Đà Nẵng cuối tuần

Cơ hội giảm nghèo nhờ giá dầu giảm

07:13, 19/04/2015 (GMT+7)

Giảm đói nghèo ở các nước đang phát triển là vấn đề đã được đặt ra từ rất lâu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhưng chưa tìm ra lời giải.

Giá dầu giảm là cơ hội tốt cho thế giới.
Giá dầu giảm là cơ hội tốt cho thế giới.

Hội nghị mùa xuân ở Washington (Mỹ) tuần này với sự góp mặt của quan chức lãnh đạo các nước trên toàn thế giới được coi là dịp để cùng nhau tìm ra lời giải đáp. Vì sao thời điểm này là cơ hội giảm nghèo cho các nước đang phát triển? Theo WB và IMF, đó là nhờ giá dầu thế giới giảm mạnh trong 10 tháng qua. Giá dầu đã giảm 50% kể từ tháng 6-2014 là cơ hội mới để Hội nghị mùa xuân 2015 bàn về những ưu tiên xã hội cho các nước đang phát triển.

Giám đốc IMF Christine Lagarde nói trước thềm hội nghị rằng: Dù rằng, sự phục hồi kinh tế toàn cầu ở mức vừa phải và không đồng đều, nhưng giá dầu giảm trở thành cơ hội mới cho nhiều quốc gia giảm trợ cấp xăng dầu và chuyển số tiền đó sang đầu tư các lĩnh vực khác như giáo dục, sức khỏe và hạ tầng. Bà Lagarde cũng nói thêm rằng những nước phát triển và mới nhập khẩu xăng dầu có thể tiết kiệm được 1% GDP trong năm 2015 nhờ “đòn bẩy” giá dầu rẻ và giảm trợ cấp năng lượng. Những nước ở khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines và các quốc đảo Thái Bình Dương được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất từ giá dầu giảm.

Trong khi đó, bài phát biểu của Chủ tịch WB Jim Yong Kim nhấn mạnh về nhu cầu rất lớn về phát triển hạ tầng mà dự kiến cho việc xây dựng đường sá, cầu cống, đường ray xe lửa, sân bay và nhà máy năng lượng từ 1.000 tới 1.500 tỷ USD/năm. Nhiều nước đã tận dụng giá dầu giảm để giảm trợ cấp năng lượng như Ấn Độ và Indonesia.

Đây cũng là dịp ông Jim Yong Kim đặt vấn đề cần thảo luận về biến đổi khí hậu. Các nước phát triển có thể giúp các nước đang phát triển thích ứng với những biến đổi của khí hậu và giảm lượng khí thải. Tuy nhiên, đây là vấn đề mà nhiều người bảo rằng “nói dễ làm khó” khiến Phó Chủ tịch WB là Rachel Kyte quả quyết: Chúng tôi cam kết tìm nhiều cách để thực hiện. Mỹ và các nước đã phát triển khác cam kết cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020 để hỗ trợ sáng kiến khí hậu ở các nước thuộc thế giới thứ ba. Ngoài ra, thế giới cũng mong muốn Trung Quốc hạn chế tới mức có thể việc giảm lượng khí thải, hạn chế sử dụng than đá… Nói tóm lại, giá dầu giảm là cơ hội để toàn thế giới chung tay giảm nghèo cho các nước đang phát triển và thay đổi nhận thức về biến đổi khí hậu.

ANH THƯ (Theo USA Today)

.