức Đàn cũng chưa thực sự định rõ hướng đi của mình.

Thế rồi, như có sự kết nối huyền bí đưa anh đến với các họa sĩ sơn mài nổi tiếng. Những gam màu ẩn hiện, sâu thẳm của sơn mài hút hồn anh. Không còn nhiều do dự, anh ghi tên vào khoa Mỹ thuật truyền thống, ngành sơn mài. Đây là một chuyên ngành khó có chỗ đứng giữa lớp đàn anh. Hành trình đi tìm cái Tôi giữa một rừng tên tuổi, cũng có khi khiến anh choáng ngợp. Nhưng người họa sĩ trẻ tự động viên mình, hãy cứ đi. Đi rồi mới biết mình. Mỗi chặng đường là dịp thể hiện “Tôi”, miễn là mình giữ được ngọn lửa đam mê.

Phải mất một thời gian dài sau khi ra trường, Nguyễn Đức Đàn mới trình làng những tác phẩm đầu tay. “Tiếng vĩ cầm”, “Sáng chủ nhật”… ngay lập tức được công chúng chú ý. Vẻ lãng mạn, gam màu trong trẻo thanh xuân đem đến sự mới mẻ. Nhưng anh chỉ lặng lẽ coi đấy là chặng đường đầu trên hành trình dài tìm kiếm bản ngã. Rồi bẵng đi một thời gian như một khoảng lặng sau một vài thành công ban đầu. Anh giành nhiều thời gian đến các thư viện, nghiền ngẫm những tác phẩm gần gũi với cảm xúc của dân tộc, đặc biệt là Truyện Kiều. Anh nhận ra trong thơ Nguyễn Du, có gì đó thật gần với sơn mài.

Nét ẩn dụ huyền ảo, lắng sâu. Càng đọc, càng suy ngẫm càng hiện dần lên vẻ đẹp hút hồn của Kiều. Một điều Đức Đàn băn khoăn nghĩ ngợi, là hội họa đã đụng đến Kiều qua bàn tay tài năng của nhiều họa sĩ lớn. Nhưng giờ đây Nguyễn Đức Đàn đã tự tin hơn để nhủ mình: Đó là Kiều - Lê Phổ, Kiều - Mai Trung Thứ, của Mai Long, Ngọc Mai... Nguyễn Đức Đàn sẽ có một Kiều của riêng mình.

Anh đã thành công để tạo ra Kiều - Nguyễn Đức Đàn. 4 tranh Kiều đánh đàn đã được chọn dự triển lãm Festival Nghệ thuật quốc tế tại Myanmar năm 2012. Một dòng đề tài khác, giàu ẩn dụ hơn là “Chơi vơi” và “Nhìn”, một kết hợp thành công sơn mài truyền thống – đương đại của anh, cũng đã được tuyển chọn để  giới thiệu hội họa  trẻ tài năng Việt Nam tại Đại sứ quán Đan Mạch.

Nguyễn Đức Đàn ấp ủ một triển lãm đầu tiên của riêng mình. Anh đã biến giấc mơ đó thành hiện thực. 55 tác phẩm được khai thác từ những gì gần gũi nhất với cuộc sống của anh. Khung cảnh đồng quê, hoa sen, những suy tư, cảm xúc trước cuộc sống đương đại. Đặc biệt với Nguyễn Đức Đàn, mảng đề tài độc đáo, tạm gọi là “cảm xúc Văn học cổ” được đánh giá cao, đó là tranh về Thánh Gióng, về Kiều. Anh có hẳn một seri Kiều.

“Trôi nổi”, “Lưu lạc”, “Chị em Kiều”, “Gặp Đạm Tiên”… Cây đàn với Kiều chứa đựng bao nỗi niềm mà người họa sĩ đã cảm nhận, chia sẻ với cung bậc cảm xúc của mình. Khi Kiều chơi đàn cho Kim Trọng, là sự giao hòa tình yêu đôi lứa, trong sáng, trữ tình. “Trong như tiếng hạc bay qua”. Đàn trong bữa tiệc của Hồ Tôn Hiến, hình bóng Từ Hải như ẩn hiện, gợi nỗi niềm giằng xé, đớn đau. “Một cung gió thảm mưa sầu/ Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay…”. Họa sĩ dự định sẽ đi sâu vào văn học, nhận cảm xúc từ những trang sách và hy vọng sẽ có một triển lãm riêng về đề tài độc đáo này.

ĐOÀN TỬ DIỄN

.