Chuyên đề
Chật vật học tiếng Anh
Bản tính rụt rè, nhà xa nội thành, chưa ý thức tầm quan trọng của ngoại ngữ,... đó là những nguyên nhân khiến học sinh nông thôn khá chật vật khi học tiếng Anh.
Câu lạc bộ nói tiếng Anh từng bước giúp học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ làm quen với ngoại ngữ. (Ảnh do nhà trường cung cấp) |
Khi học một lúc hai... ngoại ngữ
Với học sinh dân tộc Cơtu sống ở hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú (huyện Hòa Vang), học tiếng Việt đã là một ngoại ngữ, nay thêm tiếng Anh là thêm một ngoại ngữ nữa.
Trường THPT Phạm Phú Thứ hiện có 1.316 học sinh, trong đó có 55 học sinh người Cơtu. Theo đánh giá của Hiệu trưởng Nguyễn Bá Hảo, sức học tiếng Anh của các em người dân tộc này ở mức yếu và kém. Cũng không trách được, bởi một khi các em chưa thông suốt được “ngoại ngữ” tiếng Việt thì khó có thể tiếp cận tốt được tiếng Anh.
Học sinh Cơtu chậm tiến bộ phát âm trong tiếng Anh. Để khắc phục nhược điểm này, thầy Nguyễn Quang Hân, Hiệu trưởng THCS Nguyễn Bá Phát (xã Hòa Liên), nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc), cho biết Trường THCS Nguyễn Tri Phương mở lớp riêng do cô giáo quản sinh tốt nghiệp cao đẳng tiếng Anh phụ trách, tối đến cô vừa quản lý học sinh Cơtu nội trú vừa dạy thêm tiếng Anh cho các em.
Hôm 31-3 vừa rồi, trao đổi bên lề cuộc họp triển khai thi tốt nghiệp THPT năm nay, khi thầy Hảo phản ánh về thực trạng học sinh Cơtu yếu kém tiếng Anh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng Lê Trung Chinh gợi ý: Trường nên lập tờ trình gửi lên sở để có căn cứ đề xuất với Bộ GD&ĐT cho các em Cơtu thi môn thay thế.
Nhìn chung, học tiếng Anh đối với học sinh nông thôn đã khá chật vật, học sinh người Cơtu càng chật vật hơn. Cũng theo ông Lê Trung Chinh, năm học 2015 - 2016 học sinh lớp 9 các trường THCS ở 5 xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên, Hòa Sơn sẽ không được tuyển thẳng vào Trường THPT Phạm Phú Thứ nữa mà phải thi tuyển như các trường khác. Đây sẽ là cuộc “vật lộn” tiếng Anh cam go hơn đối với học sinh nông thôn miền núi nói chung, học sinh Cơtu nói riêng.
Đường đến với tiếng Anh
Điều kiện dạy tiếng Anh bậc THPT ở nông thôn không khác mấy so với nội thành, cũng giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, đồ dùng dạy học tối thiểu vẫn đầy đủ…, nhưng chỉ khác ở cách học của học sinh. Từ đầu năm học, trường thông báo cho học sinh đăng ký học thêm tiếng Anh nhưng không đủ số lượng nên không mở lớp được. “Xác định là học sinh yếu tiếng Anh, mình tạo điều kiện như thế nhưng các em lơ là thì mình cũng chịu”, thầy Hảo phân trần.
Cô Phan Thị Xuân Hà, giáo viên dạy tiếng Anh của Trường THPT Phạm Phú Thứ chia sẻ: Không thể đổ lỗi là nhà xa, vì trong khi rất nhiều học sinh nông thôn đi học các môn Toán, Lý, Hóa... ở các trung tâm luyện thi đại học dưới nội thành thì môn tiếng Anh đếm không đầy bàn tay! Không phải ở nông thôn không có học sinh giỏi tiếng Anh, vấn đề là các em có yêu thích ngoại ngữ hiện phổ biến nhất này không. Em Nguyễn Lê Ngọc Huyền, nhà ở thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh, là một ví dụ.
Từ lúc vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Viết Xuân quê mình, Huyền đã tranh thủ đi học thêm và đâm ra “mê” tiếng Anh. Để luyện kỹ năng nghe, nói, em nghe các bài hát tiếng Anh. Vào Trường THPT Phạm Phú Thứ, em được học 2 tháng tại Equest Đà Nẵng theo chương trình tặng học bổng cho học sinh giỏi tiếng Anh của trung tâm ngoại ngữ này. Huyền đang chờ thi hùng biện tiếng Anh cấp thành phố, hy vọng sẽ lập thành tích mới cho trường sau giải khuyến khích cuộc thi này được một học sinh mang về hơn... 7 năm trước.
Đổi sách Tiếng Anh lớp 3 mới, giáo viên Trường tiểu học Lâm Quang Thự phải đổi đồ dùng dạy học như con rối (phải) bằng những hình minh họa mới. Ảnh: V.T.L |
Thay sách ở phút thứ... 90
Trường tiểu học Lâm Quang Thự, xã Hòa Phong, đưa tiếng Anh vào giảng dạy ở các lớp 3, 4 và 5 từ năm 2000 theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Đến năm 2012, Hiệu trưởng Ông Văn Sơn cho biết, trường được Sở GD&ĐT đưa vào kế hoạch hỗ trợ thiết bị cho một phòng học tiếng Anh trị giá 293 triệu đồng, gồm 20 máy vi tính, 20 tai nghe, 20 bộ bàn ghế, một máy chiếu. Éo le thay, khi cán bộ sở xuống khảo sát thực tế thấy nhà trường không dư ra phòng học nào nên tất cả trang thiết bị này phải chuyển sang Trường tiểu học Hòa Liên trong sự tiếc nuối của thầy và trò nhà trường.
