Đà Nẵng cuối tuần
Mênh mang khúc hát "Quê nhà" (*)
Có những con đường quen đã trở thành lối mòn thênh thang trong ký ức của tôi. Không chỉ quen đất đai địa lý, bến nước con đò, mà đến từng thanh âm kĩu kịt của hàng tre gió thổi, của tiếng chim cu cúc cù hay tiếng gà gáy trưa vắng bên sông…, tất cả, hễ chạm vào bất cứ nơi đâu trong ký ức là nơi ấy bời bời lên tiếng.
Ví như bây giờ con đường quen ấy tôi bước qua cầu trên dòng sông Túy Loan, bất chợt một “Miền trăng tinh khôi” xuất hiện trong tôi, không phải từ ánh sáng viên mãn huy hoàng của trăng rằm tháng giêng nô nức những cuộc hội, mà là tiếng hát cất lên từ một “Quê nhà” dư ba vang hưởng đầy trong ký ức: Trên con đường cũ ta về/ Ngọt lành câu hát đồng dao!
Album nhạc mang tên “Quê nhà” của Hồ Minh gồm 12 ca khúc của các nhạc sĩ Dương Toàn Thiên, Quỳnh Hợp và Đỗ Trí Dũng phổ từ thơ Hồ Minh, được trình bày qua tiếng hát của các ca sĩ: Vân Khánh, Quang Hào, Dương Quốc Hưng, Đức Quang, Hoài Phương, Quỳnh Lợi và Y Jang Tuyn.
Có thể nói, đây là một tập hợp đông đủ các văn nghệ sĩ đã cùng với Hồ Minh làm nên hợp xướng - một tiếng lòng của người con xa quê dâng tặng cho Hòa Vang - Đà Nẵng đất mẹ của mình qua gần bốn mươi năm xa cách. Có nghe album nhạc “Quê nhà” trong ý hướng như thế mới tách bạch nó ra khỏi những sắc màu chói lóa rực rỡ của thế giới âm thanh thường đầy ắp những: pop, rock, hiphop, dance remix…
Những tiếng hát trong “Quê nhà”, gợi nhớ lại mấy câu thơ của thi sĩ Trần Quang Long đâu từ hơn nửa thế kỷ trước: Đất nước mình không thiếu ca dao/ Sao các em ca hoài nhạc Mỹ. Viết thơ như thế không phải vì thi sĩ Trần Quang Long bài xích gì nhạc Mỹ, hay nhạc Tây nhạc Tàu gì đâu, mà ý niệm chính là để nói lên tuổi trẻ thời ông sống (và dạy học ở Huế) nó múa may nhảy nhót theo âm nhạc vọng ngoại điên cuồng, không thuộc nổi một câu ca dao nhưng nhạc kích động nhảy nhót quay cuồng thì lây lan tưng bừng. Và dường như căn bệnh ấy thời bây giờ có vẻ như nở rộ ồn ào gấp nhiều lần hơn thế.
Chừng như “Quê nhà” mà Hồ Minh rót tiếng lòng mình cũng là một thứ lửa tình yêu thuộc mô-típ Trần Quang Long chăng? Có thể Hồ Minh không nuôi một ý tưởng như thế. Tình yêu quê hương xứ sở của anh là một thứ bản năng đã nằm lòng từ thuở còn trong nôi mẹ. Nghĩa là nó ngập tràn trong vô thức, nhớ thì gọi tên đến vỡ giọng cho hả nhớ, thế thôi.
Quê hương Hồ Minh ở làng Bồ Bản bên dòng sông Túy Loan thuộc huyện Hòa Vang - Đà Nẵng, vậy nên thơ anh đẫm đầy hơi hướng đất đai từ quê nội đến quê ngoại. Có lần tôi thực hiện một chuyến điền dã về vùng đất Hòa Vang, đi mà thuộc lòng các địa danh: gò Ổi, xóm Đình, đồng Giữa, bàu Thị…, chẳng phải tôi nghiên cứu địa chí gì đâu mà từ thơ Hồ Minh vẽ đường ra tất cả.
Thì ra cái quê nhà thịt xương, cụ thể con sông bến đò, cụ thể hương sen bàu Thị… nơi nào cũng hiện thực mười mươi, tưởng như đưa tay ra là ôm quê xứ vào lòng. Ấy thế mà từ độ trở thành lối xưa, ngõ xưa, làng xưa…, tất cả trở thành những lối vô tận, đi hoài không cạn hết nỗi nhớ niềm thương.
Đứng bên dòng sông Túy Loan đưa mắt lơ đãng nhìn cả đôi bờ, có ngày xưa nào của tôi đâu đây mà cũng lầm thầm hát lên: Trên con đường cũ tôi về/ Ngọt lành câu hát đồng dao. Hóa ra cái “Quê nhà” của Hồ Minh bây giờ là cái quê nhà thăm thẳm thời gian của bất cứ ai nghe ra tiếng gọi quay về. Một “Lối xưa” - Vân Khánh khôn nguôi luyến láy, một “Nhớ đồng” - Trang Nhung da diết tự tình, hay thỏ thẻ lãng mạn như Đức Quang: Anh chợt đến chợt đi như cơn gió/ Để biển buồn ôm trọn một vầng trăng…
Tất cả, nếu là bạn lướt qua, thoáng qua thôi, có khi chẳng thấy một thanh âm nào lắng đọng, nhưng nếu tĩnh lặng, chầm chậm rong chơi giữa “Quê nhà” thì không chừng sẽ ngộ ra một điều mà như Chế Lan Viên đã từng nung nấu mùi hương cho thơ: Khi cây đã hóa trầm trong ruột/ Là đủ rồi phải đợi gì hoa.
Vâng, cái gì cát bụi sẽ trả về cát bụi, chỉ còn mùi hương ở lại mãi bên con người như một “Huyền diệu Ngũ Hành Sơn” vĩnh hằng một tiếng lòng: Nghe trong hồn đá ngọn nguồn yêu thương!
NGUYỄN NHÃ TIÊN
(*) Nghe album nhạc Quê Nhà, thơ Hồ Minh, các nhạc sĩ Dương Toàn Thiên, Quỳnh Hợp và Đỗ Trí Dũng phổ thành tập ca khúc.