Chuyên đề

Cảo thơm lần giở

15:11, 17/04/2015 (GMT+7)

Cảo thơm lần giở trước đèn/ Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh. Có người đã dẫn câu thơ nói về việc đọc sách của Nguyễn Du để lý giải vì sao trong thời đại bùng nổ kỹ thuật số này, người yêu sách cứ vẫn mê sách giấy và ghiền đọc sách cũ.

“Đào tạo” độc giả cần sự quan tâm của cả nhà trường và gia đình. TRONG ẢNH: Trường tiểu học An Phước dành riêng một phòng đọc mở cho học sinh. Ảnh: V.T.L
“Đào tạo” độc giả cần sự quan tâm của cả nhà trường và gia đình. TRONG ẢNH: Trường tiểu học An Phước dành riêng một phòng đọc mở cho học sinh. Ảnh: V.T.L

Giá sách tỷ lệ nghịch với lượng người mua

Gần chục năm trước, ông Trần Phước Tuấn “khoe” đã có hơn 10.000 cuốn sách, giờ thì ông bảo con số này đã lên gần 20.000. Có thể lắm, bởi thỉnh thoảng mấy anh em làm nghề phát hành sách lại mang lên tận nhà những cuốn sách mới theo “gu” của ông.

Có lần ông lội qua các nhà sách ở Đà Nẵng, bất ngờ phát hiện ra cuốn “Giúp đọc Nôm và Hán Việt” của Linh mục An-tôn Trần Văn Kiệm, do NXB Đà Nẵng và Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm Hoa Kỳ ấn hành năm 2004. Khác với những sách Hán Nôm ông đã đọc, quyển này cuốn hút ông bởi sự sắp xếp tra cứu rất khoa học, mục từ chi tiết, hợp lý. Ông mua liền hai cuốn, một đặt trên lầu, một đặt ở tầng dưới nhà mình để có thể rờ đâu là đọc đó. Ông không khỏi thắc mắc, sách hay vậy mà sao vẫn “nằm lì” trên giá?

Về sách chữ Nôm, Hán Việt, lâu nay chưa ai qua được hai cây đại thụ Đào Duy Anh và Thiều Chửu, ông nghĩ có lẽ do vậy mà không ai buồn đọc các tác giả khác. Vậy thì oan cho “Giúp đọc Nôm và Hán Việt” quá! Ông bèn “quảng cáo” cuốn sách hay này đến thân hữu gần xa, họ mua hết sạch. Sau đó độc giả yêu cầu tái bản thì Phó Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Đà Nẵng Nguyễn Kim Huy (theo lời ông Tuấn dẫn lại) trả lời rằng giờ khó tái bản lắm, phải liên lạc xin phép tác giả.

Sách là một loại hàng hóa đặc biệt, không quảng bá không bán được. Điều này đã được ông Nguyễn Kim Huy nhìn nhận tại Tọa đàm về “Sách và Văn hóa đọc” trên DRT nhân Ngày sách Việt Nam năm nay: “Tôi nhận thấy việc quảng cáo, giới thiệu sách hiện nay chưa được chú trọng, chưa đúng tầm và đặc biệt là chưa đúng với bản chất của sách! Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho bạn đọc ngày càng xa rời, thờ ơ với sách hiện nay. Rất cần và phải có một chiến lược quảng bá (tôi muốn dùng từ này thay cho “quảng cáo”) sách hiệu quả, rộng rãi nhưng phù hợp với sách!”.

Giá bán cũng quyết định sự thành bại của việc kinh doanh sách. Theo như ông Tuấn biết, có cuốn được nhà xuất bản bớt cho bên phát hành đến 50% giá bìa. Những cuốn do người phát hành mang đến tận nhà và bớt cho ông đến 20%, nhưng ở một số tiệm sách lớn lại bán, như dân gian nói, không bớt một xu! Như thế, sách thật khó đến tay quảng đại người yêu sách, chỉ ai cần lắm mới bỏ tiền ra mua!