Ngoài thiếu trang thiết bị, vẫn theo thầy Sơn, chất lượng dạy tiếng Anh ở tiểu học chưa đáp ứng yêu cầu. Cán bộ quản lý không chuyên tiếng Anh nên không đánh giá sâu sát được việc giảng dạy bộ môn này tại trường mình để có những chỉ đạo cụ thể. Thêm vào đó, giáo trình thay đổi liên tục, trình độ quá cao so với sức học của học sinh.
Cô Ngô Thị Bích Vân, giáo viên tiếng Anh ở trường cho rằng sách giáo khoa tiếng Anh chưa sâu sát với tiểu học, lại thay đổi liên tục. Ví như năm 2012, khi triển khai dạy lớp 3 theo bộ sách Tiếng Anh 3, nhà trường phải xuất kinh phí mua các bộ tranh ảnh, con rối làm đồ dùng dạy học. Đến đầu năm học 2014 – 2015, trường bất ngờ nhận thông báo thay sách Tiếng Anh 3 mới trên cơ sở nâng cấp bộ sách cũ với các nhân vật thay đổi hoàn toàn về trang phục, diện mạo. Để có thể kịp lên lớp, giáo viên phải lật đật đi phóng lớn các hình minh họa trong sách mới làm giáo cụ trực quan.
Một giáo viên tiếng Anh khác ở trường, cô Nguyễn Thị Quỳnh Chi, than phiền rằng ngay trong mùa hè phụ huynh đã mua sách Tiếng Anh 3 cũ cho con, chỉ 3 quyển nhưng có giá gần bằng bộ sách giáo khoa 20 quyển. Việc thay sách ở “phút thứ 90” này đã “làm khó” cho cả giáo viên và phụ huynh nông thôn - những người vốn khó khăn trong cuộc sống. Trường tiểu học Lâm Quang Thự ở ngay sát “thủ phủ” của huyện mà thế, thử hỏi trường vùng sâu, vùng xa sẽ ra sao?
Bao giờ hết “vật lộn” với tiếng Anh?
Nhìn chung, sức học của học sinh nông thôn vẫn thua thiệt so với học sinh nội thành mà nguyên nhân chính là từ điều kiện học tập. Đó là nhận xét của cô Đặng Thị Ánh Tuyết, Tổ trưởng tổ tiếng Anh, sau 19 năm dạy tiếng Anh ở Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh, xã Hòa Khương. Mỗi lớp chỉ có một vài em có tự điển tiếng Anh, một số em nhà có máy vi tính nhưng lại không nối mạng Internet nên không thể học từ vựng qua từ điển trực tuyến. Mỗi khi thi IOE (Internet Olympic English, gọi nôm na là Olympic tiếng Anh qua mạng) là trường phải cho các em mượn máy, giáo viên bộ môn sắp xếp thời gian hướng dẫn.
Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh cũng mở những lớp tăng tiết ngoài chính khóa, có thu học phí ở mức tượng trưng, nhưng chỉ khối lớp 6 là tương đối ổn định, còn các khối lớp khác học theo kiểu giã gạo. Ngay cả lớp 9 cuối cấp cũng không mặn mà gì với môn tiếng Anh. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Cúc giải thích: Thi lên lớp 10 thì tiếng Anh là môn tự chọn, những bài thi đạt từ 5 điểm trở lên được cộng thêm điểm (5 đến dưới 6 điểm được cộng 1 điểm; 6 đến dưới 7 điểm được cộng 1,5 điểm; 7 đến dưới 8 điểm được cộng 2 điểm…). Vì thế, những em yếu tiếng Anh sẽ cho qua môn này mà tập trung học các môn chính như Toán, Văn...
Quy định này là một trong những nguyên nhân khiến học sinh THCS lơ là môn tiếng Anh. Cô Tuyết kể, giáo viên bảo học tiếng Anh không phải lấy điểm mà lấy căn bản để sau học lên THPT thì học sinh (và thậm chí phụ huynh) cứ khư khư: Sau này hãy hay, chứ chừ dễ chi được 5 điểm hả cô!...
Để kích thích đam mê tiếng Anh của học sinh, các trường tổ chức thêm hoạt động ngoại khóa. Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh tổ chức Rung chuông vàng, Hùng biện tiếng Anh, Olympic tiếng Anh…; những em giỏi tiếng Anh thì tham gia rất nhiệt tình, những em yếu thì tham gia theo kiểu chẳng đặng đừng, xem hoạt động đó như là của ai chứ không phải dành cho mình.
Trường THPT Phạm Phú Thứ vừa thành lập CLB Nói tiếng Anh trong học kỳ vừa rồi, học sinh đến tham gia lúc đầu còn e dè, nhất là những em yếu ngoại ngữ, sợ vào đấy sẽ bị “bắt” nói tiếng Anh. Cô Xuân Hà lúc học đại học thường được các sinh viên tình nguyện nước ngoài đến giao lưu bằng tiếng Anh bản ngữ nên kỹ năng nói của cô tiến bộ rất nhanh. Với CLB Tiếng Anh của trường mình, cô mong muốn được thành phố hỗ trợ bằng hình thức tương tự để kích thích đam mê tiếng Anh của học sinh vùng nông thôn, góp phần giúp các em không phải “vật lộn” với ngoại ngữ nữa.
VĂN THÀNH LÊ