Đà Nẵng cuối tuần

Blouse trắng tình nguyện

16:36, 27/06/2015 (GMT+7)

Những ngày giữa tháng 6, trên vùng đất nghèo Salavan ở nước bạn Lào, đoàn y bác sĩ tình nguyện của Đà Nẵng khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho gần 2.500 người dân địa phương. Đây là hoạt động trong chương trình Tình nguyện quốc tế 2015 do Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức.

Các y, bác sĩ Đà Nẵng đang trao đổi trước giờ làm việc trong chuyến đi tình nguyện ở Salavan, Lào.
Các y, bác sĩ Đà Nẵng đang trao đổi trước giờ làm việc trong chuyến đi tình nguyện ở Salavan, Lào.

“Đã đi là phải lăn xả”

Lần đi làm việc ở Salavan, số lượng bệnh nhân ở mỗi buổi khám đều tròm trèm 800-900 người. Trong 2 ngày 13 và 14-6, ngày tổ chức khám bệnh, 19 y bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng phải thức dậy từ sớm cho kịp giờ xe khởi hành lúc 5 giờ 30. Những ngôi làng Beunkham, Naxay, Napheang nơi chúng tôi đến đều cách trung tâm Salavan từ

30-50 km, đường sá cũng không lấy gì êm ái. Bước xuống xe là các tình nguyện viên bắt tay vào làm việc ngay, khám bệnh, kê đơn, chia phần từng gói thuốc… Ngoài việc khám thì việc hỏi thăm bệnh cũng làm các bác sĩ khá vất vả vì bất đồng ngôn ngữ, vì đôi khi thông dịch viên cũng khó diễn tả hết mức độ và các thuật ngữ y khoa. Cường độ làm việc lớn như vậy, nhưng theo anh Hồ Văn Tịnh (kỹ thuật viên – Bệnh viện (BV) C Đà Nẵng), khi đã vào làm việc, trong suy nghĩ của anh chỉ còn lại đúng hai chữ công việc, những mệt mỏi đều tự tan biến hết. Kỳ diệu thay, làm việc tình nguyện lại chính là cách để giải tỏa áp lực từ những công việc thường ngày.

BS Đặng Thị Thu Huyền, hiện công tác ở BV Da liễu Đà Nẵng nói về quyết tâm của mình một cách đơn giản – “đã đi là phải lăn xả”. Đi khám cộng đồng sẽ có những điều khác với khám trong bệnh viện. Người dân đi khám về bệnh này, hỏi thêm về bệnh khác cho người thân trong gia đình là chuyện bình thường. Lúc đó, bác sĩ phải cố gắng hết khả năng của mình để giải đáp. Khi đoàn tình nguyện cần hỗ trợ, bác sĩ cũng sẵn sàng bưng bê, dọn dẹp, tuyên truyền, phát thuốc... Khi cống hiến bằng cách tạo ra niềm vui cho người bệnh mà không màng tới danh phận hay tiền bạc, người bác sĩ đã tạo ra niềm vui cho chính bản thân mình. Giúp cho người mà cũng chính là giúp cho mình, đó là ý nghĩa của hai chữ Y Đức.

Nhiều người trong số các bác sĩ tham gia các chương trình tình nguyện từ lúc còn ngồi trên ghế giảng đường. BS Trần Đình Trung (Trường ĐH Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng) làm tình nguyện lúc là sinh viên năm thứ 4 ở Trường ĐH Y dược Huế. Anh vẫn nhớ như in những ngày sống và sinh hoạt trong nhà cộng đồng, nằm ngủ trên chiếu trải sàn, tắm trong căn “buồng” được quây tạm bằng thân tre. Công việc của anh không phải là khám bệnh, mà là phụ cho các bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân lấy số thứ tự, xếp hàng, lấy thuốc. Những lần đi tình nguyện thời sinh viên còn tạo nền tảng kinh nghiệm về cả chuyên môn lẫn phương pháp tổ chức.

Dược sĩ Phạm Tấn Phương (BV Tâm thần Đà Nẵng) chia sẻ về những lần anh cùng đơn vị đi thăm khám tình nguyện cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Có những mẹ tai đã nghễnh ngãng, mắt mờ, chân đi không vững; những lúc ấy, anh và đồng nghiệp phải nói rất to, dán ký hiệu nổi lên bao thuốc hay đi tới tận giường các mẹ thăm khám.

Trăn trở với nghề, với đời

Có những đam mê nghề nghiệp được khám phá trong quá trình làm việc, tiếp xúc với bệnh nhân, BS Thu Huyền chia sẻ. Càng làm, chị càng thấy yêu công việc của mình. Đối với chị, làm tình nguyện không nhất thiết phải đợi đoàn thể tổ chức, tiền bạc hay thuốc men quyên góp mà có thể làm ngay trong đơn vị công tác của mình. Giúp người bệnh một cách tự nguyện, xuất phát từ tấm lòng. Ở nhiều bệnh viện có các quỹ tình thương, hằng tháng các bác sĩ đều tự nguyện san sẻ một ít lương của mình vào đó, để bệnh nhân nghèo có thêm miếng thịt trong bữa cơm, để các em nhỏ được thêm ít bánh kẹo, sách vở mà quên đi cái đau, cái bệnh của mình. Tình nguyện chỉ đơn giản là như thế.

Bác sĩ Đặng Thị Thu Huyền (BV Da liễu Đà Nẵng) và điều dưỡng Phan Thị Thịnh (BV Mắt Đà Nẵng) thăm khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ Đặng Thị Thu Huyền (BV Da liễu Đà Nẵng) và điều dưỡng Phan Thị Thịnh (BV Mắt Đà Nẵng) thăm khám cho bệnh nhân.

BS Trần Đình Trung lại mang trong mình một nỗi trăn trở về những chuyến đi khám chữa bệnh và cấp phát thuốc tình nguyện. Ở nơi khám bệnh dã chiến, không đầy đủ các dụng cụ, thiết bị hỗ trợ, nhiều trường hợp bệnh nhân không thể được khám chữa triệt để. Trở về từ chuyến đi tình nguyện ở Salavan, dự định trong tương lai sẽ có các buổi truyền thông, phổ biến kiến thức cho người dân cũng như trao đổi chuyên môn với nhân viên phụ trách y tế địa phương. Đó chính là cách hiệu quả để người dân được đảm bảo sức khỏe lâu dài.

Tôi đã gặp và nói chuyện với các y, bác sĩ trong đoàn tình nguyện tháng 6 ấy trong nhiều buổi khác nhau, có một điều rất chung mà những người khoác áo blouse trắng ấy đều cùng chia sẻ: Đi làm tình nguyện thật ra chẳng có động lực gì to tát, chỉ là mình có gì thì đem ra giúp cho những người cần mà thôi, chứ giữ trong người không để làm gì. Tôi hiểu, những điều họ “có” không chỉ là kiến thức chuyên môn, mà còn là nhiệt huyết của tuổi trẻ, là y đức, là tình người.

KHANG NINH

.