Đào tạo... độc giả

Nhớ có lần, trước thực trạng Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh khó “đỏ đèn”, NSND Trần Đình Sanh khi đó là giám đốc nhà hát, than thở: Phải “đào tạo” khán giả Tuồng. Nay sách đang bị “cạnh tranh” khốc liệt với các phương tiện nghe nhìn thời kỹ thuật số, có lẽ cũng nên đặt vấn đề “đào tạo” người đọc sách và “đào tạo” ngay từ bậc tiểu học, nhất là các trường ở nông thôn.

Trường tiểu học An Phước (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) với bề dày truyền thống hơn thế kỷ, từ khi Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định lấy ngày 21-4 là “Ngày Sách Việt Nam”, hằng năm trường đều tổ chức Ngày hội đọc sách. Thư viện (TV) nhà trường hiện có trên 10.000 quyển sách, trong đó sách thiếu nhi chiếm gần một nửa. Có một phòng đọc, gọi là TV thân thiện, cứ mỗi khi ra chơi là học sinh tìm đến, tự mình khám phá thế giới sách, phát huy kỹ năng. Cô Võ Thị Minh Nguyệt, thủ thư TV của trường cho biết Ngày hội đọc sách năm nay ngoài phần thi Rung chuông vàng, thi đọc diễn cảm và viết ý tưởng về sách, trường sẽ phát động phong trào tặng sách thiếu nhi “Tặng một cuốn để đọc được nhiều cuốn”; học sinh, tập thể lớp nào tặng nhiều sách nhất sẽ có thưởng. Đây là một trong những hình thức kích thích đam mê đọc sách của các em.

Trường tiểu học Lâm Quang Thự (cũng trên địa bàn xã Hòa Phong) chuẩn bị cho Ngày hội đọc sách năm nay, Hội Phụ huynh học sinh viết thư ngỏ kêu gọi phụ huynh toàn trường tặng sách thiếu nhi cho lớp mình. Cả trường có 892 học sinh thì hôm chúng tôi đến, 9-4, các lớp đã nhận được 899 cuốn sách theo cách làm này, bình quân mỗi em được một cuốn.

Cô thủ thư Chế Thị Tín rất lạc quan: “Con số này sẽ còn tăng nữa. Sách tặng cho lớp nào lớp đó tự quản, sau khi trưng bày “gian hàng sách” theo từng khối lớp tham gia Ngày hội đọc sách diễn ra hôm 18-4, sách sẽ được mang về tủ sách mỗi lớp và học sinh luân phiên đọc. Sau đó các lớp sẽ trao đổi sách cho nhau để em nào cũng có thể đọc được nhiều sách”.

Học sinh nông thôn càng ở vùng sâu vùng xa càng “đói” sách. Ngày trước, mỗi lần có dịp ngược lên các xã như Hòa Phú, Hòa Bắc... là anh em làm báo thông báo cho nhau vận động xin sách, báo cũ của con em mình hoặc bạn bè mang lên tặng học sinh trên đó. Nông thôn đâu phải ai cũng có điều kiện mua báo Thiếu niên Tiền phong hay Nhi đồng cho con em mình, các em chỉ trông chờ vào nguồn sách ở TV nhà trường. Ngay như học sinh tiểu học ở Túy Loan, không phải vùng sâu vùng xa gì, theo thầy Ông Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lâm Quang Thự, muốn đọc chỉ đến TV trường chứ không còn cách nào khác. Trong khi đó, nội thành có TV, có các nhà thiếu nhi, cha mẹ thỉnh thoảng đưa con đi nhà sách, gia đình khá giả còn lập tủ sách gia đình cho con cái...

TV của hai trường tiểu học kể trên đều được công nhận đạt chuẩn từ năm 2006. Mỗi trường còn có 2 cơ sở lẻ, hai lần mỗi tuần, thủ thư mang sách đến phục vụ nhu cầu đọc của học sinh. Họ âm thầm, cần mẫn “đào tạo” độc giả cho cuộc “cạnh tranh” giữa sách in và sách mạng.

 

Sứ mệnh của sách

Những người mê sách ở Đà Nẵng thỉnh thoảng ghé lại nhà ông Tuấn, 113 Lý Nhân Tông, vừa nhâm nhi cà-phê, vừa tán chuyện sách. Hơn 10 năm trước, có mấy anh em sang du học bên Mỹ, mê cái cách giáo dục phương Tây qua Internet, tha hồ đọc sách trên mạng; về gặp ông là hùng hổ ra “tuyên ngôn”: Tôi mê sách điện tử quá, gọn nhẹ, tra cứu nhanh chóng; chừ đang tìm cách “giải phóng” tủ sách in giấy đây. Nghe thế, ông phát hoảng: Tụi bây đừng có điên mà sau hối không kịp, sách in bao giờ cũng tồn tại với thời gian.

Theo Wiktionary, cảo thơm do từ Hán Việt phương cảo, nghĩa là pho sách thơm, pho sách hay. Người ta cũng gọi những câu chuyện đạo đức, hiếu thảo, vị tha, dũng cảm... của một người hiền, một vị thánh, một anh hùng… là những “cảo thơm”. Thế mới biết sứ mệnh giáo dục nhân cách của sách cao cả đến nhường nào! Nhận chân giá trị của sách in, những người-từ-bỏ-sách-in đó giờ sắp sửa lên lão, đã kịp “hối” ra và lật đật lập lại tủ sách gia đình.

Học sinh tiểu học đang được thầy, cô rèn luyện thành những độc giả của sách in. Sau nửa thế kỷ nữa tất cả cũng sẽ lên lão, sẽ lần giở lại những trang sách xưa mà ngày nay họ đã đọc, sẽ ngâm nga câu Kiều bất hủ nói về sứ mệnh của sách: Cảo thơm lần giở trước đèn/ Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh…

Phó Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Đà Nẵng Nguyễn Kim Huy: Giữ giá trị lâu dài của sách với bạn đọc

Nhà xuất bản cần phải xuất bản các đầu sách “hay, đúng, đẹp, giá cả hợp lý”, để bạn đọc yêu thích, tin cậy và hăm hở đến với sách. Và phải có một chiến lược quảng bá sách rộng rãi, khoa học, phù hợp và cuốn hút để bạn đọc đến với sách, với nhà xuất bản...

NXB Đà Nẵng đã và đang cố gắng xây dựng, giữ gìn và phát huy “thương hiệu” của mình, cố gắng giữ được chữ tín trong lòng bạn đọc với những đầu sách có giá trị cao về nội dung, có hình thức trình bày đẹp và cuốn hút, có thể khó phát hành trước mắt nhưng sẽ còn giữ được giá trị lâu dài với bạn đọc.

Trên tinh thần đó, nhân chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 2 năm 2015, NXB Đà Nẵng đã tích cực triển khai công tác tổ chức, biên soạn và xuất bản các đầu sách có giá trị như sau:

Phạm Phú Thứ toàn tập (2 tập, 2.610 trang); Ăn tô mỳ Quảng nói chuyện bao đồng - Tản văn Hoàng Nhật Tuyên (168 trang); Người Quảng lo xa - Phiếm đàm Phan Văn Minh (270 trang); Đời nón, đời người - Sách ảnh Ông Văn Sinh (108 trang, xem ảnh); Đà Nẵng đẹp - Sách ảnh Huỳnh Yên Trầm My (80 trang); Dinh trấn Thanh Chiêm - Châu Yến Loan (390 trang); Từ điển Biểu tượng Văn hóa Thế giới - Jean Chevalier và Alain Gheerbrant (1.145 trang); Phù thủy đi trong thành phố – Truyện thiếu nhi Iurin Tomin, Khánh Giang dịch (220 trang).

Các đầu sách trên cùng với nhiều đầu sách khác sẽ được tham gia triển lãm, giao lưu tác giả - tác phẩm và phát hành có khuyến mãi tại Hội chợ Ngày Sách Việt Nam lần thứ 2 tại Đà Nẵng (Công viên 29-3, từ 18 đến 19-4-2015) và Ngày Sách Việt Nam quận Hải Châu lần thứ nhất (đường Bạch Đằng, từ 23 đến 25-4-2015).

VĂN THÀNH LÊ

.